Hướng tới một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Việt Nam đang theo đuổi mục tiêu tăng trưởng bao trùm, nhấn mạnh đến sự bình đẳng và tiếp cận các cơ hội để mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả của tăng trưởng, không để ai bị bỏ lại phía sau. Trong tiến trình đó, ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Chiến lược). Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, với sự nỗ lực, chủ động, tích cực của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan, các tổ chức cung ứng dịch vụ, khả năng tiếp cận của người dân và doanh nghiệp đến các sản phẩm, dịch vụ tài chính đã được mở rộng và cải thiện đáng kể. Mặc dù vậy, quá trình triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp nhằm thúc đẩy tiếp cận và sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính đến những đối tượng chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận còn những hạn chế nhất định. Trên cơ sở đánh giá các kết quả đạt được, bài viết đã đưa ra một số tồn tại cần khắc phục, từ đó đề xuất một số giải pháp góp phần tạo thuận lợi hơn nữa để người dân tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng.
Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia - những kết quả đạt được qua 4 năm nhìn lại
Về cơ bản, tất cả các nhiệm vụ Chiến lược đặt ra đều được triển khai theo đúng lộ trình. Những kết quả nổi bật có thể tóm tắt dưới đây.
Thứ nhất, khuôn khổ pháp lý không ngừng được hoàn thiện tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu của tài chính toàn diện
Các bộ, ngành đã xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành 6 luật, 10 nghị định, 10 quyết định và trực tiếp ban hành nhiều thông tư, tạo cơ sở pháp lý ngày càng đồng bộ cho việc triển khai thực hiện Chiến lược. Có thể kể đến: Luật Các TCTD (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Căn cước, Luật Giao dịch điện tử, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Phòng, chống rửa tiền. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các Nghị định, Quyết định về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương, thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, tín dụng đối với các hộ mới thoát nghèo, triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, bảo vệ dữ liệu cá nhân, quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền, bảo hiểm vi mô. Ban hành các thông tư như Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền, Thông tư sửa đổi quy định cho vay của TCTD đối với khách hàng, trong đó bổ sung quy định về cho vay bằng phương tiện điện tử, góp phần tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn vay với quy trình thủ tục nhanh và thuận tiện hơn, Thông tư về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn…
Trước xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các bộ, ngành đã kịp thời sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định liên quan đến cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, nhất là các dịch vụ tài chính số như cho phép mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử thông qua xác thực khách hàng bằng eKYC, không cần gặp mặt trực tiếp; các quy định về TTKDTM; quy định về đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán; các quy định về thanh tra, giám sát ngân hàng, qua đó tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai các giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy khả năng tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cho các đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện.
Ngân hàng Nhà nước cũng đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các Nghị định: (i) Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 về TTKDTM, trong đó dự kiến bổ sung các chính sách liên quan đến hoạt động đại lý thanh toán (một trong các hoạt động của đại lý ngân hàng); quy định về khái niệm tiền điện tử, hình thức thể hiện của tiền điện tử; (ii) Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng. Việc ban hành hai Nghị định này sẽ góp phần tạo môi trường, hành lang pháp lý thuận lợi cho việc mở rộng, phát triển các dịch vụ thanh toán, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực ngân hàng, đẩy mạnh TTKDTM trong nền kinh tế.
Thứ hai, các tổ chức cung ứng dịch vụ tiếp tục phát triển mạng lưới hoạt động, hiện diện tại tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước; các kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ ngân hàng được phát triển khá đa dạng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, nhất là người dân sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Trên cơ sở cơ chế, chính sách của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã triển khai các giải pháp phát triển mạng lưới giao dịch; sắp xếp lại mạng lưới hoạt động tại nơi có mật độ mạng lưới lớn, hoạt động chưa hiệu quả theo hướng chuyển sang các địa bàn có mạng lưới giao dịch mỏng hoặc chưa có chi nhánh, phòng giao dịch trên nguyên tắc đảm bảo an toàn, hiệu quả trong hoạt động. Đồng thời, sắp xếp mạng lưới ATM trên toàn quốc hợp lý hơn, hướng tới những địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Các định chế tài chính chuyên biệt có định hướng hoạt động phù hợp với mục tiêu của tài chính toàn diện gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Hợp tác xã, hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân chú trọng nâng cao năng lực tài chính, quản trị điều hành, năng lực cung ứng dịch vụ, phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính. Hệ thống các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô được tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động, tiếp tục tăng trưởng ổn định, duy trì tỷ lệ thu hồi nợ cao. Do vậy, các tổ chức này đã phát huy tốt vai trò hỗ trợ vốn và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp cho các đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện.
