Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu khai mạc Hội thảo
Hội thảo do Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì, với sự tham dự của gần 200 đại biểu đến từ các Bộ, ban, ngành, chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức tín dụng, hiệp hội, doanh nghiệp…Đây là diễn đàn khoa học để các đại biểu trao đổi cởi mở, thẳng thắn, đề xuất các sáng kiến, giải pháp về vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhận định, Việt Nam đang trải qua giai đoạn hết sức khó khăn, bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước có nhiều trở ngại, thách thức, gây áp lực lớn đối với hoạt động của các doanh nghiệp.
Trước tình hình đó, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, duy trì và khôi phục sức khỏe của khu vực doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu, trong đó sự suy giảm khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn là vấn đề được đặc biệt quan tâm, cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp, chính sách hiệu quả để tháo gỡ. Chính vì vậy, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt đối với các Bộ, ngành triển khai đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ khá toàn diện, tác động cả cung và cầu để hỗ trợ doanh nghiệp. Có thể kể đến các chính sách miễn, giảm thuế, phí và lệ phí; hỗ trợ về tài chính và tín dụng; thúc đẩy xuất khẩu và bảo vệ chuỗi cung ứng...
“Và đến nay, sự sát sao, quyết liệt này của Chính phủ, sự vào cuộc kịp thời của các bộ, ngành đã từng bước tháo gỡ các khó khăn, thách thức, khôi phục niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp” - Phó Thống đốc khẳng định.
Cũng theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, trong bối cảnh đó, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, sự an toàn của hệ thống ngân hàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Trong đó, những nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí thanh toán…đã góp phần hỗ trợ khu vực doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh để từng bước phục hồi.
Công tác điều hành cũng như việc thực hiện các giải pháp của NHNN được thực hiện theo hướng ngày càng tạo thuận lợi cho tiếp cận tín dụng và góp phần tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp. Về khung khổ pháp lý, NHNN đã và đang hoàn thiện các văn bản để phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế, nâng cao khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng ngân hàng.
Việc điều hành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được thực hiện theo hướng mở rộng tín dụng có hiệu quả, phù hợp với nhu cầu và khả năng hấp thụ của nền kinh tế trong từng thời kỳ; các giải pháp tăng khả năng tiếp cập tín dụng được thực hiện thường xuyên, cùng với các giải pháp đặc thù, cụ thể tháo gỡ cho nhiều ngành, lĩnh vực, thể hiện tinh thần chia sẻ, đồng hành của NHNN và ngành ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức, góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, phù hợp với chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Mặc dù toàn ngành Ngân hàng đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của TCTD, tuy nhiên, tín dụng chỉ mới có tín hiệu tăng trở lại từ tháng 6. Đến cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 4,3%, giảm đáng kể so với cùng thời điểm năm 2022 (9,54%). Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp đang rất hạn chế và giải quyết vấn đề này sao cho có hiệu quả là một thách thức lớn của ngành Ngân hàng - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Những nỗ lực để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp, nhất là trong tiếp cận và hấp thụ vốn, đã đạt được những kết quả không thể phủ nhận. Tuy nhiên, tình hình kinh tế trong và ngoài nước được dự báo tiếp tục có nhiều bất định với các khó khăn, thách thức từ nhiều phía.
Để giải quyết vấn đề này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, cần phải tiếp tục có sự chung tay, đồng sức, đồng lòng, và sự nỗ lực hơn nữa của các Bộ, ngành cũng như sự vào cuộc của các hiệp hội ngành nghề và sự nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp, các chủ thể trong nền kinh tế để giúp cho khu vực doanh nghiệp phục hồi ổn định và tiếp tục phát triển.
Toàn cảnh hội thảo
Nhằm tạo lập một diễn đàn khoa học cho các bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học và các bên liên quan có thể trao đổi cởi mở, thẳng thắn, đề xuất các sáng kiến, giải pháp để giải quyết bài toán về vốn cho doanh nghiệp, hội thảo tập trung vào các nội dung chính, bao gồm:
Đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô, dự báo triển vọng, nhận diện các khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng;
Chia sẻ giải pháp, chính sách của các Bộ, ngành trong thời gian qua và quan điểm về việc triển khai hiệu quả các giải pháp góp phần tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp trong thời gian tới;
Thảo luận, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, thách thức, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, từ cả góc độ cung và cầu của nền kinh tế.
Các diễn giả tham gia thảo luận tại hội thảo
Trong đó, về phía cầu nổi bật là các giải pháp triển khai các gói hỗ trợ cho người lao động về thuế, tiền thuê nhà, cho vay ưu đãi qua Ngân hàng CSXH...Về phía cung là các chính sách lãi suất; phục hồi các kênh huy động vốn bên cạnh vốn tín dụng; phát huy vai trò của các quỹ đầu tư; tiếp tục triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ về thuế, phí, giảm chi phí tuân thủ; đặc biệt nhấn mạnh hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với lĩnh vực bất động sản…Tất cả những đề xuất trên sẽ hướng đến việc hình thành một khung chính sách tổng thể, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển.