Tín dụng bật mạnh
Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, số liệu mới nhất cho thấy tăng trưởng tín dụng (TTTD) toàn hệ thống đạt hơn 3% cũng là mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Theo đánh giá của ông Hùng, đây là tín hiệu tích cực cho thấy khả năng hấp thụ vốn của DN tương đối tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động hơn và lợi nhuận của các NH sẽ có cải thiện tích cực.
Ghi nhận của NHNN trong 3 tháng qua, vốn tiếp tục chảy mạnh vào các lĩnh vực ưu tiên. Đơn cử như dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn tăng 2,84% so với cuối năm ngoái; hay cho vay DNNVV cũng tăng tương đối. Kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh của DN trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2017 của Tổng cục Thống kê cho thấy có 33,7% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I tốt hơn quý trước. Dự kiến trong quý II, hơn một nửa số DN được hỏi đánh giá xu hướng sẽ tốt hơn.
Song yếu tố tạo ra sự đột biến trong TTTD được một CEO NH chia sẻ, năm 2016, NHNN kiểm soát rất chặt chẽ TTTD thông qua chỉ số tài chính. Nếu NH nào tăng vượt quy định cho phép, NHNN “tuýt còi” ngay. Do đó thời điểm tháng 11-12/2016, một số NH không cho vay thêm được vì hết room tín dụng. Trong khi nhu cầu vay vốn vẫn còn khá lớn tạo ra độ nén cầu tín dụng từ cuối năm ngoái. Sang đầu năm 2017 là thời điểm tín dụng các NH bung ra. “Đó là lý do TTTD đầu năm nay có sự vượt bậc so với những năm trước, nhưng xét về tổng thể nền kinh tế chưa có nhu cầu đột biến”, vị này kết luận.
Lo ngại cạn room tín dụng sớm, rơi vào tình trạng hợp đồng tín dụng dồn nén như năm trước, ngay từ đầu năm 2017, một vài NH ngỏ ý muốn xin NHNN nới room tín dụng để chủ động hơn trong kế hoạch kinh doanh. Lãnh đạo LienVietPostBank cho biết, năm 2017, NH được NHNN cho phép TTTD tối đa là 16%.
Tuy nhiên, với đà tăng trưởng khá tốt, nhất là NH đang tập trung đẩy vốn vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, nông nghiệp công nghệ cao nên khả năng TTTD năm nay sẽ cao hơn mức 16%. Sau khi sử dụng hết room được cấp, LienVietPostBank sẽ xin phép NHNN nới thêm. Một số NH quy mô nhỏ cũng bày tỏ, nhiều khả năng có thể xin nới room tín dụng. Con số cụ thể ra sao tùy vào tình hình triển khai trong thời gian tới. Tuy nhiên lãnh đạo VietinBank thận trọng hơn về kế hoạch nới room, khi cho biết NH thực hiện theo điều hành NHNN về chỉ tiêu TTTD.
Tăng trong kiểm soát
Đánh giá tích cực động thái tín dụng tăng trưởng mạnh những tháng đầu năm, nhưng cũng có ý kiến tỏ ra lo ngại tín dụng quay trở lại thời kỳ tăng trưởng nóng. “Thông thường mọi năm, các NH tập trung TTTD giai đoạn cuối năm. Như năm trước, ba tháng đầu năm tín dụng tăng hơn 1,5% đến cuối năm đã lên tới 18,71%. Còn năm nay, với tốc độ như hiện nay, có thể tín dụng tăng vượt cả mục tiêu NHNN đề ra là 18 – 20%”, một vị chuyên gia NH đặt vấn đề.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn, năm nay, NHNN chỉ cấp hạn mức TTTD cho các NH chỉ ở mức 15 – 16% thay vì 18% như mọi năm. Sự khác biệt này theo đánh giá của ông Văn là NHNN muốn chủ động kiểm soát tình hình TTTD ngay từ đầu năm để đảm bảo kiểm soát cung tiền, giữ ổn định lạm phát như mục tiêu Chính phủ đề ra.
Một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhất trí với cách “dự phòng” tín dụng của NHNN. Bởi lẽ, năm nay nhiệm vụ vừa phải giữ lạm phát ở mức 4% đồng thời đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế là rất thách thức, buộc NHNN phải chủ động tạo dư địa để điều chỉnh chính sách khi cần thiết. “Nếu cứ bung tiền ra như mọi năm, mà lạm phát lại tăng cao, NHNN sẽ khó lòng xoay xở vì cạn room.
Còn với cách làm này, NHNN hoàn toàn chủ động. Có thể từ nay đến cuối năm nếu tình hình kinh tế vĩ mô tốt hơn, lạm phạt ổn hơn, NHNN lại nới room tín dụng cho các NH”- một chuyên gia nhận định. Vị này cũng cho rằng nhiều khả năng NHNN mong muốn không cần thiết sử dụng hết số lượng room tín dụng đặt ra mà muốn tập trung tăng chất cho tín dụng để đạt mức tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đề ra cho năm nay là 6,7%. Nếu đẩy tín dụng mà không đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế thì đây không hẳn là bài toán hay. Tín dụng tăng trưởng cao mà không kiểm soát được chất lượng, nợ xấu lại tăng nhanh.
Quan điểm của NHNN tín dụng tăng trưởng đều là điều tốt, nhưng ông Nguyễn Quốc Hùng cũng cho biết, nếu tăng trưởng cao kéo dài đến hết quý II/2017, bên cạnh giám sát chặt các chỉ số tài chính của NH, NHNN sẽ có những cảnh báo và kiểm soát tín dụng các NH đang tăng cao vào lĩnh vực nào, mức độ an toàn, hiệu quả, rủi ro ra sao, nhất là một số lĩnh vực có rủi ro cao như bất động sản, giao thông, BT, BOT… được soi kỹ hơn.
Về định hướng TTTD, lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, mức TTTD hiện tại phù hợp với chỉ tiêu định hướng của NHNN. Những tháng còn lại của năm 2017, NHNN tiếp tục kiểm soát TTTD của hệ thống TCTD đảm bảo an toàn, hiệu quả và tín dụng tăng ở mức 18%. Nhưng có điều chỉnh linh hoạt phù hợp tăng trưởng kinh tế, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát như mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
Các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, sản xuất ứng dụng công nghệ cao, DNNVV, công nghiệp phụ trợ, xuất khẩu) sẽ tiếp tục là lĩnh vực được các NH chú trọng đầu tư. Ngoài ra một số ngành nghề lĩnh vực khác mang giá trị kinh tế cao như công nghiệp, thương mại dịch vụ… cũng sẽ được các NH quan tâm đến nhiều hơn.
TTTD đối với các khu vực có rủi ro cao vẫn sẽ được kiểm soát nhằm hạn chế nợ xấu tăng trở lại. “Tất nhiên, nói như vậy thận trọng không có nghĩa là NH đóng cửa với tất cả các lĩnh vực trên. Những dự án bất động sản có tính thanh khoản cao, đi vào thi công có thể tạo ra sản phẩm ngay vẫn được xem xét cho vay…”, ông Hùng lưu ý.
NHNN tiếp tục kiểm soát TTTD của hệ thống TCTD đảm bảo an toàn, hiệu quả và tín dụng tăng ở mức 18%. Nhưng có điều chỉnh linh hoạt phù hợp tăng trưởng kinh tế, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát như mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. |