Các kênh phân phối, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số, trên thiết bị di động đi kèm với các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn thông tin được các tổ chức cung ứng dịch vụ chú trọng phát triển, qua đó nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính, gia tăng trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng. Đặc biệt, trong giai đoạn đại dịch Covid-19, các tổ chức tín dụng đã đẩy mạnh các kênh phân phối online và các giải pháp TTKDTM vừa hỗ trợ sản xuất kinh doanh vừa đảm bảo phòng chống dịch theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Đến cuối năm 2023, có 51 tổ chức không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đang hoạt động, trong đó có 49 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử, 49 tổ chức cung ứng dịch vụ cổng thanh toán điện tử và hỗ trợ thu hộ, chi hộ, 14 tổ chức cung ứng dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử, 1 tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử. Đồng thời, các kênh phân phối hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ số tiếp tục phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và giá trị giao dịch. Đến cuối năm 2023, so với năm 2022, giá trị thanh toán qua Internet tăng gần 6,50%; thanh toán qua điện thoại di động tăng gần 12,73%; thanh toán qua mã QR tăng 157,2%; và thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 17,72%. Trong năm 2023, số lượng giao dịch TTKDTM đạt 11.342,8 triệu giao dịch với giá trị đạt 222,3 triệu tỷ đồng (tăng 49,36% về số lượng và 1,28% về giá trị); tỷ lệ giá trị TTKDTM/GDP ở mức gần 22 lần.
Thứ ba, các sản phẩm, dịch vụ tài chính, nhất là các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện được chú trọng phát triển.
Bên cạnh các sản phẩm, dịch vụ truyền thống, trên cơ sở các kênh phân phối hiện đại dựa trên công nghệ số, các tổ chức cung ứng dịch vụ tiếp tục phát triển đa dạng các sản phẩm dịch vụ, tiện ích mới. Rất nhiều sản phẩm, dịch vụ đã được nghiên cứu triển khai như dịch vụ mở tài khoản trực tuyến bằng phương thức điện tử (e-KYC), tài khoản thanh toán không chịu phí duy trì tài khoản và số dư tài khoản tối thiểu, liên kết với thẻ ATM; dịch vụ tiền gửi tiết kiệm trực tuyến, lãi suất, cách thức gửi tiền đa dạng, linh hoạt; dịch vụ chuyển tiền, thanh toán hóa đơn các dịch vụ cơ bản của gia đình như điện, nước, thẻ điện thoại, truyền hình cáp, các loại dịch vụ khác như bảo hiểm, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến thuế, phí, lệ phí, bảo hiểm xã hội trên Cổng dịch vụ công quốc gia; các sản phẩm cho vay tiêu dùng có lãi suất hợp lý; đầu tư, vay vốn, tài trợ thương mại trên các kênh số; dịch vụ chăm sóc khách hàng tự động với công nghệ trí tuệ nhân tạo … Từ thời điểm bắt đầu triển khai (cuối tháng 3/2021) đến cuối tháng 12/2023, có 40 ngân hàng đã triển khai mở tài khoản thanh toán cho khách hàng bằng e-KYC với gần 35 triệu tài khoản thanh toán đang hoạt động. Đến tháng 12/2023, có 27 tổ chức đã triển khai phát hành thẻ bằng e-KYC với khoảng 14,9 triệu thẻ đang lưu hành được phát hành bằng e-KYC. Tổng số lượng giao dịch (bao gồm giao dịch nạp/rút/chuyển tiền/thanh toán) qua tài khoản Mobile-Money của khách hàng từ khi triển khai thí điểm (tháng 11/2021) đến cuối tháng 12/2023 là hơn 70,3 triệu giao dịch với tổng giá trị giao dịch gần 3.093 tỷ đồng.
