Ở Việt Nam, theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG), BHTG là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được BHTG trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản. Người được BHTG là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG. Để có thể bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho khách hàng, tổ chức BHTG cần được tiếp cận thông tin về tiền gửi. Theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Nghị định 117/2018/NĐ-CP về giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, thông tin về tiền gửi của khách hàng là thông tin định danh khách hàng và thông tin liên quan đến giao dịch gửi tiền của khách hàng, số dư các loại tiền gửi theo quy định của pháp luật của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các thông tin có liên quan khác.
Tiếp cận thông tin về tiền gửi trong chi trả BHTG
Theo Nguyên tắc 15, Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả, để chi trả cho người gửi tiền kịp thời, tổ chức BHTG cần: (a) Có thể tiếp cận hồ sơ người gửi tiền bất cứ lúc nào, bao gồm quyền yêu cầu ngân hàng lưu giữ thông tin về người gửi tiền theo định dạng mà tổ chức BHTG yêu cầu để thực hiện việc chi trả người gửi tiền được bảo hiểm; (b) Có quyền áp dụng các biện pháp kiểm tra trước hoặc để chuẩn bị (ví dụ: kiểm tra tại chỗ độc lập hoặc cùng với cơ quan giám sát) về độ tin cậy của hồ sơ người gửi tiền, kiểm tra hệ thống công nghệ thông tin và số liệu của tổ chức thành viên để đảm bảo độ tin cậy của những hồ sơ đó.
Theo kết quả khảo sát thường niên IADI 2023, phần lớn tổ chức BHTG có khả năng truy cập hồ sơ của người gửi tiền trước khi xảy ra chi trả. Bên cạnh đó, phần lớn tổ chức BHTG có quyền quy định định dạng của thông tin và yêu cầu thay đổi thông tin để phục vụ cho quá trình chi trả BHTG.
Hình: Quyền truy cập hồ sơ người gửi tiền của tổ chức BHTG
Nguồn: Kết quả khảo sát thường niên IADI 2023
Tuy nhiên, theo khảo sát tại tài liệu nghiên cứu về chi trả BHTG của IADI năm 2023[1], việc không có đủ thông tin về người gửi tiền do chất lượng kém của các tệp chứa thông tin về tiền gửi và người gửi tiền vẫn là thách thức lớn nhất trong quá trình chi trả BHTG của tổ chức BHTG. Các câu trả lời trong khảo sát cũng cho thấy khả năng tiếp cận, kiểm tra hồ sơ người gửi tiền, quyền quy định định dạng của thông tin và yêu cầu thay đổi hồ sơ người gửi tiền của tổ chức BHTG là yếu tố quan trọng nhất để chi trả nhanh chóng và hiệu quả, tiếp theo mới tới hệ thống công nghệ thông tin và năng lực tài chính của tổ chức BHTG.
Kinh nghiệm tại một số nước
Tại Hàn Quốc, Điều 21 Luật Bảo vệ người gửi tiền quy định Tổng công ty BHTG Hàn Quốc (KDIC) có thể yêu cầu các tổ chức tham gia BHTG gửi dữ liệu liên quan đến các hoạt động và tình hình tài chính của tổ chức đó trong phạm vi cần thiết để tiến hành các công việc liên quan đến việc xác định xem tổ chức tài chính đó có mất khả năng thanh toán hoặc có nguy cơ mất khả năng thanh toán hay không, việc tính toán và thu phí bảo hiểm và các khoản đóng góp đặc biệt, việc chi trả và tính toán tiền bảo hiểm, và việc thanh lý các tổ chức tài chính mất khả năng thanh toán. Bên cạnh đó, trong trường hợp KDIC xét thấy cần thiết phải bảo vệ người gửi tiền, KDIC có thể yêu cầu Chủ tịch Cơ quan Giám sát Tài chính cung cấp dữ liệu liên quan đến tổ chức tham gia BHTG.
