Sau khi có những điều chỉnh ban đầu vào đầu giờ sáng ngày 17/11, đến giữa buổi các ngân hàng lại tiếp tục đẩy tăng giá USD, mức tăng cao nhất lên đến 30 đồng. Cụ thể, ngân hàng Vietcombank báo giá USD ở mức 22.375 - 22.445 đồng, tăng 30 đồng so với đầu giờ sáng. Tại BIDV và VietinBank, tỷ giá cũng được nâng lên ngang mức của Vietcombank là 22.375 - 22.445 đồng, cao hơn đầu giờ sáng 20 đồng. Ngân hàng Sacombank nâng giá mua vào thêm 10 đồng và giữ giá bán ra như đầu giờ sáng, hiện giao dịch tại 22.360 - 22.450 đồng. ACB trong khi đó tăng 10 đồng cả hai chiều lên ngang giá USD của Sacombank. Các ngân hàng khác đã nâng giá bán USD lên 22.450 đồng từ đầu giờ sáng và đang giữ nguyên tỷ giá.
Tại sở giao dịch NHNN, giá USD áp dụng ngày 17/11 ở mức 22.300 - 22.764 đồng, giữ nguyên giá mua vào nhưng nâng giá bán ra thêm 8 đồng so với hôm qua, mức điều chỉnh tương tự tỷ giá trung tâm.
Như vậy, giá mua USD của các ngân hàng thương mại hiện đang cao hơn nhóm các ngân hàng cổ phần tư nhân 15 đồng trong khi bán ra rẻ hơn 5 đồng.
Tính từ từ đầu tuần tới ngày 17/11, tỷ giá trung tâm và giá USD ngân hàng liên tục tăng, trong đó giá USD ngân hàng có đà tăng mạnh nhất trong vòng 5 tháng qua. Tổng cộng mức tăng từ đầu tuần đến nay đã lên đến 80 - 85 đồng.
USD tăng giá được cho là áp lực của thị trường thế giới khi đồng bạc xanh tăng giá sau khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ.
Giải thích về diễn biến tăng tỷ giá hiện nay, ông Nguyễn Đức Long - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) đánh giá, trong những ngày vừa qua, tỷ giá tăng nhẹ cũng chủ yếu do yếu tố tâm lý, thanh khoản thị trường vẫn tốt, cung cầu ngoại tệ bình thường, không có nhu cầu đột biến.
Trước ý kiến lo ngại khi Fed tăng lãi suất có thể làm thị trường biến động, ông Nguyễn Đức Long cho biết, trong trường hợp Fed tăng lãi suất vào cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017 thì cũng có thể không có tác động lớn đối với thị trường ngoại tệ và tỷ giá vì dòng vốn vào Việt Nam chủ yếu là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, khó có thể đảo chiều trong ngắn hạn, còn dòng vốn đầu tư gián tiếp FII có quy mô nhỏ nên khó tác động được đến thị trường ngoại tệ trong nước.
“Đối với tác động tâm lý, khi thị trường có những biến động, thì với cách thức điều hành tỷ giá mới linh hoạt như hiện nay, tác động của yếu tố tâm lý sẽ được giảm thiểu” – ông Long nhận định. Mặc khác, nhu cầu về ngoại tệ cũng giảm đi đáng kể sau khi có quy định hạn chế việc khách hàng mua ngoại tệ giao ngay cho các nhu cầu chưa đến hạn thanh toán tại Thông tư 15/2015/TT-NHNN về giao dịch ngoại tệ của TCTD.
Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 17/11, PGS. TS. Trần Hoàng Ngân cũng nhận định: “Tỷ giá – đã gọi là giá thì nó phải thường xuyên biến động theo thị trường, theo cung – cầu ngoại tệ. Hiện nay, trước các dự báo FED có thể sớm tăng lãi suất cuối năm, đồng đôla tăng giá mạnh trên thị trường quốc tế, và ngay cả đồng Nhân dân tệ cũng đã phá giá, do đó áp lực về mặt tâm lý tác động đến tỷ giá giữa đôla Mỹ và đồng Việt Nam”.
Theo TS. Trần Hoàng Ngân, tỷ giá vẫn trong tầm kiểm soát của NHNN. “Vì chúng ta đã mua được lượng lớn ngoại tệ lớn để tăng dự trữ ngoại hối. Từ đó có thể can thiệp vào thị trường tiền tệ để can thiệp khi cần thiết theo đúng định hướng của mình. Chúng ta không nên lo lắng quá, thị trường thế giới có biến động mạnh nên tỷ giá trong nước biến động cũng là bình thường” – TS. Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Về tác động của việc Fed có thể nâng lãi suất lên tỷ giá trong nước, PGS.TS. Đào Văn Hùng, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho rằng, tác động của việc này đến thị trường ngoại tệ của Việt Nam là không lớn do độ mở của thị trường tài chính nước ta thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Quy mô luồng vốn nóng vào Việt Nam rất nhỏ so với tổng quy mô các luồng vốn nên tác động thực tế không nhiều.
Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Long cho biết, trong 10 tháng đầu năm, thị trường ngoại tệ và tỷ giá về cơ bản ổn định, thanh khoản thị trường tốt, các nhu cầu ngoại tệ của tổ chức và cá nhân được đáp ứng đầy đủ. Tâm lý găm giữ ngoại tệ đã giảm mạnh so với trước đây nhờ cách thức điều hành tỷ giá mới linh hoạt cùng với cung cầu ngoại tệ có diễn biến thuận lợi. Nhờ đó, hệ thống TCTD liên tục mua ròng ngoại tệ từ nền kinh tế và bán cho NHNN lượng lớn ngoại tệ để tăng Dự trữ ngoại hối Nhà nước lên mức kỷ lục.
Theo lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ, từ nay đến cuối năm, cung cầu ngoại tệ về cơ bản vẫn thuận lợi do các dòng vốn đầu tư nước ngoài, kiều hối tiếp tục là nguồn cung quan trọng cho thị trường. Việc NHNN ban hành Thông tư cho vay bằng ngoại tệ, trong đó cho phép gia hạn các đối tượng được vay vốn bằng ngoại tệ tại Thông tư 24/2015/TT-NHNN và Thông tư 07/2016/TT-NHNN đến hết năm 2017 cũng là yếu tố thuận lợi cho sự ổn định của thị trường và tỷ giá ở mức phù hợp.
Báo cáo mới đây của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cho thấy, tính đến 30/9/2016, tín dụng ngoại tệ đã tăng 5,44% so với cuối năm 2015, tăng 3,69 điểm % so với tháng trước. “Tuy nhiên, với nguồn cung ngoại tệ hiện đang khá dồi dào, trong khi đó các quốc gia tiếp tục các chương trình kích thích kinh tế và nới lỏng chính sách tiền tệ, cũng như định hướng thận trọng trong các chính sách của FED, thị trường ngoại hối không có áp lực trong các tháng cuối năm”, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đưa ra dự báo.