Các tổ chức tín dụng tiếp tục cân đối, tập trung nguồn vốn cho các chương trình tín dụng đặc thù phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng tích cực tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, dịch tả lợn Châu Phi, đặc biệt là dịch Covid-19 như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất phù hợp, tạo điều kiện để khách hàng khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh. Đến 31/12/2023, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 2.482.971 tỷ đồng (tăng 13,61% so với cuối năm 2022), chiếm tỷ trọng 18,31% dư nợ tín dụng của nền kinh tế; dư nợ tín dụng đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đạt 6.146 tỷ đồng (giảm 2,7% so với cuối năm 2022) dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống tăng 7,83% so với cuối năm 2022 và chiếm 21,16% (cùng kỳ năm 2022 tăng 27,93% và chiếm tỷ trọng 22,33%).
Thứ tư, cơ sở hạ tầng tài chính được đầu tư nâng cấp, hoàn thiện để gia tăng hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của nền kinh tế
Các hệ thống thanh toán quan trọng như Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng đã chuyển từ mô hình xử lý phân tán với 5 trung tâm xử lý khu vực về 1 trung tâm xử lý quốc gia duy nhất, bổ sung thêm các dịch vụ, nâng cấp phần mềm các thành viên để đáp ứng yêu cầu xử lý khối lượng lớn dữ liệu; Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch thanh toán bán lẻ (ACH) được đưa vào vận hành chính thức, qua đó thiết lập hạ tầng thanh toán bán lẻ hiện đại, thanh toán theo thời gian thực, phục vụ nhu cầu chuyển tiền, giao dịch thanh toán bán lẻ, thanh toán các dịch vụ tiện ích.
Bộ Công an đã chính thức vận hành hệ thống Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư từ ngày 1/7/2021; tạo điều kiện cho các bộ, ngành liên quan kết nối, chia sẻ để sử dụng danh tính điện tử, tài khoản định danh điện tử, phục vụ xác minh thông tin khách hàng. Tính đến tháng 12/2023, có 53 TCTD đang phối hợp với các doanh nghiệp được Bộ Công an cấp giấy phép cung cấp giải pháp xác thực người dùng bằng thẻ căn cước công dân gắn chip để nghiên cứu, triển khai giải pháp xác thực khách hàng tại quầy giao dịch (trong đó 9 TCTD đã triển khai thực tế); 48 tổ chức tín dung đã liên hệ với C06 để trao đổi về phương án làm sạch dữ liệu; 13 TCTD đã và đang liên hệ với C06 để ứng dụng tài khoản định danh và xác thực khách hàng.
Hạ tầng thông tin tín dụng đạt được bước phát triển rõ rệt với độ phủ thông tin ngày càng mở rộng, nâng cao cả về số lượng và chất lượng thông tin. Mức độ bao phủ thông tin tín dụng trên dân số trưởng thành tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng khả quan, đạt trên 72% vào cuối năm 2023 (cuối năm 2022 là trên 70%).
Thứ năm, công tác giáo dục tài chính, nâng cao năng lực và kiến thức tài chính được triển khai với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sáng tạo; cơ chế, chính sách về bảo vệ người tiêu dùng tài chính tiếp tục được hoàn thiện
Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai các chương trình đào tạo để tăng cường kiến thức, kỹ năng tài chính cho người dân và doanh nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện lồng ghép các kiến thức về tài chính vào Chương trình giáo dục phổ thông quốc gia. Bản thân các bộ, ngành cũng đã chủ động xây dựng, triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực về thúc đẩy tài chính toàn diện. Các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính thường xuyên tổ chức các chương trình, khóa đào tạo nhằm phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và kinh doanh ngân hàng có trình độ chuyên môn cao, ý thức tuân thủ pháp luật, có đạo đức và tinh thần trách nhiệm nghề nghiệp, qua đó nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.
Các quy định liên quan đến hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính của các bộ, ngành đã và đang được hoàn thiện theo hướng minh bạch hóa thông tin sản phẩm, dịch vụ tài chính, các cơ chế giải quyết tranh chấp, khiếu nại của khách hàng cũng đã được bổ sung và hoàn thiện theo hướng tăng cường bảo vệ người tiêu dùng tài chính.