Luật Bảo vệ người gửi tiền không quy định cụ thể nghĩa vụ đối với các tổ chức tham gia BHTG trong duy trì và quản lý thông tin người gửi tiền cần thiết cho việc tính toán các yêu cầu chi trả BHTG, dẫn đến KDIC khó xử lý nhanh chóng khi cần phải chi trả BHTG tại các tổ chức tham gia BHTG có số lượng lớn người gửi tiền và số lượng tài khoản lớn (như các ngân hàng). Để khắc phục điều này, KDIC đã làm việc với các ngân hàng từ năm 2017 để thiết lập hệ thống công nghệ thông tin cần thiết thực hiện việc duy trì thống nhất về thông tin, dữ liệu người gửi tiền. KDIC giám sát thường xuyên các ngân hàng để đảm bảo họ duy trì hồ sơ người gửi tiền theo định dạng do KDIC quy định và có sự nhất quán về tính sẵn có của dữ liệu giữa các ngân hàng. KDIC cũng đã mở rộng chương trình từ ngân hàng tới các công ty đầu tư nhằm chuẩn hóa thông tin người gửi tiền và chi trả BHTG nhanh chóng[2].
Tại Nhật Bản, Điều 37 Luật BHTG quy định Tổng công ty BHTG Nhật Bản (DICJ) có thể yêu cầu các tổ chức tham gia BHTG gửi báo cáo về tài liệu liên quan đến tình trạng hoạt động kinh doanh và tài sản của mình. Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều 58-3 quy định tổ chức tài chính xây dựng hệ thống xử lý dữ liệu điện tử, và thực hiện các biện pháp khác theo Sắc lệnh của Văn phòng Nội các, nhằm mục đích bảo đảm thực hiện thuận lợi các việc chi trả bảo hiểm liên quan đến tiền gửi được bảo hiểm, hoặc hoàn trả và bất kỳ biện pháp cần thiết khác để xử lý sự kiện bảo hiểm phát sinh. Để có thể thực hiện chi trả BHTG nhanh chóng, hiệu quả, DICJ tiến hành xác minh cơ sở dữ liệu của các ngân hàng thành viên để kiểm tra xem cơ sở dữ liệu gửi có phù hợp với định dạng do DICJ quy định hay không. Bên cạnh đó, DICJ thường xuyên kiểm tra tình trạng sẵn sàng của cơ sở dữ liệu tổng hợp dựa trên tên của người gửi tiền, tình trạng quản lý riêng biệt tiền gửi được bảo hiểm và tiền gửi không được bảo hiểm, phát triển hệ thống chuẩn bị dữ liệu về những thay đổi trong tiền gửi… của các tổ chức tài chính.
Tiếp cận thông tin trong hoạt động giám sát của tổ chức BHTG
Bên cạnh nghiệp vụ chi trả BHTG, việc tiếp cận thông tin tiền gửi có vai trò quan trọng đối với hoạt động giám sát của tổ chức BHTG. Theo tài liệu Hướng dẫn chung về phát hiện sớm và can thiệp kịp thời cho các hệ thống BHTG (IADI, 2013), tổ chức BHTG cần những thông tin kịp thời, chính xác và phù hợp để liên tục đánh giá những ngân hàng riêng lẻ và toàn hệ thống ngân hàng.
Theo kết quả khảo sát thường niên IADI 2023, hầu hết các tổ chức BHTG có quyền tiếp cận dữ liệu về tỷ lệ tiền gửi được bảo hiểm (trong hạn mức BHTG) tại từng ngân hàng riêng lẻ. Trong đó nhiều nhất là tiếp cận hàng quý.
Hình: Quyền tiếp cận dữ liệu về tỷ lệ tiền gửi được bảo hiểm (trong hạn mức BHTG) tại từng ngân hàng riêng lẻ của tổ chức BHTG
Nguồn: Kết quả khảo sát thường niên IADI 2023
Các phương thức và mức độ tiếp cận của tổ chức BHTG đối với dữ liệu do ngân hàng nắm giữ khác nhau tùy thuộc vào nhiệm vụ của tổ chức BHTG. Đối với các tổ chức BHTG có chức năng giám sát, việc cải thiện khả năng tiếp cận dữ liệu về tiền gửi, bao gồm cả tiền gửi không được bảo hiểm, cũng như các biến động thanh khoản liên quan là rất quan trọng, giúp tổ chức BHTG có đầy đủ thông tin để đánh giá rủi ro của các tổ chức tham gia BHTG và chuẩn bị sẵn nguồn lực cũng như các phương án đối phó với rủi ro.
