Sau Bitcoin, Onecoin, thị trường tài chính mới đây xuất hiện thêm một đồng tiền điện tử mới có tên gọi IL Coin. Một số nhà đầu tư cho rằng đây sẽ là cơ hội kiếm tiền mới, nhưng cũng không ít ý kiến lo ngại về những rủi ro mà nó mang đến.
Đồng IL Coin được cho là được lập ra bởi ILgamos - nhóm công ty đến từ Dubai, Đức và Hong Kong (Trung Quốc). Đồng IL Coin được khai thác thương mại từ đầu tháng 9/2015 trên thế giới. Cũng giống như
Bitcoin và
Onecoin, đồng
tiền ảo này cũng được “đào” trên mạng bằng cách nộp tiền và mở tài khoản. Song, do ra đời sau nên IL Coin được quảng cáo là có độ bảo mật và đáng tin cậy hơn những đồng tiền ảo Onecoin và Bitcoin trên thị trường tài chính trước đây.
Theo giới thiệu từ một số website, blog và trang cá nhân trên mạng xã hội của cộng đồng IL Coin thì “đầu tư vào IL Coin là kênh đầu tư nhanh thu hồi vốn và có lợi nhuận cao nhất trên thế giới vào thời điểm hiện tại”. Cụ thể, để chơi IL Coin, người chơi phải đóng 60 euro (1,4 triệu đồng) để được mở tài khoản và được thưởng 10% giá trị khi nâng cấp gói chơi. Tiếp đó, có 4 gói tương đương 4 cấp độ được mở cho người chơi tương ứng với số tiền thực tham gia là 270 euro, 865 euro, 2.015 euro và 7.015 euro cho gói IL Coin cao cấp nhất.
Điểm hấp dẫn nhà đầu tư đó là con số lợi nhuận như mơ mà nó đưa ra. Ví dụ như, mua gói đầu tư 225 triệu có thể kiếm lời 5,5 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, nếu giới thiệu thêm được người chơi mới tham gia sẽ được tặng thêm “hoa hồng” - một hình thức giống như kinh doanh đa cấp. Song điều đáng nói đó là theo các chuyên gia nghiên cứu về tiền ảo, đồng tiền IL Coin hiện chưa được giao dịch tại bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Chỉ riêng tại Việt Nam, đồng tiền này mới được chào mời một cách sôi động. Nhà đầu tư tại Việt Nam cũng chưa thực sự hiểu được bản chất thật của tiền ảo là gì mà chỉ nghe theo lời mời gọi của người khác về mức sinh lời cao và bỏ tiền vào mà thôi.
Từ phía cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn khẳng định tiền điện tử IL Coin và những đồng tiền điện tử khác như Bitcoin, Onecoin không phải là một dạng tiền tệ và không phải là phương thức thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. NHNN đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác như một loại tiền tệ. NHNN cũng nhấn mạnh, việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ và khuyến cáo không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch.
Không phải chỉ ở Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng không chấp nhận các đồng tiền ảo. Theo đó, nhiều quốc gia đã có thông báo không chấp nhận Bitcoin là phương tiện thanh toán hợp pháp và đưa ra các cảnh báo rủi ro cho người sử dụng Bitcoin, như: Thái Lan, Nga, Pháp, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Na Uy... Và thực tế, những rủi ro khi dính vào tiền ảo đã xảy ra, điển hình như vụ sập sàn Bitcoin trên sàn Mt.Gox tại Nhật Bản vào năm 2014, với tổng giá trị tiền quy đổi lên tới gần 500 triệu USD khiến thị trường tiền tệ thế giới chao đảo.
Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh, Cục trưởng Cục An ninh Tài chính, Tiền tệ, Đầu tư - Bộ Công an cho biết: Các hoạt động giao dịch, thanh toán tiền ảo trên mạng Internet không thông qua hệ thống tổ chức tín dụng, không được kiểm soát sẽ làm mất dần vai trò quản lý nhà nước đối với thị trường tiền tệ và hoạt động thanh toán của NHNN, ảnh hưởng đến việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ và NHNN.
Bên cạnh đó, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với công tác đảm bảo an ninh tiền tệ như: Giao dịch bằng tiền điện tử có tính “ẩn danh” cao có thể trở thành công cụ để tội phạm lợi dụng che giấu hành vi phạm tội hoặc rửa tiền; đối tượng khủng bố và các loại tội phạm có thể lợi dụng để chuyển tiền tài trợ cho các hoạt động chống đối ở trong nước và nước ngoài; người tham gia hoạt động giao dịch, thanh toán tiền điện tử nếu gặp rủi ro hoặc xảy ra tranh chấp sẽ không những không được pháp luật bảo vệ, thậm chí còn liên đới chịu trách về pháp lý khi giao dịch với tội phạm mà chính họ không biết.