Thứ sáu, mục tiêu tài chính toàn diện được lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch hoạt động của các bộ, ngành, địa phương tạo sự lan tỏa cả về phạm vi và quy mô triển khai của Chiến lược.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lồng ghép các mục tiêu tài chính toàn diện vào 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, gồm: Xây dựng nông thôn mới, Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đã chủ động thực hiện lồng ghép các mục tiêu tài chính toàn diện vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm; Kế hoạch thực hiện xây dựng nông thôn mới hàng năm của địa phương.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, định hướng thông tin cho các cơ quan báo chí, các đài phát thanh - truyền hình tích cực tuyên truyền về các nội dung liên quan đến Chiến lược; mở các chuyên trang, chuyên mục nhằm truyền thông, định hướng dư luận, giúp người dân và cộng đồng xã hội hiểu đúng về Chiến lược, nâng cao nhận thức cộng đồng về việc thực hiện các mục tiêu tài chính toàn diện. Tại một số địa phương, các tin bài, phóng sự còn được thực hiện tuyên truyền, đưa tin bằng tiếng dân tộc. Các địa phương cũng đã tích cực chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tổ chức và người dân trên địa bàn với nhiều hình thức phong phú, đa dạng thông qua các bản tin thời sự, chuyên mục, chuyên đề trên sóng phát thanh, truyền hình; các chuyên trang trên báo in, trang thông tin điện tử; phát hành các tài liệu tuyên truyền; tổ chức các cuộc thi, tập huấn, lồng ghép trong các chương trình sinh hoạt của tổ chức chính trị xã hội ở các cấp, sinh hoạt tổ, khối phố, …
Với việc triển khai tích cực, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương đã giúp nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp. Đến cuối năm 2023, số lượng chi nhánh, phòng giao dịch của các TCTD bình quân/100.000 người trưởng thành đạt 17,57 chi nhánh, phòng giao dịch (tăng 10,80% so với năm 2022); tỷ lệ xã/ thị trấn có điểm cung ứng dịch vụ tài chính trên tổng số xã/ thị trấn trên toàn quốc (không tính điểm cung ứng dịch vụ của Ngân hàng Chính sách xã hội) đạt 32,98% (năm 2022 là 32,60%); số lượng máy ATM bình quân/100.000 người trưởng thành đạt 27,30 máy (giảm 2,3% so với năm 2022); số lượng máy POS bình quân/100.000 người trưởng thành đạt 699,97 máy (tăng 28,32% so với năm 2022); tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng đạt 77,41%; tỷ lệ người trưởng thành có thông tin về lịch sử tín dụng trong hệ thống thông tin tín dụng đạt trên 72%; Tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm so với GDP đạt 2,22%.
Một số tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện Chiến lược còn một số tồn tại, hạn chế.
Thứ nhất, khuôn khổ pháp lý hiện hành còn bất cập, chưa bắt kịp đòi hỏi của thực tiễn, nhất là trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, xuất hiện thêm các kênh phân phối, sản phẩm, dịch vụ tài chính mới dựa trên đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro và sự tham gia của các công ty Fintech vào lĩnh vực tài chính ngân hàng, đặc biệt là góc độ thanh tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước.
Thứ hai, mạng lưới tổ chức cung ứng, kênh phân phối dịch vụ tài chính như mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, hệ thống POS/ATM của các tổ chức tín dụng phân bố chủ yếu ở khu vực thành thị, các khu kinh tế phát triển, khu đông dân cư, trong khi còn hạn chế tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Thứ ba, các sản phẩm, dịch vụ tài chính cần tiếp tục được đa dạng hóa, thiết kế phù hợp hơn để đáp ứng nhu cầu của một số phân khúc khách hàng là đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện; TTKDTM mặc dù đã đạt được những kết quả đáng kể, tuy nhiên một bộ phận dân cư, đặc biệt là nhóm người cao tuổi, người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn chưa sử dụng phổ biến hình thức thanh toán này; các hành vi tội phạm, “tín dụng đen” còn diễn biến phức tạp với nhiều hình thức, thủ đoạn gây tác hại đến người tiêu dùng tài chính; sản xuất nông nghiệp còn thiếu các biện pháp, công cụ phòng ngừa để hạn chế rủi ro, chính sách bảo hiểm nông nghiệp chậm triển khai; các cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ vốn của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đạt được như kỳ vọng.
