Nguyên tắc tính lãi
Điều 4 Thông tư 14 quy định: Lãi suất tính lãi được quy đổi theo tỷ lệ %/năm (lãi suất năm); một năm là 365 ngày. Thời gian sử dụng để quy đổi mức lãi suất tính lãi theo tỷ lệ %/tháng, %/tuần, %/giờ sang mức lãi suất theo tỷ lệ %/ngày; quy đổi mức lãi suất theo tỷ lệ %/ngày sang mức lãi suất theo tỷ lệ %/năm và ngược lại được tính như sau: Một năm là 365 ngày; một tháng là 30 ngày; một tuần là 7 ngày; một ngày là 24 giờ.
Thời gian qua, cách tính lãi nói trên thực hiện theo Quyết định số 652/2001/QĐ-NHNN từ năm 2001, có những vướng mắc, cũng như có thay đổi trong các văn bản pháp lý mới ban hành. Trong đó, vướng mắc chính là quy định về số ngày trong một năm tại Quyết định 652 chưa thống nhất với Luật Dân sự hiện hành và số ngày thực tế trong năm.Tại điều 9 Quyết định 652 quy định cứng thời gian chuẩn để tính lãi theo năm được quy ước là “một năm có 360 ngày”. Còn điểm a khoản 1 điều 146 Luật Dân sự năm 2015 quy định về thời hạn, thời điểm tính thời hạn “một năm là 365 ngày”; và ngày thực tế theo lịch thì trong một năm là 365 ngày hoặc 366 ngày (đối với năm nhuận).
Như vậy, với thông tư vừa ban hành, số ngày của năm để tính lãi được chốt lại là 365 ngày.
Ngoài ra, Thông tư 14 cũng quy định, đối với khoản tiền gửi, cấp tín dụng có thời hạn từ một ngày trở lên thì tổ chức tín dụng được thỏa thuận với khách hàng về thời hạn tính lãi và thời điểm xác định số dư để tính lãi theo 1 trong 2 cách sau:
Cách 1: Thời hạn tính lãi được xác định từ ngày tiếp theo ngày giải ngân khoản cấp tín dụng hoặc ngày tiếp theo ngày nhận tiền gửi đến hết ngày thanh toán hết khoản cấp tín dụng, khoản tiền gửi (bỏ ngày đầu, tính ngày cuối của thời hạn tính lãi) và thời điểm xác định số dư để tính lãi là đầu mỗi ngày trong thời hạn tính lãi.
Cách 2: Thời hạn tính lãi được xác định từ ngày giải ngân khoản cấp tín dụng hoặc ngày nhận tiền gửi đến hết ngày liền kề trước ngày thanh toán hết khoản cấp tín dụng, khoản tiền gửi (tính ngày đầu, bỏ ngày cuối của thời hạn tính lãi) và thời điểm xác định số dư để tính lãi là cuối mỗi ngày trong thời hạn tính lãi.
Đối với khoản tiền gửi, cấp tín dụng mà thời hạn tính từ khi nhận tiền gửi hoặc từ khi giải ngân khoản cấp tín dụng đến khi thanh toán hết khoản tiền gửi, khoản cấp tín dụng dưới một ngày: Tổ chức tín dụng thỏa thuận với khách hàng về thời hạn tính lãi được tính từ khi nhận tiền gửi hoặc từ khi giải ngân khoản cấp tín dụng đến khi thanh toán hết khoản tiền gửi, khoản cấp tín dụng, nhưng không được vượt quá một ngày.
Tổ chức tín dụng và khách hàng được thỏa thuận về mức lãi suất, phương pháp tính lãi phù hợp với quy định của pháp luật về nhận tiền gửi, cấp tín dụng và quy định tại Thông tư này.
Phương pháp tính lãi
Điều 5 Thông tư 14 quy định: Thời hạn tính lãi được xác định từ ngày tiếp theo ngày giải ngân khoản cấp tín dụng hoặc ngày tiếp theo ngày nhận tiền gửi đến hết ngày thanh toán hết khoản cấp tín dụng, khoản tiền gửi (bỏ ngày đầu, tính ngày cuối của thời hạn tính lãi) và thời điểm xác định số dư để tính lãi là đầu mỗi ngày trong thời hạn tính lãi.
