Lãi suất huy động rục rịch tăng thu hút nguồn tiền gửi
Kể từ đầu tháng 8 đến ngày 19/8, đã có 13 ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động, bao gồm: Agribank, Eximbank, HDBank, Sacombank, Saigonbank, TPBank, CB, VIB, Dong A Bank, VPBank, Techcombank, VietBank và SHB. Trong đó, Sacombank là ngân hàng đã hai lần tăng lãi suất.
Dẫn đầu bảng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng, PVcomBank niêm yết lãi suất lên tới 9,5%/năm. Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi suất cao này, khách hàng cần đáp ứng điều kiện gửi tối thiểu 2.000 tỉ đồng tại quầy và chỉ áp dụng cho sản phẩm lĩnh lãi cuối kỳ. Ở điều kiện thường, PVcomBank đang niêm yết lãi suất 12 tháng cao nhất ở mức 5,1%/năm khi khách hàng gửi tiết kiệm online, lĩnh lãi cuối kỳ. Nếu khách hàng gửi tiền tại quầy chỉ nhận lãi suất ở mức 4,8%/năm.
Kỳ hạn từ 18 tháng hoặc từ 36 tháng, mức 6,1%/năm cũng là lãi suất cao nhất thị trường hiện nay và được niêm yết tại 5 ngân hàng, gồm: NCB và OceanBank (kỳ hạn tiền gửi từ 18-36 tháng); HDBank (kỳ hạn 18 tháng); Saigonbank và SHB (kỳ hạn gửi tiền từ 36 tháng).
Với gửi tiết kiệm online, CBBank đang niêm yết lãi suất cao nhất kỳ hạn 6 tháng ở mức 5,55%/năm khi khách hàng gửi tiền online.
Lãi suất huy động tiền gửi tăng là xu hướng tất yếu của thị trường trong bối cảnh tín dụng tăng gấp 3 lần tốc độ tăng của huy động vốn.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 31/7, lãi suất đối với các khoản vay mới và cũ tiếp tục giảm. Đến cuối tháng 6/2024, lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3%/năm, giảm 0,96% so cuối năm 2023. Lãi suất tiền gửi bình quân ở mức 3,59%/năm, giảm 1,08%/năm so cuối năm 2023. Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống phục hồi từ cuối tháng 3 và tăng dần qua các tháng, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2023, đến hết quý II/2024 đạt 6% theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cuối tháng 7/2024, dư nợ tín dụng gần 14,33 triệu tỷ đồng, tăng 14,99% so với cùng kỳ 2023 và tăng 5,66% so cuối năm 2023.
Theo số liệu của NHNN, tháng 1/2024, tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng trưởng âm. Tuy nhiên, tình trạng này dần được cải thiện theo tốc độ tăng của lãi suất huy động. Trong tháng 2/2024, tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng trưởng 1,6% so với tháng trước đó. Tiền gửi của dân cư tăng hơn 39,7 nghìn tỷ đồng trong tháng 4 và đạt hơn 6,7 triệu tỷ đồng, tiếp tục lập kỷ lục mới. Trái ngược với tiền gửi của các tổ chức kinh tế, lượng tiền gửi của dân cư lũy kế 4 tháng đầu năm tăng hơn 183 nghìn tỷ đồng (2,8%).
Cập nhật đến 29/7, huy động vốn của toàn hệ thống ngân hàng đạt trên 14,1 triệu tỷ đồng (gồm cả huy động vốn bằng VNĐ và ngoại tệ), trong đó huy động vốn bằng VND đạt gần 13,2 triệu tỷ đồng (trong số này, tiền gửi của tổ chức kinh tế đạt gần 6 triệu tỷ đồng, tiền gửi của dân cư đạt gần 7,2 triệu tỷ đồng, tăng 4,82% so với cuối năm 2023, tăng 0,26% so với cuối tháng trước).
Có thể thấy, lãi suất tiền gửi ngân hàng liên tục tăng trong mấy tháng qua đã kích thích dòng tiền chảy trở lại vào hệ thống ngân hàng.
