CBDC có thể được chia thành hai loại chính: CBDC bán lẻ và bán buôn. CBDC bán buôn được thiết kế để sử dụng bởi các trung gian tài chính (cho các giao dịch bán buôn) và đã tồn tại trong nhiều thập kỷ dưới hình thức các ngân hàng thương mại (NHTM) có khả năng xử lý các giao dịch bán buôn một cách kỹ thuật số bằng tiền của ngân hàng trung ương (NHTW). CBDC bán lẻ được cung cấp cho tất cả thành phần của nền kinh tế, từ người tiêu dùng cá nhân đến doanh nghiệp mà không gây ra bất kỳ rủi ro tín dụng nào đối với những người tham gia vào hệ thống. Hiện nay, nhiều NHTW ở các nền kinh tế mới nổi đang nghiêng về CBDC bán lẻ như một phương tiện để hỗ trợ các mục tiêu chiến lược liên quan đến tài chính toàn diện thông qua việc tăng cường số hóa toàn bộ khu vực dịch vụ tài chính. Với tính chất tương tự tiền mặt, tương lai của CBDC bán lẻ cũng rất quan trọng đối với hoạt động BHTG. Vì vậy, tài liệu tập trung nghiên cứu về mô hình hoạt động và thiết kế của CBDC bán lẻ.
Cụ thể, CBDC bán lẻ có 4 mô hình hoạt động điển hình bao gồm CBDC trực tiếp, CBDC kết hợp, CBDC trung gian và CBDC gián tiếp. Các đặc điểm của mô hình hoạt động của CBDC bán lẻ được tóm tắt trong bảng dưới đây.
Mô hình hoạt động |
Hình thức thiết kế |
Nghĩa vụ đối với NHTW |
Onboarding/ |
Thanh toán bán lẻ |
CBDC trực tiếp |
CBDC bán lẻ một cấp |
Trực tiếp |
NHTW hoặc trung gian |
NHTW xử lý tất cả thanh toán |
CBDC |
CBDC bán lẻ hai cấp |
Trực tiếp |
Trung gian |
Trung gian xử lý thanh toán, NHTW giữ hồ sơ bán lẻ |
CBDC trung gian |
CBDC bán lẻ hai cấp |
Trực tiếp |
Trung gian |
Trung gian xử lý thanh toán, NHTW chỉ giữ hồ sơ bán buôn |
Gián tiếp |
Thiết kế khác (không phải CBDC bán lẻ) |
Gián tiếp, thông qua nghĩa vụ đối với trung gian |
Trung gian |
Trung gian xử lý |
*Onboarding/ KYC: Quy trình tiếp cận/ xác minh danh tính khách hàng
CBDC trực tiếp: trong mô hình này, các NHTW là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của một CBDC, bao gồm phát hành, quản lý tất cả giao dịch và sổ cái, đồng thời trực tiếp tương tác với người sử dụng trong tất cả vấn đề liên quan.
CBDC kết hợp: trong mô hình hai cấp này, NHTW phát hành CBDC nhưng cho phép các công ty tư nhân đóng vai trò trung gian. Điều này đòi hỏi sự tham gia của người sử dụng cuối cùng, do vậy các tổ chức tư nhân như tổ chức nhận tiền gửi hoặc nhà cung cấp dịch vụ thanh toán sẽ có lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực này.
CBDC trung gian: mô hình này cho phép sự tham gia sâu hơn của các trung gian trong quá trình thanh toán. Các NHTW sẽ không giữ hồ sơ bán lẻ mà chỉ giữ hồ sơ bán buôn của các khoản thanh toán. Để bảo vệ người dùng cá nhân và đảm bảo khả năng bồi thường khi tổ chức thanh toán tư nhân bị đổ vỡ, các tổ chức trung gian này sẽ phải tuân theo các quy định và giám sát nghiêm ngặt.
CBDC gián tiếp: NHTW không phát hành cũng không đóng vai trò trung gian trong mô hình này. Tuy nhiên, các công ty tư nhân có thể phát hành một “CBDC tổng hợp” được đảm bảo toàn bộ bởi nghĩa vụ của NHTW, nhằm tạo ra một đồng tiền ổn định (stablecoin) hơn là một CBDC. Mặc dù được đảm bảo bởi NHTW, rủi ro vỡ nợ vẫn tồn tại trong trường hợp này do tính chất tư nhân của tổ chức phát hành.