Số dư thực tế: Là số dư đầu ngày tính lãi của số dư tiền gửi, số dư nợ gốc trong hạn, số dư nợ gốc quá hạn, số dư lãi chậm trả thực tế mà bên nhận tiền gửi, bên nhận cấp tín dụng còn phải trả cho bên gửi tiền, bên cấp tín dụng được sử dụng để tính lãi theo thỏa thuận và quy định của pháp luật về nhận tiền gửi, cấp tín dụng.
Số ngày duy trì số dư thực tế: Là số ngày mà số dư thực tế đầu mỗi ngày không thay đổi.
Thông tư quy định rõ về công thức tính lãi.
Số tiền lãi của một ngày được tính toán như sau:
Số tiền lãi của kỳ tính lãi bằng (=) tổng số tiền lãi ngày của toàn bộ các ngày trong kỳ tính lãi.
Đối với các khoản tiền gửi, cấp tín dụng có thời gian duy trì số dư thực tế nhiều hơn một (01) ngày trong kỳ tính lãi, được sử dụng công thức rút gọn sau để tính lãi:
Như vậy, lãi suất của các sản phẩm tiền gửi, giấy tờ có giá của các ngân hàng đều sẽ được tính theo lãi suất năm, trên cơ sở một năm có 365 ngày thay cho trước đây là 360 ngày.
Với tiền gửi có kỳ hạn, từ ngày 1/1/2018, tiếp tục tính theo phương pháp đang thực hiện trước ngày 01/01/2018 (lãi suất tính lãi được tính theo tỷ lệ %/năm (360 ngày)) cho đến khi hết thời hạn của khoản tiền gửi.
Với khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 1 ngày trở lên, thời hạn tính lãi được xác định từ ngày nhận tiền gửi đến hết ngày liền kề trước ngày đến hạn thanh toán của khoản tiền gửi (tính ngày đầu, bỏ ngày cuối của thời hạn tính lãi) và thời điểm xác định số dư để tính lãi là cuối mỗi ngày trong thời hạn tính lãi.
Các khoản tiền không kỳ hạn bắt đầu từ trước ngày 1/1/2018 sẽ được chuyển sang tính theo phương pháp tính lãi mới nêu trên.
Các khoản tiền gửi có kỳ hạn bắt đầu kể từ ngày 1/1/2018 trở đi được thực hiện tính lãi theo nguyên tắc mới phù hợp và đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Minh bạch lãi suất
Khoản 2 Điều 5 của Thông tư 14 quy định:
Đối với khoản tiền gửi, cấp tín dụng có thỏa thuận được lập thành văn bản dưới hình thức thỏa thuận cụ thể hoặc thỏa thuận khung và thỏa thuận cụ thể:
Văn bản thỏa thuận nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa tổ chức tín dụng và khách hàng phải có nội dung về phương pháp tính lãi và mức lãi suất tính lãi; trường hợp thỏa thuận áp dụng lãi suất điều chỉnh thì trong văn bản thỏa thuận phải có nội dung về nguyên tắc và các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh và tại thời điểm điều chỉnh lãi suất, tổ chức tín dụng phải thông báo cho khách hàng bằng văn bản về mức lãi suất cụ thể được điều chỉnh.
Đối với khoản tiền gửi, cấp tín dụng có thời hạn từ một ngày trở lên có thỏa thuận phương pháp tính lãi khác với phương pháp tính lãi quy định tại khoản 1 Điều này: Ngoài việc thực hiện quy định như ở trên, tổ chức tín dụng phải ghi rõ mức lãi suất năm tương ứng theo phương pháp tính lãi quy định tại khoản 1 Điều này trong văn bản thỏa thuận nhận tiền gửi, cấp tín dụng; trường hợp thỏa thuận áp dụng lãi suất điều chỉnh thì tại thời điểm điều chỉnh lãi suất, trong thông báo về mức lãi suất cụ thể được điều chỉnh, tổ chức tín dụng phải ghi rõ mức lãi suất năm tương ứng theo phương pháp tính lãi quy định tại khoản 1 Điều này.
Đối với các khoản tiền gửi, cấp tín dụng sử dụng hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung trong giao kết thỏa thuận nhận tiền gửi, cấp tín dụng:
Tổ chức tín dụng phải thực hiện minh bạch thông tin về hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung theo quy định của pháp luật về nhận tiền gửi và cấp tín dụng. Ngoài ra, tổ chức tín dụng phải niêm yết công khai thông tin về phương pháp tính lãi tại trụ sở và đăng tải trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng (nếu có).