Theo tài liệu Sự hỗn loạn ngân hàng và hệ thống BHTG năm 2023[3] (IADI, 2023), một số tổ chức BHTG đã phát triển phương thức và mức độ tiếp cận đối với dữ liệu ngân hàng. Cụ thể, Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi trung ương (CDIC) đã thiết lập Hệ thống giám sát đường truyền Internet cho phép giám sát số dư tiền gửi hàng ngày của ngân hàng. CDIC cũng tăng cường cơ chế cảnh báo thanh khoản cho các ngân hàng nhằm đưa ra cảnh báo cho cơ quan giám sát nếu số dư tài khoản thanh toán liên ngân hàng giảm xuống dưới mức nhất định. Ngoài ra, các cơ quan giám sát cũng kêu gọi các ngân hàng tăng cường cơ chế giám sát đối với các khoản rút tiền gửi lớn bất thường và sàng lọc thông tin bất thường trên mạng xã hội. Điều này có thể góp phần giảm nguy cơ mất thanh khoản do sự thay đổi trong hành vi của người gửi tiền gây ra. Bên cạnh đó, KDIC đang chuẩn bị một hệ thống giám sát tiền gửi theo thời gian thực cho các ngân hàng tiết kiệm sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2024. Hệ thống giám sát tiền gửi này sẽ cung cấp dữ liệu số dư tiền gửi hai mươi phút một lần và cập nhật dữ liệu tài khoản tiền gửi hai đến ba lần một ngày. Khi đạt đến ngưỡng được xác định trước cho tổng số dư tiền gửi và tài khoản tiền gửi có kỳ hạn, KDIC và những người tham gia khác trong mạng an toàn tài chính sẽ được thông báo ngay lập tức qua SMS, email và các phương tiện khác.
Liên hệ với Việt Nam
Theo quy định tại khoản 6 Điều 12 và khoản 5 Điều 13 Luật BHTG, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) được yêu cầu các tổ chức tham gia BHTG cung cấp thông tin về tiền gửi được bảo hiểm và các tổ chức tham gia BHTG có trách nhiệm cung cấp các thông tin này cho BHTGVN. Đối với các thông tin báo cáo khác của tổ chức tham gia BHTG phục vụ cho việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của BHTGVN, BHTGVN được tiếp cận, khai thác từ kho dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định tại Điều 34 Luật BHTG, Điều 10 Nghị định 68/2013/NĐ-CP và Thông tư 34/2016/TT-NHNN. Theo quy định tại Luật BHTG, BHTGVN thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về BHTG, trong đó có việc cung cấp thông tin về tiền gửi được bảo hiểm, các thông tin và báo cáo khác theo yêu cầu của BHTGVN.
Từ kinh nghiệm quốc tế có thể thấy để thực hiện chi trả BHTG nhanh chóng và hiệu quả, tổ chức BHTG cần có quyền tiếp cận, kiểm tra hồ sơ người gửi tiền, quyền quy định định dạng của thông tin và yêu cầu thay đổi thông tin để phục vụ cho quá trình chi trả BHTG. Bên cạnh đó, tổ chức BHTG có chức năng giám sát nên có quyền tiếp cận dữ liệu tại các ngân hàng riêng lẻ và nên nghiên cứu để cải thiện khả năng tiếp cận dữ liệu về tiền gửi, bao gồm cả tiền gửi không được bảo hiểm, cũng như các biến động thanh khoản liên quan nhằm giúp tổ chức BHTG có đầy đủ thông tin để đánh giá rủi ro của các tổ chức tham gia BHTG và chuẩn bị sẵn nguồn lực cũng như các phương án đối phó với rủi ro.
Vì vậy, thời gian tới, BHTGVN có thể nghiên cứu đề xuất bổ sung quy định cho phép BHTGVN được quyền tiếp cận các thông tin cần thiết từ tổ chức tham gia BHTG, NHNN và các cơ quan liên quan. Đồng thời, BHTGVN có thể nghiên cứu để phát triển phương thức và mức độ tiếp cận đối với dữ liệu ngân hàng như Hệ thống giám sát đường truyền Internet của CDIC hoặc Hệ thống giám sát tiền gửi theo thời gian thực của KDIC.