Thông tin đáng mừng là mặc dù năm nay nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách sẽ vượt dự toán. Tuy vậy, nợ đọng thuế vẫn khá lớn, khoảng 70.000 tỷ đồng và đa phần khó thu hồi được. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính năm tới là tập trung vào giải pháp chống thất thu thuế.
Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, thực tế còn tình trạng thất thu thuế, các hộ kinh doanh cá thể hiện nay không sử dụng hệ thống kế toán và hóa đơn chứng từ, kể cả đối với các doanh nghiệp, ý thức tuân thủ quy định về hóa đơn chứng từ cũng chưa nghiêm. Hiện Bộ Tài chính đang chỉ đạo đẩy mạnh hóa đơn điện tử, góp phần minh bạch hơn, đối chiếu các khoản mua bán, giảm tình trạng mua bán hóa đơn lòng vòng, gian lận trong hoàn thuế giá trị gia tăng.
Thủ tướng đánh giá, mặc dù thu từ xuất nhập khẩu, trong đó lượng dầu thô xuất khẩu giảm, nhưng ngành Tài chính và các địa phương đã nỗ lực cố gắng và vượt thu. Tuy vậy, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, nhất là các tỉnh nhận trợ cấp ngân sách phải triệt để chi tiêu tiết kiệm.
“Thu nội địa, xuất nhập khẩu cần phải cố gắng hơn, nhất là các địa phương đang nhận trợ cấp ngân sách thì càng phải tiết kiệm, các địa phương được trợ cấp thêm cũng phải tiết kiệm. Các địa phương cũng phải khắc phục tình trạng thất thu, nhất là 3,5 triệu hộ cá thể, cần phải có phương thức trong thời gian tới”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong thực hiện chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, điểm tích cực là mặt bằng lãi suất cho vay năm nay đã giảm từ 0,5% - 1% góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; thị trường ngoại tệ ổn định; nhu cầu thanh khoản và ngoại hối được đảm bảo, ngay cả khi thị trường trong nước và quốc tế diễn biến bất thường. Đến thời điểm này, đồng Việt Nam chỉ mất giá 1,1 đến 1,2%, thanh khoản ổn định.
Thống đốc Lê Minh Hưng nhận định: áp lực đối với tỷ giá và lãi suất năm 2017 là các nước có xu hướng bảo hộ mậu dịch, phá giá đồng tiền để đẩy mạnh xuất khẩu, trong khi trong nước đòi hỏi giảm mặt bằng lãi suất để thực hiện mục tiêu tăng trưởng cao hơn năm 2016. Do đó đòi hỏi điều hành lãi suất phải linh hoạt, bám sát các cân đối vĩ mô và tiền tệ cũng như mục tiêu chính sách, để có thể kiểm soát và ổn định được mặt bằng lãi suất cho vay. Phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất trung và dài hạn như Chính phủ chỉ đạo.
Thủ tướng nhận định dù năm 2017 dự báo nhiều diễn phiến phức tạp, nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn phải thực hiện nhiệm vụ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giữ ổn định đồng tiền Việt Nam. Cùng với việc huy động ngoại tệ và vàng của xã hội, Ngân hàng Nhà nước phải có phương án đưa vào sản xuất, tránh tình trạng kinh doanh vàng trái phép gây lạm phát và ảnh hưởng đến tiền đồng Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc câu chuyện huy động tiền, vàng của xã hội nhưng lại không có phương án sử dụng tốt, cộng với tâm lý thị trường phức tạp, kẻ xấu tác động sẽ gây áp lực lạm phát. Vì vậy phải giữ giá trị đồng tiền Việt Nam ổn định tốt nhất để từ đó thu hút được các nhà đầu tư.
“Tôi cũng nung nấu và đặt ra vấn đề này nhiều lần, nhưng đây là vấn đề không đơn giản. Huy động vào không khéo có thể gây ra lạm phát. Mua vào nhưng phải tính đưa vào sản xuất kinh doanh là quan trọng nhất, tránh để trở lại tình trạng kinh doanh vàng trái phép. Đây là điều Ngân hàng Nhà nước cần phải suy nghĩ”, Thủ tướng nói.
Nêu thực tế nền kinh tế đang có 5 triệu tỉ đồng tín dụng, 2,3 triệu tỉ đồng nợ công, Thủ tướng cho rằng đây là số tiền rất lớn, đặt ra bài toán hóc búa cho Ngân hàng Nhà nước trong việc tiếp tục giảm lãi suất, góp phần giảm chi phí cho nền kinh tế. Đây là bài toán Thủ tướng đặt ra cho đơn vị này trong năm 2017.
Đối với gói tín dụng dành cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, Thủ tướng nêu rõ, chủ trương đã có, nhưng Ngân hàng Nhà nước phải giao cho nhiều ngân hàng thương mại cùng tham gia. Nếu chỉ định một ngân hàng thì sẽ xảy ra chuyện cho vay khó khăn.