Góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Chương trình phối hợp giữa NHNN, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhằm mục tiêu tạo điều kiện cho hội viên của các Hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận lợi phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và xây dựng nông thôn mới thông qua sự phối hợp giữa các tổ chức đại diện với ngân hàng. Chương trình còn nhằm mục đích phối hợp trong kiểm tra, giám sát để đảm bảo khoản vay được thực hiện đúng mục đích, hiệu quả, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Chương trình phối hợp này tập trung vào các nội dung: Phối hợp chỉ đạo các tổ chức tín dụng (nhất là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) và các cấp Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện thỏa thuận ủy thác trong việc cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ và tích cực tham gia triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên phạm vi cả nước; Phối hợp phổ biến, tuyên truyền về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các quy định của ngành ngân hàng trong việc thực hiện cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện thỏa thuận ủy thác tín dụng giữa tổ chức tín dụng với Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các cấp và việc sử dụng vốn vay của hội viên.
Ngành Ngân hàng triển khai tích cực Nghị định 55
Để đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị định 55 của Chính phủ, ngoài việc ban hành Thông tư 10/2015/TT-NHNN ngày 22/7/2015 hướng dẫn triển khai thực hiện, NHNN đã có văn bản số 7892, 7893/NHNN-TD ngày 16/10/2015 chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các sở, ban, ngành triển khai Nghị định 55, đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM), ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam xây dựng Kế hoạch cụ thể để triển khai Nghị định 55/2015/NĐ-CP trong giai đoạn 2016-2020.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, kết quả cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn của các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 5/2016 đạt dư nợ khoảng 874.000 tỷ đồng, tăng 3,56% so với cuối năm 2015.
Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách nhằm xử lý khó khăn của người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai kể từ khi Nghị định 55/2015/NĐ-CP có hiệu lực. Gần đây, ngành Ngân hàng đã tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng do hạn hán gay gắt kéo dài tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, tình trạng lũ lụt nghiêm trọng tại Quảng Ninh và một số tỉnh phía Bắc và tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. NHNN đã kịp thời chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, các TCTD căn cứ công bố thiệt hại do thiên tai trên diện rộng của UBND các tỉnh, thành phố để thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tiếp tục cho vay mới để người dân khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất; chủ động rà soát các khoản nợ vay nông nghiệp, nông thôn bị thiệt hại để tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc hỗ trợ xử lý khoanh nợ, xóa nợ cho khách hàng vay theo quy định tại Nghị định số 55 của Chính phủ.
Các TCTD đã tiến hành rà soát các khoản nợ vay bị thiệt hại của khách hàng để thực hiện các biện pháp hỗ trợ. Cụ thể: Tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (Cà Mau, Bến Tre, Bạc Liêu, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng): 665 khách hàng đã được TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ được cơ cấu là 42.730 triệu đồng; 599 khách hàng được TCTD cho vay mới với số tiền là 30.292 triệu đồng. Còn tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên: theo báo cáo của NHNN chi nhánh các tỉnh thì hiện nay qua rà soát mới có các khoản vay của khách hàng tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận phát sinh thiệt hại do hạn hán kéo dài, cụ thể: Ninh Thuận: Agribank đã thực hiện cho vay mới đối với 131 khách hàng, số tiền 8.894 triệu đồng; 144 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, dư nợ được cơ cấu là 7.334 triệu đồng; Bình Thuận: Agribank đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với 10 khách hàng, dư nợ được cơ cấu là 14,82 tỷ đồng. Còn tại Ngân hàng Chính sách xã hội đã bước đầu rà soát được 21.787 món vay với dư nợ 248,6 tỷ bị thiệt hại để có biện pháp xử lý theo quy định, trong đó khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là 136,4 tỷ đồng; khu vực Tây Nguyên 112,2 tỷ đồng.
Không những thế, thời gian qua, ngành Ngân hàng cũng tích cực xử lý khó khăn cho khách hàng trước tình trạng cá chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung. Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị thiệt hại do hiện tượng cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung, NHNN đã ban hành 2 Công văn số 3177/NHNN-TD ngày 29/04/2016 và Công văn số 3178/NHNN-TD ngày 01/05/2016 gửi các TCTD và NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố có xảy ra hiện tượng cá chết bất thường để chỉ đạo một số biện pháp khẩn cấp như: Thành lập tổ công tác thường trực của ngành ngân hàng trên địa bàn để triển khai hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong việc lên phương án khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi, cho vay mới để giúp người dân khắc phục khó khăn, tiếp tục sản xuất, đồng thời nghiên cứu phương án hỗ trợ ngư dân vay vốn khi có nhu cầu chuyển đổi sang làm nghề mới; Các chi nhánh NHTM, chi nhánh NHNN tại các tỉnh bị ảnh hưởng phối hợp với các Sở, ban, ngành đánh giá, xác định mức độ thiệt hại từ nguồn vốn vay ngân hàng để báo cáo những vấn đề cần xử lý, định kỳ báo cáo về NHNN vào ngày 1 và 15 hàng tháng.
Đến nay, NHNN chi nhánh các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Thừa Thiên Huế đã thống kê mức độ thiệt hại liên quan đến vụ việc. Trên thực tế, việc thống kê mức độ thiệt hại, nhất là thiệt hại gián tiếp như nuôi trồng, đánh bắt, thu mua, bảo quản và các dịch vụ liên quan khác như du lịch, nhà hàng… là rất khó do chưa có bộ tiêu chí đánh giá thống nhất. Hiện nay, các NHTM trên địa bàn đã xây dựng kế hoạch miễn, giảm lãi và cơ cấu nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng và đang tích cực triển khai các gói tín dụng ưu đãi để hỗ trợ cho các khách hàng tại địa phương để triển khai phương án sản xuất kinh doanh mới (Agribank triển khai gói tín dụng 500 tỷ, BIDV triển khai gói tín dụng 1.500 tỷ đồng với lãi suất ngắn hạn 6%, trung dài hạn 8%; Vietinbank triển khai gói tín dụng 2.000 tỷ đồng với lãi suất ngắn hạn 6%, trung dài hạn 7%; Ngân hàng Chính sách triển khai gói tín dụng 125 tỷ đồng …).
Ngày 09/6/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (thay thế Nghị định 41/2010/NĐ-CP) nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách về tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó tiếp tục nhấn mạnh vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt là Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ trong việc phối hợp với ngành ngân hàng khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ cho phát triển nông nghiệp nông thôn. Hội Nông dân Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là những tổ chức chính trị - xã hội có mối quan hệ thường xuyên và mật thiết với nông dân, có vai trò hết sức quan trọng trong triển khai chính sách của Đảng, Nhà nước và hỗ trợ người nông dân, phụ nữ nông thôn trong sản xuất, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu. NHNN luôn xác định nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ngành ngân hàng ưu tiên đầu tư vốn tín dụng và đã có nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Hội Nông dân Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực sự là cầu nối giữa ngân hàng với hàng triệu hộ nông dân và phụ nữ nông thôn trên phạm vi cả nước. |