Hơn nữa, quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền luôn được pháp luật bảo vệ. Tại Việt Nam, có duy nhất một tổ chức bảo hiểm tiển gửi (BHTG) với tên gọi Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) - tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện chính sách công về BHTG, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Hiện nay, BHTGVN đang bảo vệ cho hơn 100triệu lượt người gửi tiền tại gần 1.300 tổ chức tham gia BHTG. Tổ chức BHTG thực hiện sứ mệnh đảm bảo cho khoản tiền gửi của khách hàng cá nhân khi mà tổ chức nhận tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả hoặc bị phá sản.
Từ đầu năm đến nay, các kênh đầu tư khác chưa thực sự khởi sắc. Thị trường chứng khoán có nhiều phiên giảm sốc, trong khi kênh đầu tư tài sản rủi ro khác là tiền ảo cũng lao dốc. Thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp còn chờ đợi các chính sách mới đi vào đời sống (ví dụ Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực từ 1/8) nên giao dịch chưa thực sự sôi động. Hơn nữa, những vụ việc liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua cũng khiến nhà đầu tư e ngại. Trên thị trường vàng, từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới tăng khoảng 17%, trong khi giá vàng miếng SJC chỉ tăng 7%. Bất chấp triển vọng lạc quan của giá vàng thế giới, kênh đầu tư vàng tại Việt Nam ngày càng giảm sức nóng, chủ yếu do các chính sách quản lý thị trường vàng gần đây của NHNN. Dù chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới đã kéo giảm đáng kể, song kênh đầu tư vàng ngày càng bị loại khỏi danh mục của nhiều nhà đầu tư cá nhân và các quỹ đầu tư.
Kỹ năng gửi tiết kiệm an toàn, hiệu quả
Để đảm bảo quyền lợi, người gửi tiền cần nắm những nguyên tắc khi gửi tiết kiệm tại các TCTD.
Khách hành nên đến các TCTD được phép nhận tiền gửi và nên gửi tiền trực tiếp tại quầy:
Tại Điều 2, Thông tư 48/2018/TT-NHNN ngày 31/1/2018 quy định về tiền gửi tiết kiệm: TCTD nhận tiền gửi tiết kiệm quy định tại Thông tư này là TCTD được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Các TCD, bao gồm: Ngân hàng thương mại; Ngân hàng hợp tác xã; Tổ chức tài chính vi mô; Quỹ tín dụng nhân dân; Chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Ngoài ra, người dân có thể gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). NHCSXH thực hiện huy động tiền gửi với lãi suất ngang bằng với lãi suất của ngân hàng thương mại nhà nước. Khác với ngân hàng thương mại, NHCSXH hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, được Chính phủ Việt Nam bảo đảm khả năng thanh toán nên khách hàng hoàn toàn yên tâm khi gửi tiền. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, hàng tháng vào ngày cố định, NHCSXH tổ chức giao dịch tại trụ sở UBND phường. Người dân có nhu cầu gửi tiết kiệm có thể đến trụ sở UBND các phường nơi mình cư trú hoặc đến phòng giao dịch của NHCSXH để được phục vụ.
Thực tế, để cạnh tranh và thu hút khách đến gửi số tiền lớn, một số ngân hàng cho phép khách hàng VIP không đến quầy, chi nhánh để giao dịch mà được phép ủy quyền cho người khác hoặc ủy quyền cho cán bộ ngân hàng là lãnh đạo cấp chi nhánh, trưởng phòng giao dịch của ngân hàng thay thế họ thực hiện các giao dịch gửi, rút tiền...
Việc này vô cùng nguy hiểm, bởi trong trường hợp nhân viên ngân hàng không trung thực, giao sổ tiết kiệm giả mạo hoặc sau đó không đưa tiền về kho quỹ, không nhập lên hệ thống hay không đưa đầy đủ các giấy tờ cần thiết cho khách hàng ký hoặc sau ký xong giấy tờ giao dịch nhân viên ngân hàng tráo hồ sơ dẫn đến khách hàng bị mất tiền oan.
Vì vậy, đến trực tiếp ngân hàng để mở sổ tiết kiệm là cách đảm bảo nhất. Thêm nữa, khi giao dịch tại quầy, khách hàng sẽ được camera ghi hình và đây là bằng chứng quan trọng khi có sự cố xảy ra.
Không ký sẵn chứng từ: Khi làm thủ tục gửi tiền hoặc rút, chuyển tiền, khách hàng cũng không được ký vào các tờ giấy trắng. Với các mẫu giấy trắng đã có chữ ký của khách hàng, nhân viên ngân hàng có thể điền thông tin vào đó nhằm rút tiền của khách hàng theo nhiều cách khác nhau.
Không gửi tiền trước, nhận sổ sau: Nhiều khách hàng quen làm việc với một nhân viên ngân hàng nào đó. Họ dễ tính đến mức cho ”nợ sổ” hoặc ”nợ chứng từ”. Chẳng may, nhân viên đó nghỉ việc hoặc bỏ trốn và mang theo luôn số tiền của khách hàng, khi ấy không có gì chứng minh đó là tiền của mình, người gửi sẽ rất thiệt thòi.
Kiểm tra kỹ sổ tiết kiệm: Sau khi nhận sổ tiết kiệm hay hợp đồng tiền gửi, khách hàng cần lưu ý kiểm tra kỹ các thông tin: tên ngân hàng, loại tiền, số tiền; kỳ hạn gửi tiền; ngày gửi tiền; ngày đến hạn; lãi suất; phương thức trả lãi; họ tên và địa chỉ của chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm, của đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm; số căn cước công dân hoặc hộ chiếu; số thẻ, con dấu, chữ ký của trưởng đơn vị (hoặc người được ủy quyền)…Bởi khách hàng có thể gặp rủi ro khi nhân viên ngân hàng vô tình nhập nhầm số tiền bạn gửi hoặc cố ý chiếm đoạt tiền nếu khách hàng không phát hiện ra do không kiểm tra sổ tiết kiệm hoặc là sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi đó không có đầy đủ thông tin.
Không thay đổi chữ ký: Không nên ký mỗi giấy tờ một kiểu dẫn đến khó khăn về sau trong việc rút, nhận tiền; đôi khi sẽ phải mất rất nhiều thời gian để chứng minh sổ tiết kiệm đó là của mình. Vì vậy, việc duy trì một chữ ký trong suốt quá trình giao dịch với ngân hàng là điều cần thiết nhằm giúp khách hàng thuận tiện và nhanh chóng khi gửi hay rút, chuyển tiền từ tài khoản của mình.
Bảo quản sổ tiết kiệm cẩn thận: Khi mất sổ tiết kiệm, phải thông báo ngay cho ngân hàng. Trong vòng 24 giờ sau khi thông báo bằng điện thoại, khách hàng phải trực tiếp đến ngân hàng để làm giấy báo mất sổ tiết kiệm. Nếu không, kẻ gian có thể giả mạo chữ ký và các giấy tờ tuỳ thân, khi đó khách hàng sẽ chịu thiệt về số tiền gửi của mình. Không cho bất kỳ ai mượn sổ tiết kiệm vì họ có thể giả chữ ký, căn cước công dân và cấu kết với nhân viên ngân hàng để rút tiền từ tài khoản của khách hàng.
Gửi tiết kiệm online cần tuân thủ nguyên tắc bảo mật Hiện nay, ngoài mở sổ tiết kiệm trực tiếp tại ngân hàng, người dân có thể gửi tiết kiệm online. Hình thức này được nhiều người lựa chọn vì thủ tục nhanh chóng, lãi suất hấp dẫn. Người dân có thể thực hiện giao dịch gửi tiền, tất toán, tái tục, kiểm tra thông tin tiền gửi, lãi suất tiền gửi nhanh chóng tại app ngân hàng trên điện thoại.