Ngoài ra, tài liệu còn đề cập đến 6 thiết kế chính cần lưu ý đối với CBDC bán lẻ cho các nhà hoạch định chính sách, trên cả phương diện kỹ thuật và phi kỹ thuật, đó là:
Hạn chế việc sử dụng CBDC thông qua chính sách giới hạn và lãi suất: Cụ thể, các NHTW có thể áp dụng chính sách giới hạn lượng CBDC được nắm giữ hoặc giao dịch đối với mỗi cá nhân, doanh nghiệp; hoặc áp dụng chính sách lãi suất thấp đối với CBDC (đặc biệt thấp hơn tiền gửi ngân hàng) nhằm đảm bảo mục đích cơ bản của CBDC là để giao dịch hơn là để lưu trữ giá trị.
Các chi phí giao dịch: Việc xây dựng và vận hành CBDC sẽ phát sinh nhiều chi phí, trong đó chi phí cố định cao, chi phí cận biên thấp và Ngân hàng Trung ương thường là bên đứng ra chi trả. Tuy nhiên, do thực tế CBDC sẽ có thể cạnh tranh với sản phẩm thanh toán tư nhân khác, vì vậy tùy thuộc vào khung pháp lý của mỗi quốc gia về các vấn đề như luật cạnh tranh, viện trợ nhà nước và mục tiêu chính sách công của CBDC, có thể cần hạn chế mức đóng góp của NHTW, chuyển một phần chi phí sang khu vực tư nhân và người sử dụng CBDC.
Quyền riêng tư: để đảm bảo quyền riêng tư và bảo mật của người dùng, các NHTW dự kiến sẽ áp dụng một thiết kế CBDC yêu cầu mức độ nhận dạng người dùng tối thiểu. Điều này sẽ giúp giải quyết vấn đề an toàn và giảm thiểu các hành vi gian lận. Các phương pháp thiết kế CBDC khác nhau sẽ dẫn đến mức độ truy cập dữ liệu khác nhau của các bên trung gian, việc xác định các mức độ truy cập này tùy thuộc vào quy định về quyền riêng tư của quốc gia và chính sách của NHTW.
Sổ cái tập trung và sổ cái phân tán: một thiết kế quan trọng khác của CBDC là thiết kế sổ cái để lưu trữ hồ sơ của tất cả các giao dịch CBDC và ngăn chặn việc sử dụng bất hợp pháp. Sổ cái của CBDC có thể được thiết kế bằng cả hai loại: sổ cái tập trung và sổ cái phân tán. Cả hai loại hình này đều có những ưu điểm và nhược điểm tương ứng. Vì vậy, NHTW cần phải cân nhắc các yếu tố như hiệu suất xử lý, quyền riêng tư, tính bảo mật và khả năng lập trình để quyết định cách quản lý tốt nhất.
Các vấn đề xuyên biên giới: Việc sử dụng đồng CBDC xuyên biên giới có thể giúp giảm nhu cầu về tiền điện tử tư nhân sử dụng xuyên biên giới. Vì vậy, các NHTW đưa ra ba thiết kế cho mCBDC (multiple CBDC): (i) Thiết kế dựa trên các hệ thống CBDC tương thích (thanh toán bù trừ các giao dịch CBDC xuyên biên giới); (ii) Liên kết nhiều hệ thống CBDC (thiết lập một hệ thống thanh toán CBDC xuyên biên giới tập trung hoặc phi tập trung để liên kết các hệ thống CBDC với nhau) và (iii) Tích hợp vào một hệ thống đa tiền tệ duy nhất (mCBDC).
Đảm bảo an ninh mạng: Việc các NHTW áp dụng các sáng kiến fintech (trong đó có CBDC) ngày càng nhiều đã làm tăng các rủi ro phi tài chính. Vì vậy, cần có nhiều phương pháp và kỹ thuật an ninh mạng để giảm thiểu rủi ro của các cuộc tấn công mạng đối với sự an toàn của các sổ cái phân tán và cần tăng cường đào tạo nhân sự về an ninh mạng để quản lý hiệu quả các hệ thống thanh toán hiện đại.
Các lựa chọn thiết kế và mô hình hoạt động của CBDC có thể đóng vai trò quyết định trong việc định hình tương lai của các hệ thống thanh toán trên toàn thế giới. Để đánh giá tác động tiềm ẩn của CBDC, các tổ chức BHTG cần có sự hiểu biết đúng đắn về các mô hình hoạt động và đặc điểm thiết kế của CBDC. Những điều này sẽ ảnh hưởng tới các yếu tố mà các tổ chức BHTG quan tâm, chẳng hạn như mức độ thay thế tiền gửi ngân hàng bằng CBDC, các chính sách khác nhau của NHTW có thể ảnh hưởng khác nhau đến việc cung cấp BHTG.