Ứng dụng mạng xã hội vào hoạt động truyền thông chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) là một cơ hội cũng như thách thức đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN).
Phương tiện truyền thông mạng xã hội
Truyền thông mạng xã hội (social media) là công nghệ dựa trên máy tính tạo điều kiện cho việc chia sẻ ý tưởng, suy nghĩ và thông tin thông qua việc xây dựng các mạng và cộng đồng ảo.
Truyền thông mạng xã hội được thiết kế dựa trên nền tảng internet và cung cấp dịch vụ giao tiếp điện tử cho người dùng. Nội dung bao gồm thông tin cá nhân, tài liệu, video và hình ảnh. Người dùng tham gia truyền thông mạng xã hội thông qua máy tính, máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh qua phần mềm hoặc ứng dụng website.
Tình hình sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam
Trong Báo cáo tổng quan phát triển kỹ thuật số Việt Nam năm 2023 do We Are Social (Công ty chuyên phân tích mạng xã hội toàn cầu) xuất bản, tính đến tháng 1/2023, số lượng người dùng mạng xã hội tại Việt Nam là 70 triệu người, trong đó có 64,40 triệu người từ 18 tuổi trở lên đang sử dụng các nền tảng mạng xã hội, chiếm tỷ lệ 89% so với tổng dân số từ 18 tuổi tại thời điểm được thống kê.
Lượng người dùng mạng xã hội cũng có xu hướng tăng nhanh qua các năm. Hiện nay, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng mạng xã hội cao trên thế giới, trong đó, lượng người dùng mạng xã hội có xu hướng tăng nhanh (năm 2022 tăng 6,9% so với năm 2021). Đáng chú ý, người dùng quan tâm nhiều nhất đến việc cập nhật tin tức (57,1%) khi truy cập mạng xã hội. Theo các chuyên gia đánh giá, đây là những con số đáng mơ ước với bất kỳ loại hình truyền thông nào, cho thấy tiềm năng lớn của mạng xã hội trong truyền thông ở Việt Nam.
Lợi thế, tiện ích của mạng xã hội
Mạng xã hội đang dần trở thành phương tiện truyền thông hàng đầu mà các tập đoàn, doanh nghiệp hay tổ chức phi lợi nhuận quan tâm sử dụng với khả năng tiếp cận đông đảo công chúng, khách hàng tiềm năng, đối tác,… một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Khác với các phương tiện truyền thông trên giấy (tạp chí, báo in) và phương tiện điện tử truyền thống như truyền hình, phát thanh, thông tin chủ yếu là một chiều, chưa có sự tương tác với công chúng cũng như thời gian truyền tải chậm. Mạng xã hội giúp cho việc tiếp cận thông tin nhanh chóng và không còn đơn điệu như trước. Thay vào đó, tất cả mọi người sử dụng mạng xã hội đều có thể tham gia tương tác, chia sẻ thông tin, tạo ra môi trường thông tin đa chiều với nhiều nội dung khác nhau.
Ứng dụng mạng xã hội trong truyền thông chính sách bảo hiểm tiền gửi
Tại Việt Nam, truyền thông chính sách BHTG đóng vai trò quan trọng, không chỉ giúp chính sách BHTG đi vào cuộc sống, tổ chức BHTG xây dựng hình ảnh với cộng đồng mà còn giúp tăng cường niềm tin của công chúng đối với hệ thống tài chính - ngân hàng và góp phần vào sự phát triển ổn định của kinh tế - xã hội.
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 45% và đến năm 2030 có 55% người gửi tiền nắm bắt được các nội dung cốt lõi của chính sách BHTG, trong thời gian tới, BHTGVN cần tích cực đẩy mạnh hoạt động truyền thông để gia tăng mức độ nhận thức của người gửi tiền về chính sách BHTG.
Ứng dụng mạng xã hội trong truyền thông chính sách BHTG là một hoạt động cần được thúc đẩy với nhiều lợi ích thiết thực cho tổ chức BHTG. Tuy nhiên, để ứng dụng các lợi thế, tiện ích và phát huy các mặt tích cực của mạng xã hội, cần lựa chọn kênh phù hợp, tăng cường bảo mật thông tin, xây dựng đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp và có những bộ quy tắc cụ thể.
Trước hết, lựa chọn các kênh mạng xã hội phù hợp
Những hình thức đang phổ biến trên mạng xã hội hiện nay có thể ứng dụng trong truyền thông chính sách, như: livestream (phát trực tuyến trên mạng xã hội); quảng bá hướng đối tượng (phát các thông điệp cần tuyên truyền đến các nhóm đối tượng mong muốn); sáng tạo nội dung tuyên truyền phù hợp với thị hiếu và cách thức tiếp nhận thông tin của cộng đồng mạng (xây dựng và phát các video clip, hình ảnh hoặc nội dung tuyên truyền trên Facebook, Youtube, TikTok); sử dụng người có sức ảnh hưởng (KOLs) để định hướng dư luận,….
Với tính đại trà và dễ sử dụng, Facebook, Youtube và Zalo là những nền tảng mạng xã hội được nhiều cơ quan lựa chọn như kênh giao tiếp, kết nối chủ đạo trong đơn vị của mình. Tuy nhiên, mỗi mạng xã hội lại có lợi thế và phương thức hoạt động khác nhau. Vì vậy, cần dựa vào điều kiện, nhu cầu, mục đích, đối tượng công chúng mục tiêu của đơn vị để lựa chọn mạng xã hội cho hoạt động truyền thông một cách phù hợp.
Thứ hai, xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, phụ trách sản xuất nội dung riêng cho mạng xã hội
Để sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả, cần xây dựng và đào tạo đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, giỏi kỹ năng sử dụng mạng xã hội như một kênh truyền thông chính thức. Nhóm nhân sự này sẽ triển khai và duy trì các nền tảng mạng xã hội phù hợp với đơn vị và đối tượng công chúng mục tiêu.
Cùng với đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, cần thường xuyên phát triển các nội dung riêng cho mạng xã hội, thay vì chỉ đăng lại các tin tức trên website hoặc chia sẻ đường link từ báo chí. Để hoạt động truyền thông chính sách trên mạng xã hội hiệu quả, cần bám sát các yếu tố sau:
Thứ ba, xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội
Mỗi nhân viên chính là một chủ thể truyền thông chính sách trên mạng xã hội. Do đó, cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội phù hợp với tính chất thông tin của đơn vị. Đồng thời, bộ quy tắc ứng xử giúp cán bộ nhân viên xác định và lường trước được những vấn đề có thể nảy sinh trong quá trình sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, có những phát ngôn phù hợp, thúc đẩy sự tham gia tích cực của họ vào hoạt động truyền thông chính sách.
Cuối cùng, tăng cường bảo mật thông tin
Truyền thông xã hội có sức hấp dẫn và lan toả mạnh, tuy nhiên rất cần sự chuẩn bị tốt và quản lý chặt chẽ để tránh các rủi ro truyền thông. Về mặt kỹ thuật, cần làm chủ công nghệ, bảo mật đường truyền mạng, bảo mật cổng thông tin, trang thông tin điện tử; tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn, kiểm soát thông tin mạng tại đơn vị.
Tận dụng những ưu thế của mạng xã hội với tinh thần chủ động, sáng tạo, kịp thời chia sẻ thông tin chính sách hữu ích sẽ tạo nên sợi dây kết nối vững chắc giữa tổ chức BHTG với công chúng, củng cố niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống tài chính – ngân hàng, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động truyền thông chính sách BHTG, bắt kịp xu thế trong thời đại mới.