Tuy nhiên, khi giao dịch trực tuyến, khách hàng cũng cần hết sức cẩn trọng. Không bấm vào đường link lạ, không tải các app không rõ nguồn gốc, không làm theo hướng dẫn của các đối tượng tự xưng là nhân viên ngân hàng, nhà mạng, thuế, công an… gọi điện hướng dẫn cài đặt các app, nâng cấp sim hoặc hỗ trợ cài đặt sinh trắc học. Bởi việc làm này có thể dẫn đến bạn bị chiếm quyền điều khiển trên điện thoại, mất thông tin cá nhân và mật khẩu truy cập vào tài khoản ngân hàng và bị rút hết số tiền hiện có.
Tuyệt đối không để lộ thông tin, tài khoản, mật khẩu đăng nhập vào sổ tiết kiệm online, tránh kẻ gian lợi dụng. Không nhờ người khác giao dịch hộ trên tài khoản tiết kiệm online; luôn thoát tài khoản sau mỗi lần sử dụng. Nên đổi mật khẩu thường xuyên, cài đặt bảo mật nhiều lớp. Chú ý kiểm tra số dư tài khoản tiền gửi thường xuyên nhằm phòng trường hợp nếu bị mất tiền thì khách hàng có thể nhanh chóng báo ngay với ngân hàng hay cơ quan chức năng để có biện pháp khẩn cấp phối hợp giải quyết.
Cũng giống như một kênh đầu tư, để tối ưu lợi nhuận, khách hàng cần biết:
Linh hoạt khi chọn kỳ hạn gửi tiền tiết kiệm: Tùy theo số tiền, nhu cầu mà khách hàng có thể chọn kỳ hạn ngắn hay dài. Thay vì gửi tiền tiết kiệm với kỳ hạn ngắn 3-4 tháng hay quá dài từ 12 - 15 - 18 - 24 - 36 tháng thì có thể chọn cách gửi tiền tiết kiệm có kỳ hạn trung bình từ 6 - 9 tháng. Lý do bởi theo khảo sát tại các ngân hàng, lãi suất khách hàng nhận được khi gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 - 9 tháng cao hơn so với kỳ hạn 3 - 4 tháng và cũng không thấp hơn nhiều so với các kỳ hạn dài hơn mà vẫn có thể chủ động rút tiền không bị ràng buộc.
Chia nhỏ số tiền cần gửi tiết kiệm an toàn: Điều này giúp khách hàng không bị mất nhiều tiền lãi khi có việc gấp cần rút tiền. Thay vì phải rút cả sổ tiết kiệm với số tiền lớn, chỉ cần rút từng sổ tiết kiệm nhỏ. Tránh tình trạng dồn hết vào một sổ với kỳ hạn dài, khi có việc gấp cần dùng đến phải rút tiền tiết kiệm trước kỳ hạn và không được hưởng nhiều ưu đãi.
Rút một phần tiết kiệm trước hạn vẫn được hưởng lãi cao:Theo quy định tại Thông tư số 04/2022 của NHNN, khi người gửi tiền rút trước hạn một phần sổ tiết kiệm thì phần rút trước hạn sẽ chịu lãi suất không kỳ hạn từ 0,1 - 0,2%/năm, phần tiền gửi còn lại sẽ được ngân hàng giữ nguyên mức lãi suất ban đầu.
Trường hợp khách hàng rút trước hạn toàn bộ tiền gửi, TCTD áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của TCTD đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm khách hàng rút trươớc hạn tiền gửi.
Cân nhắc giữa lãi suất và thương hiệu giữa các ngân hàng: Theo các thống kê và khảo sát gần đây, các ngân hàng nhỏ thường trả mức lãi suất gửi tiết kiệm cao hơn cho khách hàng so với các ngân hàng lớn, cụ thể là từ 0,5 - 1.5%. Tuy nhiên, điều khách hàng cần chú trọng nhất chính là thương hiệu, uy tín ngân hàng dự định sẽ gửi tiền.
Thanh Thủy