Chính sách kinh tế có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ tiết kiệm hoặc là thông qua tăng tiết kiệm khu vực công (tiết kiệm của Chính phủ) hoặc thông qua ban hành các biện pháp khuyến khích để thúc đẩy tiết kiệm tư nhân. Tiết kiệm khu vực công là chênh lệch giữa số thu của Chính phủ và chi tiêu của Chính phủ. Nếu chi vượt thu, Chính phủ sẽ bị thâm hụt ngân sách, có nghĩa là tiết kiệm của Chính phủ có giá trị âm. Những chính sách làm giảm thâm hụt (như giảm mua sắm của Chính phủ hay tăng thuế) làm tăng tiết kiệm khu vực công, trong khi những chính sách làm tăng thâm hụt ngân sách sẽ làm giảm tiết kiệm công. Có nhiều chính sách của chính phủ ảnh hưởng đến tiết kiệm tư nhân. Quyết định tiết kiệm của một hộ gia đình có thể phụ thuộc vào sinh lợi từ tiết kiệm; sinh lợi từ tiết kiệm càng cao, càng hấp dẫn tiết kiệm. Các biện pháp khuyến khích thuế như tài khoản hưu trí miễn thuế dành cho cá nhân, và ưu đãi thuế đầu tư dành cho các công ty giúp tăng sinh lợi từ tiết kiệm và khuyến khích tiết kiệm tư nhân.
Thúc đẩy phát triển khu vực tài chính nhằm phục vụ mục tiêu thúc đẩy sự phát triển kinh tế và việc làm thì nhu cầu về vốn là rất lớn. Sự phát triển khu vực tài chính căn bản (các nước phát triển) so với chính sách phát triển khu vực tài chính trong trường hợp cần phải đáp ứng mục tiêu tăng trưởng và việc làm của chính phủ hay yêu cầu tài trợ thâm hụt ngân sách (các nước đang phát triển) là rất khác nhau. Vì vậy, ở mỗi quốc gia các giải pháp để giải quyết nhu cầu phát triển khu vực tài chính cũng khác nhau. Tại Indonesia trong bối cảnh nhu cầu nguồn vốn cho đầu tư cao, đã tìm ra phương pháp tối ưu để tập trung và huy động vốn tiền gửi tiết kiệm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Sáng kiến và chính sách của chính phủ để thu hút tiền gửi tiết kiệm, đặc biệt là tiết kiệm dài hạn để phát triển kinh tế nhanh và bền vững hơn. Đẩy mạnh hoạt động của các chương trình Quỹ hưu trí tư nhân. Hoạt động của chương trình Quỹ hưu trí tư nhân sẽ làm tăng vốn tiết kiệm và đóng vai trò như một trung gian tài chính hiệu quả trong đầu tư. Vai trò mới của BPJS (Công ty quản lý nhà cung cấp an sinh xã hội theo Luật BPJS) tại Indonesia trong việc huy động vốn tiết kiệm và những đóng góp của nó đến sự phát triển của hệ thống tài chính. Nghiên cứu vai trò của nguồn vốn bằng nội tệ trong việc đảm bảo nhu cầu nguồn vốn dài hạn cần nghiên cứu kỹ các thị trường đang phát triển, chi phí và lợi ích từ giảm thiểu rủi ro tỉ giá hối đoái, phát triển cách tiếp cận vốn tập trung và làm rõ các thách thức tác động đến nguồn vốn dài hạn bằng đồng nội tệ.
Những nhân tố có thể tác động đến việc huy động vốn tiền gửi tiết kiệm:
+ Ở các nước đang phát triển mặc dù GDP cũng như thu nhập bình quân/ đầu người là rất thấp, nhưng nhu cầu đầu tư cho phát triển luôn ở mức cao. Chính vì vậy, cần phải tăng tỷ trọng đầu tư để đẩy nhanh và duy trì tăng trưởng kinh tế.
+ Nhu cầu cung cấp một nguồn tài chính dài hạn, hiệu quả và có sẵn cần thiết để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho cả khu vực công và khu vực tư là rất lớn, khiến lãi suất tiết kiệm dài hạn có thể tăng cao, điều này có thể khuyến khích người gửi tiền, nhưng lại không khuyến khích người vay tiền.
+ Suy thoái kinh tế khu vực và quốc tế, sản xuất tăng trưởng thấp và lạm phát thấp cho cơ hội để giảm lãi suất, cải thiện dịch vụ và thúc đẩy hòa nhập tài chính, làm cho nguồn vốn dư thừa tạo điều kiện cho các nước đang phát triển có thể huy động được.
+ Huy động tiết kiệm cá nhân phụ thuộc vào các yếu tố trong và ngoài nước. Tiềm năng kinh tế của quốc gia, các chính sách kinh tế vĩ mô ổn định, nâng cao hiểu biết về tài chính, quy định về cạnh tranh, quản trị và điều hành chính sách tiền tệ hiệu quả... là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến huy động tiết kiệm để hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển kinh tế.
+ Ngành tài chính, đặc biệt là các ngân hàng cần phát triển dịch vụ dựa trên việc hoạt động và áp dụng tài chính, công nghệ cao; đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng; đa dạng hóa các loại hình sản phẩm huy động vốn, nhưng không chạy đua để làm tăng lãi suất.
+ Các tổ chức tài chính phi ngân hàng cần được tái cơ cấu, cần giới thiệu nhiều sản phẩm, ưu đãi và các quy định tự do hơn để đáp ứng nhu cầu tài chính lâu dài cho sự phát triển các dự án cơ sở hạ tầng, đặc biệt cho vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Tiền gửi tiết kiệm có vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế, nên nhiều nước đang phát triển đã thành lập ra một bộ phận (có thể nằm tại NHTW hoặc bộ tài chính) để theo dõi, ban hành hoặc phối hợp đề suất các chính sách, đảm bảo thu hút tiền gửi tiết kiệm đạt hiệu quả./.