Phát hành nhiều, nhưng chủ yếu để… rút tiền
Theo báo cáo của Hiệp hội Thẻ ngân hàng Việt Nam (VBCA) được trình bày tại Hội thảo “Tương lai thanh toán bằng thẻ và tiền điện tử” tổ chức ngày 22/11, trong những năm qua, dù một số lượng lớn thẻ tín dụng đã được phát hành, nhưng trên thực tế chưa có sự thay đổi căn bản về chất lượng cũng như tăng cường giao dịch của chủ thẻ sau khi phát hành.
Theo ông Lê Huy Khôi (Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công Thương), chi phí bình quân phát hành thẻ ở Việt Nam tương đối cao, khoảng 5 USD/thẻ, trong khi con số bình quân là 1 USD/thẻ. Doanh thu thanh toán thẻ chủ yếu vẫn từ dịch vụ rút tiền từ các máy rút tiền tự động (ATM), chiếm 85%. Trong khi đó, chỉ có 15% là doanh thu từ giao dịch thanh toán và từ các điểm chấp nhận thanh toán thẻ. Đây là một nghịch lý, bởi phát hành thẻ phải song hành với phát triển hạ tầng thanh toán rộng khắp, chứ không phải là cuộc đua gia tăng thị phần thẻ và chỉ để rút tiền mặt.
Đối với các điểm chấp nhận thẻ, hiện tại, các điểm này đang phải trả phí dịch vụ thanh toán theo quy định cho ngân hàng vào khoảng 2% để phục vụ vào các khoản đầu tư máy chấp nhận thẻ (POS) và trả phí cho tổ chức phát hành thẻ quốc tế. Với mức phí cao như vậy, trên thực tế đã có nhiều trường hợp đơn vị không nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc chuyển mức phí này sang cho chủ thẻ. Hơn nữa, tổng mức dư nợ cho vay qua thẻ mới chỉ chiếm một tỉ trọng rất nhỏ trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng của các ngân hàng. Ngoài ra, sử dụng thanh toán qua thẻ ở khu vực doanh nghiệp còn hạn chế…
Dưới góc độ ngân hàng thương mại, ông Lê Thanh Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Thẻ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chia sẻ, một trong các chính sách chủ yếu là tập trung phát triển thanh toán trực tuyến và mở rộng các điểm POS, trong đó có các điểm chấp nhận thẻ qua thiết bị POS di động (MPOS) là một trong những ưu tiên hàng đầu. Dịch vụ MPOS là dịch vụ cho phép đơn vị chấp nhận thẻ sử dụng điện thoại thông minh và một thiết bị thanh toán đi kèm để thanh toán hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng.
Ở Việt Nam, MPOS cũng đang là một trong những giải pháp thanh toán hiệu quả, phù hợp, được các ngân hàng tích cực đẩy mạnh triển khai, đặc biệt trong thời gian gần đây do số lượng thuê bao di động tại Việt Nam đang bùng nổ.
Hiện tại đã có 6 ngân hàng đã triển khai dịch vụ MPOS gồm VietinBank, Sacombank, Eximbank, TienPhongBank, MBBank, Techcombank… và một số ngân hàng khác đang trong giai đoạn nghiên cứu phát triển sản phẩm. Trong đó, VietinBank là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam triển khai loại hình dịch vụ thanh toán này với tốc độ tăng trưởng đạt 100% hằng tháng. Ngân hàng này cũng đang triển khai nhiều chương trình khuyến mại, giảm phí thanh toán cho các đơn vị để khuyến khích các đơn vị lắp đặt, cung cấp các chương trình trả góp lãi suất 0% cho chủ thẻ khi thanh toán qua MPOS…
Phát triển dịch vụ mới gắn với tăng cường bảo mật
Một vấn đề dư luận quan tâm hiện nay chính là bảo đảm an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ. Tại Hội nghị về an ninh, bảo mật ngân hàng mới đây, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, nếu như trước đây, các vụ việc gian lận phát sinh chủ yếu đối với thẻ quốc tế và đối tượng tội phạm người nước ngoài thì hiện nay, các vụ việc gian lận đã chuyển hướng sang cả thẻ nội địa và hệ thống ATM/POS tại Việt Nam.
Thực tế, hiện nay, các tổ chức tín dụng cũng rất quan tâm, chú trọng đầu tư, cập nhật và phát triển hệ thống thanh toán nội bộ, hệ thống ngân hàng lõi với kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, quản lý tập trung, cho phép cung ứng các dịch vụ, phương tiện thanh toán hiện đại, đa dạng, tiện lợi. Để đối phó với tình trạng tội phạm ngày càng tinh vi, nhiều tổ chức tín dụng đã trang bị các giải pháp tăng cường an toàn, an ninh mạng như hệ thống quản lý sự kiện an ninh mạng, phòng chống thư rác, chữ ký số… Các kỹ thuật kiểm tra mống mắt, giọng nói cũng bắt đầu được đưa vào sử dụng.
Về những giải pháp tăng cường bảo mật an ninh trong thanh toán thẻ ngân hàng, bà Nguyễn Thị Mai Phượng, Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN) phân tích, các vụ khách hàng bị mất thông tin thẻ ATM thời gian qua tại Việt Nam cho thấy, kẻ gian cài một máy camera nhỏ vào máy ATM hoặc máy POS để đọc được những thông tin trên dải từ, sau đó làm một chiếc thẻ giống hệt bản gốc để rút tiền.
Đối với thẻ chip, việc này gần như không thể làm được do thẻ chip ứng dụng nhiều thuật toán mã hóa phức tạp và các khóa bảo an tiên tiến nên khó có thể giải mã để bẻ khóa. Khả năng làm giả thẻ chip cũng thấp hơn so với thẻ từ tới 70%. Vì vậy, việc chuyển đổi công nghệ từ thẻ từ sang thẻ chip với chuẩn EMV sẽ là cần thiết để nâng cao tính bảo mật cho hoạt động thẻ. NHNN cần thúc đẩy quá trình chuyển đổi này để chậm nhất đến 2020, toàn bộ thị trường thẻ Việt Nam sẽ chuyển đổi hoàn toàn sang thẻ chip.
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng nên ứng dụng các giải pháp mã hóa vào công tác quản lý hệ thống thẻ của mình. Theo ông Peter Gordon, Trưởng nhóm Giải pháp thanh toán thương mại khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Công ty Mastercard, có một giải pháp đơn giản và thiết yếu như Tokenization (công cụ mã hóa) nhưng hiện mới chỉ có 3 ngân hàng của Việt Nam sử dụng.
Theo kinh nghiệm của các nước, điểm cốt lõi để thanh toán điện tử bùng phát là lòng tin người tiêu dùng đối với các hoạt động thanh toán điện tử được nâng cao, phải cải tạo hệ thống hạ tầng viễn thông đồng bộ, cùng hành lang pháp lý chặt chẽ, mở rộng yêu cầu bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường sự minh bạch.
Trên hết, các chuyên gia cho rằng, con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất trong việc giảm thiểu những rủi ro trong hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động thanh toán nói riêng. Người sử dụng dịch vụ cần tuân thủ các quy định, hướng dẫn của tổ chức cung cấp dịch vụ và có ý thức tự bảo vệ mình thông qua việc bảo mật thông tin về tên, mật khẩu đăng nhập các dịch vụ ngân hàng điện tử; bảo vệ điện thoại hoặc thiết bị di động của mình khi sử dụng các thiết bị này cho các dịch vụ ngân hàng trực tuyến; cài đặt mật mã khó đoán, thay đổi mật mã thường xuyên và không sử dụng các tính năng lưu mật mã để đăng nhập tự động; hạn chế dùng máy tính công cộng, mạng không dây công cộng khi truy cập vào hệ thống ngân hàng điện tử.