Cơ hội, thách thức khi sử dụng mạng xã hội trong truyền thông chính sách
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mạng xã hội đóng vai trò lớn trong lưu lượng truy cập vào các báo điện tử. Vì vậy, ngày nay, nhiều cơ quan, tổ chức, đoàn thể đã quan tâm tới việc tiếp cận công chúng của mình thông qua mạng xã hội, thay vì chỉ tập trung đầu tư vào giao diện trang chủ. Thói quen này của công chúng Việt Nam cũng là lý do khiến cho các doanh nghiệp và cả các cá nhân, nghệ sĩ... đều lựa chọn mạng xã hội là kênh truyền thông chính.
Xét về mặt tích cực, mạng xã hội là kênh giúp lan truyền, phổ biến rộng rãi các thông tin chính sách, góp phần quan trọng trong phổ biến, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; từ đó củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân vào đường lối lãnh đạo của Đảng.
Nếu như các phương tiện truyền thông truyền thống thường bị giới hạn bởi khả năng lan truyền thông tin, thì mạng xã hội gần như phá bỏ được ranh giới này. Một thông tin chính sách được đăng tải trên mạng xã hội ngay lập tức có thể tiếp cận được hàng triệu công chúng trên khắp thế giới; và công chúng tiếp tục trở thành người lan tỏa thông tin thông qua hoạt động chia sẻ. Cứ như vậy, thông tin chính sách được lan truyền một cách không giới hạn.
Trên thực tế, ở Việt Nam những năm qua, việc sử dụng mạng xã hội như một kênh truyền thông chính sách quan trọng đã trở nên phổ biến ở các tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan báo chí. Nhiều cơ quan công quyền từ Trung ương đến địa phương có trang fanpage. Do vậy, cơ hội cho các mạng xã hội tham gia vào công tác truyền thông chính sách ở Việt Nam lớn hơn nhiều so với những gì đang diễn ra trên thực tế.
Mạng xã hội cũng là nơi để công chúng có thể trao đổi, thảo luận, bày tỏ quan điểm về các thông tin. Khi thông tin chính sách được thảo luận có định hướng trên phạm vi rộng sẽ dễ tạo được sự đồng thuận của cộng đồng đối với các chính sách.
Bên cạnh đó, mạng xã hội cũng là kênh tương tác hiệu quả với công chúng, giúp thu nhận thông tin phản hồi để nắm bắt và định hướng dư luận xã hội.
Trước đây, khi chưa có sự bùng nổ của các trang mạng xã hội, chủ thể truyền thông rất khó nắm bắt được dư luận của đông đảo công chúng. Ngày nay, nhờ có mạng xã hội, ai cũng có thể trở thành nguồn phát thông tin nên cũng dễ dàng chia sẻ và trao đổi quan điểm, ý kiến cá nhân của mình tới đông đảo mọi người. Hoạt động tương tác giúp tạo ra sự gần gũi giữa công chúng và chủ thể truyền thông, cung cấp dữ liệu khá đầy đủ về đặc điểm nhu cầu, trình độ, sở thích của từng nhóm công chúng, để chủ thể truyền thông có chiến lược thông tin phù hợp. Đồng thời, hoạt động tương tác cũng giúp chủ thể truyền thông nắm bắt dư luận xã hội nhanh chóng, chính xác để có những định hướng kịp thời, đặc biệt với những chính sách quan trọng.
Thông qua việc bày tỏ quan điểm một cách cởi mở, tự do trong khuôn khổ pháp luật, công chúng mạng xã hội cũng dễ dàng thực hiện quyền phản biện. Đặc biệt, khi có dự thảo luật được đưa ra lấy ý kiến dư luận, mạng xã hội giúp thu thập ý kiến nhanh chóng và rộng rãi. Mạng xã hội còn có một tính năng rất có lợi cho chủ thể truyền thông, đó là những câu hỏi điều tra thăm dò ý kiến công chúng. Dạng câu hỏi thăm dò này rất dễ thực hiện mà hiệu quả lại cao, người trả lời câu hỏi chỉ cần một cú click chuột là đã có thể thể hiện được ý kiến của mình về vấn đề được nêu ra. Thông qua kết quả trả lời phiếu câu hỏi, chủ thể truyền thông có thể rút ra được kết luận cho những vấn đề mà mình đang băn khoăn, đồng thời nắm bắt được xu hướng suy nghĩ của công chúng đối với những sự việc diễn ra trong xã hội. Những kết quả thăm dò này cũng có thể là một tư liệu cho những điều chỉnh chính sách.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh xuất hiện nhiều thông tin xấu, độc, người làm truyền thông chính sách có thể sử dụng mạng xã hội như một kênh hiệu quả trong việc phản bác các quan điểm sai trái, chia sẻ kịp thời những thông tin chính thống, ngăn chặn tin giả, tin xuyên tạc và tranh thủ được sự ủng hộ của quần chúng.
Những ưu thế của mạng xã hội trong truyền thông chính sách đã rõ ràng. Tuy vậy, mạng xã hội cũng đang có những tác động tiêu cực đến công tác truyền thông chính sách.
Theo đó, mạng xã hội đang bị các thế lực thù địch sử dụng như công cụ chủ yếu để tuyên truyền chống phá, xuyên tạc, kích động quần chúng, đặc biệt trong các sự kiện, vấn đề nóng.
Với số lượng công chúng lớn, nhiều tài khoản ảo, nặc danh gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý. Việc ai cũng có thể trở thành người cung cấp thông tin trên mạng xã hội khiến cho tình trạng tin giả, tin sai lệch xuất hiện phổ biến với các hình thức ngày càng tinh vi, gây nhiễu loạn các nguồn tin chính thống. Hơn nữa, công chúng dễ bị lôi kéo bởi tâm lý “đám đông”. Một vài người có ảnh hưởng lại có tư tưởng sai lệch cũng có thể dẫn dắt dư luận, tạo ra hiệu ứng “tẩy chay”, “ném đá” hoặc phản đối các chính sách dù chưa hiểu rõ đúng - sai.
Mạng xã hội đặt ra bài toán đối với công tác bảo mật thông tin, đặc biệt với những thông tin là bí mật quốc gia. Các tài khoản mạng xã hội có thể bị tấn công hoặc xâm nhập, bị đánh cắp thông tin và dữ liệu. Bên cạnh đó, chủ thể truyền thông có thể chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của bảo mật thông tin và mức độ nguy hiểm của việc lộ thông tin cá nhân, tổ chức, nên thường đăng tải các hoạt động hoặc thông tin nội bộ lên mạng xã hội, vô tình tiếp tay cho các phần tử chống phá, xuyên tạc.
Vì vậy, việc sử dụng mạng xã hội cũng đòi hỏi sự cẩn trọng và quản lý chặt chẽ để đảm bảo rằng thông tin được chia sẻ là đáng tin cậy và không gây ra sự nhầm lẫn hoặc bất ổn trong cộng đồng.
Một số đề xuất khi truyền thông chính sách BHTG trên mạng xã hội
Sử dụng mạng xã hội trong truyền thông chính sách đang là xu hướng phổ biến trên thế giới, thể hiện những ưu thế không thể phủ nhận. Tuy nhiên, mặt trái của mạng xã hội “ảo” nhưng hệ lụy là “thật” buộc các cơ quan, tổ chức phải cân nhắc, đặc biệt là BHTGVN – tổ chức tài chính đặc thù, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận - nếu sử dụng mạng xã hội, cần có những giải pháp nhằm khai thác một cách phù hợp; cần trang bị kỹ năng sử dụng công cụ mạng xã hội để đạt được hiệu quả cao trong công tác truyền thông chính sách.
Thứ nhất, khi lựa chọn truyền thông trên mạng xã hội, BHTGVN cần lựa chọn các kênh phù hợp. Thực tế, trên internet hiện nay có nhiều mạng xã hội, mỗi mạng xã hội lại có lợi thế và phương thức hoạt động khác nhau. Có mạng xã hội thì phổ biến hơn nhưng lại không được đánh giá cao về tốc độ và lợi thế trong chuyển tải thông tin. Trong khi đó, có mạng xã hội dù bảo đảm tính dễ dùng nhưng lại không được coi trọng ở khâu bảo mật thông tin. Chính vì vậy, ở góc độ bảo đảm hoạt động truyền thông chính sách được thông suốt và hiệu quả, BHTGVN cần thiết chọn lựa những nền tảng mạng xã hội phổ biến, dễ dùng và có tính bảo mật cao, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, nhu cầu, mục đích của mình.
Thứ hai, cần tăng cường bảo mật thông tin. Về mặt kỹ thuật, cần đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ để làm tốt công tác bảo mật đường truyền mạng, bảo mật cổng thông tin, trang thông tin điện tử; tăng cường các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng, tạo dựng các “tường lửa” để phòng, chống hiệu quả tin tặc tấn công, lấy cắp thông tin nội bộ, thông tin thuộc bí mật nhà nước trên mạng máy tính. Bên cạnh đó, cũng cần tập huấn, xây dựng bộ quy tắc ứng xử cho các cán bộ, nhân viên.
Thứ ba, nếu sử dụng mạng xã hội để truyền thông, BHTGVN cũng cần xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, phụ trách sản xuất nội dung riêng cho mạng xã hội. Kỹ năng sử dụng mạng xã hội như một kênh truyền thông chính sách, tương tác với công chúng là một hoạt động còn khá mới mẻ; phương thức hoạt động trên mạng xã hội khác rất nhiều với các phương thức truyền thông, kết nối truyền thống. Do đó, để bảo đảm việc sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả, cần xây dựng và đào tạo đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, giỏi kỹ năng sử dụng mạng xã hội như một kênh truyền thông chính thức. Nhóm nhân lực sẽ hỗ trợ chọn lựa, xây dựng và duy trì các nền tảng mạng xã hội phù hợp với đơn vị và phù hợp với công chúng của mình.
Thứ tư, cần xác định mỗi cá nhân là một chủ thể truyền thông chính sách trên mạng xã hội. Vì vậy, trước khi sử dụng mạng xã hội để truyền thông chính sách, BHTGVN cần phải xây dựng quy tắc ứng xử trên mạng xã hội phù hợp với tính chất thông tin của mình. Đồng thời, hướng dẫn cán bộ, người lao động thực hiện nghiêm quy tắc, có những phát ngôn phù hợp, thúc đẩy sự tham gia tích cực của họ vào công tác truyền thông chính sách.
Thứ năm, cần “cá nhân hóa” thông tin, tăng cường tương tác với công chúng. Mục tiêu của “cá nhân hóa” là tương tác với công chúng thực sự như những cá nhân riêng biệt. Như vậy, cùng một thông điệp nhất quán, nhưng nội dung và hình ảnh gửi đến cho công chúng có thể khác nhau...
Thông tin chính sách cần phải được lan truyền rộng khắp, tạo ra nhận thức chung cho toàn dân. Nhưng chắc chắn rằng, một cách truyền tải thông tin giống nhau không thể thỏa mãn tất cả đối tượng công chúng ở các độ tuổi, ngành nghề, thị hiếu khác nhau. Vì vậy, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để “cá nhân hóa” thông tin, gửi tới mỗi người một phiên bản thông tin phù hợp nhu cầu và thị hiếu của họ... sẽ giúp tăng cơ hội tiếp cận và truyền tải thông điệp hiệu quả hơn.
CB