Ngày 2/11/2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai trong toàn ngành việc thực hiện “Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế” tại Quyết định số 1726/QĐ-TTg (Đề án 1726), ngày 05/9/2016, của Thủ tướng Chính phủ.
Nội dung của Đề án 1726 nhận định tổng thể những thành quả đạt được của ngành Ngân hàng trong phát triển và nâng cao khả năng cung ứng dịch vụ ngân hàng (DVNH) cho nền kinh tế. Kênh cung ứng DVNH đã liên tục phát triển cả về kênh truyền thống hay hiện đại với 9.787 chi nhánh, phòng giao dịch, gần 17.000 ATM và hơn 222.000 POS. Bên cạnh đó, đã có trên 60 tổ chức tín dụng (TCTD) áp dụng internet banking, 35 TCTD sử dụng mobile banking (không tính quỹ tín dụng nhân dân, chi nhánh và phòng giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội).
Sản phẩm DVNH phát triển đa dạng phong phú, có sản phẩm đã bắt kịp trình độ hiện đại của thế giới khi có tới 37/44 ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai Ví điện tử, quản lý tài sản, tư vấn tài chính đã bước đầu phát triển. Tài sản toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đạt trên 6 triệu tỷ đồng, bằng 144% GDP; dư nợ 4,66 triệu tỷ, bằng 111% GDP năm 2015; 99,52 triệu thẻ cuối 2015 giá trị giao dịch qua thẻ 230,6 ngàn tỷ đồng,
Chất lượng sản phẩm dịch vụ ngân hàng được cải thiện, giảm thủ tục và chi phí giao dịch. Mức độ sử dụng DVNH, tài khoản cá nhân cũng tăng mạnh với 36,77 triệu tài khoản trong năm 2015. Con số này đã tăng 15 lần so với năm 2004. Bên cạnh đó, đã có 20,67% người trưởng thành khu vực nông thôn có khoản vay ở tổ chức tài chính; thanh toán qua internet gia tăng 30-50%/năm với khoảng 2 triệu khách hàng đang sử dụng dịch vụ; thanh toán qua điện thoại di động đạt khoảng 700.000 đồng/người/tháng, giảm tỷ lệ tiền mặt trong M2 từ 18% (2005) xuống khoảng 11% hiện nay.
Ngoài những kết quả đạt được, những khó khăn thách thức cần cải thiện đó là: tỷ lệ thu phí dịch vụ phi tín dụng còn khiêm tốn; gánh nặng cung ứng vốn cho nền kinh tế vẫn dồn lên vai hệ thống ngân hàng cần phải được san sẻ từ thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm; mức độ tiếp cận dịch vụ của dân cư và doanh nghiệp chưa đồng đều theo khu vực địa lý cũng như quy mô kinh doanh.
Chính vì vậy, Đề án 1726 đề cập đến 3 vấn đề xuyên suốt từ mục tiêu đến các giải pháp cần đạt được là: gia tăng kênh cung ứng DVNH; gia tăng số lượng và chất lượng sản phẩm DVNH, thiết kế đơn giản, dễ tiếp cận đối với người dân, doanh nghiệp, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, đối với người nghèo; gia tăng về mức độ sử dụng DVNH đối với người dân và doanh nghiệp.
Đề án 1726 cũng xác định rõ 8 mục tiêu cụ thể cần đạt được đến năm 2020: (i) 70% dân số trưởng thành có tài khoản tại các ngân hàng; (ii) Có ít nhất 20 chi nhánh, phòng giao dịch/100.000 dân số trưởng thành; (iii) Khoảng 30.000 máy ATM (40 máy/100.000 dân số trưởng thành); (iv) 300.000 POS (400 POS/100.000 dân số trưởng thành); (v) Có khoảng 15% số chi nhánh và phòng giao dịch của ngân hàng thương mại mở tại địa bàn nông thôn; (vi)Khoảng 35-40% người trưởng thành ở nông thôn có tiết kiệm TCTD; (vii) Khoảng 50-60% doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động tiếp cận tín dụng; (viii) Tăng gấp 2 lần tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng.
Đề án đã đề ra 7 nhóm giải pháp rất đồng bộ, toàn diện và cụ thể. Qua 7 nhóm giải pháp có thể thấy để nâng cao khả năng tiếp cận DVNH cho nền kinh tế bên cạnh sự nỗ lực của toàn ngành ngân hàng thì rất cần sự vào cuộc, phối kết hợp của bộ ngành khác. Điều này đã khẳng định tại bản kế hoạch triển khai 14 nhiệm vụ chủ yếu của Đề án được đính kèm quyết định 1726 như: nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong xây dựng dữ liệu về doanh nghiệp nhỏ và vừa; Bộ Tài chính hoàn thiện về chính sách bảo hiểm đối với nông nghiệp; Bộ Công an về hướng dẫn để các TCTD có thể tiếp cận thông tin từ cơ sở dữ liệu dân cư trong chấm điểm xếp hạng tín dụng....nhằm tạo lập môi trường kinh doanh phát triển dịch vụ ngân hàng đa dạng, đơn giản dễ tiếp cận và an toàn đối với người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh việc thảo luận triển khai thực hiện Đề án, hội nghị cũng đề cập những nội dung liên quan đến phát triển DVNH, phát triển kênh cung ứng sản phẩm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách, nâng cao chất lượng hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân...