Cụ thể, PBOC đã rót 120 tỷ NDT vào các ngân hàng thương mại và công ty môi giới lớn thông qua hợp đồng repo (mua lại đảo ngược) hôm nay, tương tự quy mô bơm vốn hôm thứ Ba. Theo cơ chế này, PBOC sẽ mua chứng khoán từ các tổ chức trên, với cam kết bán chúng trong tương lai. Đây là công cụ hữu hiệu để giải quyết tình trạng thiếu hụt cung tiền trong ngắn hạn.
Nếu tính cả các hợp đồng repo đã đáo hạn, tuần này, họ đã bơm ròng 150 tỷ NDT vào hệ thống tài chính, gấp nhiều lần so với 5 tỷ NDT tuần trước. Đây cũng là đợt bơm tiền lớn nhất từ tháng 2 - thời điểm nhu cầu tiền mặt lên cao do dịp Tết Nguyên đán.
Đến ngày 25/8, PBOC sẽ thay mặt Bộ Tài chính đấu giá thêm 60 tỷ NDT tín phiếu kỳ hạn 3 tháng. Cơ quan này cũng đã cung cấp 110 tỷ NDT các khoản vay kỳ hạn 6 tháng cho 14 tổ chức tài chính hôm qua, thông qua Công cụ Cho vay Trung hạn, với lãi suất 3,35%.
Động thái này diễn ra sau đợt phá giá bất ngờ đồng NDT tuần trước và chuyển sang cơ chế điều hành tỷ giá bám sát thị trường hơn. Sự can thiệp của PBOC để đẩy giá NDT đã khiến nguồn cung tiền mặt bị thắt chặt. Lãi suất cho vay liên ngân hàng qua đêm tại Thượng Hải (Shibor) đã lên 1,83% hôm nay, tăng so với 1,4% cuối tháng 7. Đây là số liệu cao nhất từ ngày 23/4, cho thấy nhu cầu tiền mặt đang tăng mạnh.
Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc cần có các biện pháp và chính sách mạnh tay hơn để giải quyết tình trạng này. Nếu thiếu hụt thanh khoản kéo dài, PBOC sẽ phải giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các nhà băng, để ngăn ảnh hưởng tiêu cực tiềm tàng lên nền kinh tế, công ty chứng khoán Shenwan Hongyuan nhận định. Zhu Haibin - kinh tế trưởng tại JP Morgan China cũng cho biết trong quý III, Trung Quốc có khả năng giảm dự trữ bắt buộc hơn là hạ lãi suất.