Dư nợ tín dụng vào BĐS ước tăng 12,5% so với cuối năm 2015, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015 ở mức 28,3%. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường BĐS giảm 44% so với cùng kỳ, đạt 1,3 tỉ USD. Vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực BĐS chiếm 10% tổng vốn FDI đăng ký trong năm 2016.
Tuy nhiên tín dụng tiêu dùng cho mục đích BĐS tăng mạnh, ước tăng 39% so với cuối năm 2015, chiếm 11,4% tổng tín dụng (năm 2015 là 9,8%). Trong đó, gần 50% tập trung vào lĩnh vực BĐS, cho vay sửa chữa nhà, mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương của khách hàng vay.
Tín dụng đầu tư và kinh doanh BĐS tập trung chủ yếu vào nhu cầu xây dựng, sửa chữa và mua nhà để ở kết hợp cho thuê; sau đó là đầu tư kinh doanh BĐS khác như nhà hàng, khách sạn để bán, cho thuê; xây dựng khu đô thị… Cơ cấu tín dụng BĐS có xu hướng tăng tỷ trọng đối với cầu BĐS, giảm tỷ trọng đối với cung, tương ứng là 62% và 38%.
Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thị trường BĐS năm 2017 có nhiều động lực để tăng trưởng, song vẫn tiềm ẩn rủi ro. Cụ thể, đối với phân khúc trung bình và thấp sẽ có cơ hội tăng trưởng và giá nhà có thể tăng.