Việc sửa đổi luật lần này tập trung vào ba lĩnh vực chính: (i) quá trình tái cơ cấu ngân hàng, (ii) bảo hiểm tiền gửi và (iii) chứng khoán trung gian.
Trước đó, Hội đồng Liên bang đã công bố dự thảo sơ bộ sửa đổi một phần của Đạo luật Ngân hàng Liên bang vào năm ngoái và tiến hành tham vấn ý kiến các bang, các đảng chính trị đại diện trong Hội đồng Liên bang, các tổ chức và các bên liên quan khác về dự thảo luật lần này. Quốc hội Liên bang dự kiến Luật sửa đổi sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2022.
Quy trình tái cơ cấu ngân hàng
Trước đây, đã có nhiều ý kiến phản đối Pháp lệnh về khả năng thanh toán của ngân hàng (FINMA) vì không cung cấp đủ cơ sở pháp lý để can thiệp vào quá trình tái cơ cấu nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và các chủ nợ trong bối cảnh ngân hàng đổ vỡ và phải tái cơ cấu. Do đó, Thụy Sĩ đã quyết định tích hợp các quy định về mất khả năng thanh toán của ngân hàng và tư cách pháp lý hoặc can thiệp vào quyền lợi của bên thứ ba vào Đạo luật Ngân hàng Liên bang Thụy Sĩ nhằm tăng cường hiệu lực pháp lý của các điều khoản đó. Hơn nữa, Luật cũng sửa đổi, làm rõ về kế hoạch tái cơ cấu, thủ tục kháng nghị, các biện pháp cấp vốn và thẩm quyền của FINMA trong việc chuyển đổi hình thức pháp lý của một ngân hàng được tái cơ cấu.
Bảo hiểm tiền gửi
Ngoài ra, các quy định liên quan đến bảo hiểm tiền gửi sẽ được điều chỉnh theo tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, với nhiều sửa đổi để phù hợp hơn với điều kiện và hoàn cảnh thực tế của quá trình triển khai chính sách BHTG. Trong đó, Luật đặc biệt nhấn mạnh việc giảm thời hạn chi trả cho người gửi tiền, cơ chế tài chính của tổ chức BHTG và tăng vai trò của BHTG trong hệ thống tài chính ngân hàng. Việc chi trả tiền gửi được bảo hiểm từ tổ chức BHTG đến tổ chức thanh lý ngân hàng sẽ được thực hiện trong vòng 7 ngày sau khi có thông báo về việc ngân hàng phá sản. Sau đó, tổ chức thanh lý ngân hàng sẽ chi trả cho người gửi tiền trong vòng 7 ngày tiếp theo.
Hơn nữa, tài chính của hệ thống BHTG sẽ được tăng cường nhờ có cơ chế cấp vốn trước thông qua ký gửi các chứng khoán hoặc tiền mặt. Cụ thể, các ngân hàng có nghĩa vụ ký gửi vĩnh viễn 1 trong 2 loại tài sản là: (i) chứng khoán có thể chuyển sang tiền mặt trong thời gian ngắn với chất lượng cao hoặc (ii) tiền mặt bằng đồng franc Thụy Sĩ vào một bên giám sát thứ ba với giá trị bằng một nửa nghĩa vụ đóng phí BHTG để dự phòng cho các trường hợp xảy ra đổ vỡ sau này. Mức cam kết đóng góp tối thiểu là 6 tỷ franc Thụy Sĩ, hoặc ở mức 1,6% của tổng số tiền gửi được bảo hiểm.
Mặc dù cơ chế cấp vốn trước khá phổ biến trên thế giới, Thụy Sĩ đã chọn giải pháp ký gửi chứng khoán ít tốn kém và phức tạp hơn. Cấu trúc của khoản ký gửi chứng khoán này sẽ được quy định chi tiết hơn trong Pháp lệnh.
Chứng khoán trung gian
Các chứng khoán và kim loại quý gửi tại các tài khoản đảm bảo ở ngân hàng tại Thụy Sĩ là tài sản của khách hàng. Trong trường hợp ngân hàng phá sản, các tài sản này cần được chuyển đổi nhanh chóng, dễ dàng. Vì vậy, cần tách các tài sản này khỏi danh mục đầu tư của ngân hàng và tài sản của các khách hàng khác. Đây là một lỗ hổng pháp lý sẽ được sửa đổi trong Luật chứng khoáng trung gian Liên bang.
Ngoài ra, Luật sửa đổi cũng bổ sung việc cung cấp dữ liệu trực tiếp giữa các cơ quan giám sát tại Thụy Sĩ và giữa cơ quan giám sát Thụy Sĩ với các tổ chức nước ngoài.