Trước khi thực hiện giao dịch, tổ chức tín dụng phải cung cấp đầy đủ thông tin cho khách hàng về phương pháp tính lãi và mức lãi suất tính lãi; trường hợp có áp dụng lãi suất điều chỉnh thì thông tin cung cấp phải bao gồm cả nguyên tắc và các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh và tại thời điểm điều chỉnh lãi suất, tổ chức tín dụng phải thông báo cho khách hàng về mức lãi suất cụ thể được điều chỉnh. Tổ chức tín dụng phải có xác nhận của khách hàng về việc đã được tổ chức tín dụng cung cấp đầy đủ thông tin trong trường hợp pháp luật về nhận tiền gửi, cấp tín dụng có quy định.
Đối với khoản tiền gửi, cấp tín dụng có thời hạn từ một ngày trở lên thỏa thuận phương pháp tính lãi khác với phương pháp tính lãi quy định tại khoản 1 Điều này: Ngoài thực hiện quy định như trên, thì tổ chức tín dụng phải cung cấp cho khách hàng mức lãi suất năm tương ứng theo phương pháp tính lãi quy định tại khoản 1 Điều này; trường hợp có áp dụng lãi suất điều chỉnh thì tại thời điểm điều chỉnh lãi suất, tổ chức tín dụng phải thông báo cho khách hàng về mức lãi suất cụ thể được điều chỉnh và mức lãi suất năm tương ứng theo phương pháp tính lãi quy định tại khoản 1 Điều này.
Cơ sở để các NHTM thống nhất cách tính lãi vay và lãi tiền gửi
Theo phân tích của một số chuyên gia, theo cách tính lãi mới, số tiền lãi của khách hàng gửi tiết kiệm nhận được có thể sẽ bị giảm so với trước đây. Chẳng hạn với lãi suất 7%/năm, khách hàng gửi 1 tỷ đồng, nếu tính lãi theo 360 ngày/năm thì mỗi ngày khách hàng sẽ nhận được 195.000 đồng. Nhưng nếu tính theo quy ước 1 năm = 365 ngày thì mỗi ngày khách hàng sẽ được nhận lãi gần 192.000 đồng.
Tương tự, với cách tính lãi mới này, người vay tiền sẽ được lợi hơn khi số lãi phải trả hằng ngày sẽ được giảm đi.
Ngân hàng cũng không hưởng lợi từ việc thay đổi cách tính lãi lên 365 ngày. Phó Tổng Giám đốc một NHTM tại TP.HCM nhìn nhận cách tính lãi mới sẽ ảnh hưởng một phần đến lợi nhuận của ngân hàng. Do lãi suất tiền gửi thấp hơn lãi suất cho vay, nên các ngân hàng sẽ phải cho vay nhiều hơn nếu muốn thu về lợi nhuận như cũ.
Khi quy định thống nhất về cách tính lãi suất 1 năm 365 ngày sẽ thuận lợi hơn cho cả ngân hàng trong cạnh tranh huy động vốn cũng như khách hàng dễ tính toán thực hiện. Theo NHNN, việc thay đổi cách tính lãi là cơ sở để các NHTM thống nhất cách tính lãi vay và lãi tiền gửi. Trước đó, có ngân hàng thu lãi theo ngày thực tế 365 ngày hoặc 366 ngày (năm nhuận) nhưng khi quy đổi lãi năm thỏa thuận trong hợp đồng về lãi suất ngày thì tính 360 ngày, dẫn đến vướng mắc hoặc khiếu nại giữa khách hàng và ngân hàng.
Chuyên gia Huỳnh Trung Minh cho rằng, sự thống nhất cách tính lãi huy động và cho vay tạo sự công bằng, trung thực hơn. Ngân hàng là đơn vị trung gian huy động tiền từ xã hội để cho vay, mà số tiền cho vay thường nhỏ hơn số tiền huy động. Ngân hàng huy động được 100 đồng nhiều khi chỉ được cho vay 80 đồng.
TS. Bùi Quang Tín nhận xét việc áp dụng cách tính lãi thống nhất sẽ giúp khách hàng không còn khiếu nại hay khởi kiện ngân hàng vi phạm về số ngày tính tiền lãi như trước. Đồng thời, các tổ chức tín dụng phải niêm yết công khai thông tin về phương pháp tính lãi tại trụ sở, trên website giúp hoạt động huy động vốn, cho vay minh bạch về lãi suất hơn.