Thư tư, việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thanh toán với các hệ thống, dịch vụ thuộc các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế còn vướng mắc, ảnh hưởng đến việc đẩy mạnh TTKDTM cho các dịch vụ trong nền kinh tế, nhất là dịch vụ công. Cần tiếp tục đẩy nhanh khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân trong việc định danh, xác thực khách hàng để giúp các tổ chức tín dụng đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính số. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu về tài chính toàn diện vẫn chưa hoàn thiện, tạo không ít khó khăn cho việc đánh giá tính hiệu quả của các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược.
Thứ năm, công tác truyền thông về tài chính toàn diện mới đạt được những kết quả bước đầu, cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai với những hình thức đa dạng, phong phú hơn để cải thiện kiến thức, kỹ năng tài chính của người dân, nhất là người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa; cần tiếp tục đẩy nhanh việc lồng ghép nội dung giáo dục tài chính vào các chương trình giáo dục phổ thông quốc gia cũng như tăng cường công tác giáo dục tài chính cho học sinh, sinh viên.
Một số khuyến nghị trong thời gian tới
Nhìn lại 4 năm triển khai thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện, khả năng tiếp cận tài chính của các đối tượng mục tiêu đã được cải thiện đáng kể, song vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức đang ở phía trước. Những hệ quả nặng nề của đại dịch Covid-19 vẫn còn tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân nên cũng có tác động không nhỏ tới kết quả thực hiện các mục tiêu của Chiến lược. Do vậy, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược. Cụ thể:
Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính ngân hàng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới đi đôi với nâng cao năng lực quản lý giám sát, đảm bảo an toàn hệ thống (như nghiên cứu, xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Các TCTD (sửa đổi) về hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân, hoạt động đại lý thanh toán, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động ngân hàng…; Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) về bảo hiểm vi mô, bảo hiểm nông nghiệp;…); đẩy mạnh TTKDTM trong nền kinh tế, nhất là khuyến khích phát triển TTKDTM ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo.
Tiếp tục hoàn thiện và tăng cường kết nối hạ tầng thanh toán phục vụ cho các giao dịch thanh toán điện tử trong nền kinh tế; đẩy nhanh việc khai thác kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước công dân phục vụ xác minh thông tin khách hàng, giúp các tổ chức tín dụng tăng cường phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính số.
Các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán, các doanh nghiệp bảo hiểm: (i) tiếp tục sắp xếp, mở rộng độ bao phủ mạng lưới hoạt động cũng như năng lực cung ứng dịch vụ tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn; (ii) tích cực triển khai các định hướng chiến lược về phát triển các kênh cung ứng, các sản phẩm, dịch vụ tài chính, đặc biệt là ứng dụng các giải pháp công nghệ số để đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ và các tiện ích cho khách hàng; (iii) có chính sách, giải pháp và sản phẩm, dịch vụ tài chính đặc thù, phù hợp với khách hàng là đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện; tạo điều kiện và hỗ trợ các đối tượng này tiếp cận các nguồn lực và dịch vụ tài chính để phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống, nâng cao phúc lợi xã hội, hướng tới sự phát triển ổn định và bền vững.
Tăng cường công tác giáo dục tài chính, nâng cao năng lực và kiến thức tài chính cho người dân với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sáng tạo; đẩy nhanh tiến độ lồng ghép giáo dục tài chính vào chương trình giáo dục phổ thông quốc gia; tiếp tục nghiên cứu, lồng ghép các mục tiêu tài chính toàn diện vào các chương trình xây dựng nông thôn mới; tăng cường bảo vệ người tiêu dùng tài chính; thúc đẩy hợp tác quốc tế, tận dụng hỗ trợ của các quốc gia và tổ chức quốc tế trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của xã hội về tài chính toàn diện và tình hình thực hiện các mục tiêu của tài chính toàn diện.
Việc ban hành và thực thi Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Chính phủ trong việc xây dựng một đất nước Việt Nam công bằng, thịnh vượng. Những kết quả bước đầu đã đóng góp quan trọng trong việc nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp, tuy nhiên, cũng còn những hạn chế nhất định. Việc thường xuyên đánh giá kết quả đạt được, nhận diện tồn tại, hạn chế để tìm ra các giải pháp phù hợp, hiệu quả cho các giai đoạn tiếp theo của Chiến lược là hết sức cần thiết, góp phần tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính, thụ hưởng thành quả của tăng trưởng, không để ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển của đất nước./.
TS. Nguyễn Thị Hòa
Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam