VAI TRÒ CỦA TỔ CHỨC BHTG TRƯỚC KHI XẢY RA ĐỔ VỠ NGÂN HÀNG
Với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, vai trò quan trọng nhất của tổ chức BHTG là thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để ngăn đến mức tối đa các vụ đổ vỡ ngân hàng. Sau đây là những biện pháp chính:
Vai trò giám sát, cảnh báo sớm
Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt trên thị trường tài chính quốc tế, bên cạnh những cơ hội, các ngân hàng luôn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Họ không những phải cạnh tranh với nhau mà còn phải cạnh tranh với các ngân hàng quốc tế. Chắc chắn cuộc đua để tăng vốn, thu hút chất xám, đa dạng hóa sản phẩm, tăng đầu tư mạo hiểm ở trong nước và trên thị trường tài chính quốc tế sẽ dẫn đến các mức độ rủi ro khác nhau giữa các ngân hàng. Nhiệm vụ hàng đầu và quan trọng nhất của tổ chức BHTG là giám sát thường xuyên, phát hiện và cảnh báo sớm khi các ngân hàng đi “chệch đường ray” của các quy định an toàn, không để các sai sót, sai phạm của các ngân hàng tích tụ tới mức không thể sửa chữa được nữa.
Nước Mỹ tuy hiện đại nhưng không có một cơ quan giám sát tài chính thống nhất tầm quốc gia, việc giám sát được “chia chác rải rác” cho FED, cơ quan giám sát tiết kiệm (OCC), Ủy ban chứng khoán quốc gia, FDIC. Những cơ quan này một mặt vừa tranh giành quyền lực, mặt khác lại sao nhãng và bỏ sót những việc cần phải giám sát chặt chẽ vì ranh giới phân công không rõ ràng. Chính vì thế, việc cho vay dưới chuẩn bất chấp mọi quy định an toàn diễn ra trong nhiều năm liên tục mà không hề bị bất kỳ ai trong số các cơ quan giám sát nói trên tuýt còi. Những sản phẩm độc hại của cho vay dưới chuẩn tại Mỹ đã được đóng gói trong các “kiện hàng chứng khoán hóa” và phát tán khắp thế giới, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, và sau đó là khủng hoảng kinh tế toàn cầu rất thê thảm như chúng ta đã và đang chứng kiến.
Xây dựng cơ sở pháp lý cho hoạt động tiếp nhận xử lý
Tiếp nhận, xử lý các ngân hàng đổ vỡ là một nghiệp vụ phức tạp và hết sức khó khăn. Tổ chức BHTG phải phối hợp với các cơ quan hữu quan để xây dựng và đưa các quy định về tiếp nhận xử lý vào các bộ luật hữu quan. Xây dựng và đảm bảo sự thống nhất giữa Luật BHTG, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Ngân hàng Trung ương, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Phá sản, Luật Giám sát an toàn hoạt động ngân hàng để khẳng định vị thế và những nhiệm vụ cơ bản của tổ chức BHTG:
- Là cơ quan duy nhất của nhà nước cung cấp các dịch vụ về BHTG cho người gửi tiền nhằm bảo vệ họ khi tổ chức nhận tiền gửi đổ vỡ;
- Là thành viên của hệ thống giám sát hợp nhất và là cơ quan kiểm soát cao nhất đối với các tổ chức tham gia BHTG khi đã gặp phải các vấn đề liên quan đến an toàn tiền gửi của người gửi tiền;
- Tiếp nhận, xử lý tổ chức tham gia BHTG trên cơ sở tối thiểu hóa tổn thất.
Nhà nước đảm bảo các quyền cơ bản sau của tổ chức BHTG trong quá trình xử lý:
- Được áp dụng các chế tài;
- Được quyết định các hình thức xử lý, thanh lý theo nguyên tắc chi phí thấp nhất;
- Được yêu cầu bổ sung vốn thông qua phát hành trái phiếu hoặc đi vay có bảo lãnh của Chính phủ trong những trường hợp cần thiết;
- Được bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh quản lý, điều hành tổ chức đổ vỡ;
- Được điều tra, truy cứu trách nhiệm của những lãnh đạo gây ra đổ vỡ;
- Được xây dựng và ban hành các chính sách hợp lý, chuẩn mực cho hoạt động tiếp nhận, xử lý;
- Được yêu cầu Chính phủ, các tổ chức hỗ trợ vốn trong trường hợp cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ.
- Phân định rõ trách nhiệm và nguyên tắc hợp tác giữa tổ chức BHTG với các cơ quan tư pháp và các cơ quan trong hệ thống giám sát về trao đổi thông tin và phối hợp hành động.
Chủ động tham gia tái cấu trúc hệ thống tài chính
Kinh nghiệm nổi bật của hệ thống BHTG quốc tế là các tổ chức BHTG phải chủ động, tích cực tham gia vào quá trình tái cấu trúc hệ thống tài chính, tạo cơ sở vững chắc về mặt tài chính cho phát triển kinh tế bền vững, chứ không thụ động ngồi chờ các tổ chức tài chính đổ vỡ để tiếp nhận, xử lý.
BHTG Hàn Quốc đã có những thành công điển hình trong việc chủ động tham gia tái cấu trúc hệ thống tài chính. Tái cấu trúc tài chính do Chính phủ Hàn quốc lãnh đạo diễn ra kể từ cuộc khủng hoảng tài chính vào cuối năm 1997 theo hai giai đoạn:
Giai đoạn đầu tiên là thực hiện tái cấu trúc ngành tài chính sau cuộc khủng hoảng tài chính, nhấn mạnh vào việc giảm bớt những vuớng mắc về tín dụng thuộc lĩnh vực doanh nghiệp và khôi phục hệ thống tài chính. Giai đoạn này đã thành công trong việc giảm rủi ro hệ thống thông qua việc xử lý các tổ chức tài chính khó có khả năng tồn tại và đầu tư vốn công vào các tổ chức có khả năng tồn tại, đồng thời khôi phục các trung gian tài chính thông qua việc xử lý tình trạng mất khả năng thanh toán tích lũy.
Tháng 9 năm 2000, Chính phủ đã sử dụng quỹ công bổ sung trị giá 40 nghìn tỉ won và tiến hành giai đoạn hai của cải cách tài chính; đây là động thái tiếp theo việc sử dụng quỹ công trị giá 64 nghỉn tỉ won đã được thực hiện trong năm 1998.
Do kết quả của những nỗ lực về tái cấu trúc, 809 tổ chức tài chính, bao gồm các công ty cho thuê, đã bị giải thể. Số lượng này xấp xỉ khoảng 38,5% các tổ chức tài chính trên thế giới. Cuối năm 2003 chỉ còn 1.363 tổ chức tài chính còn duy trì hoạt động ở Hàn quốc. 15 trong số 33 ngân hàng đã phải trải qua quá trình xử lý vào cuối năm 1997 thông qua việc thu hồi giấy phép hoặc sáp nhập. 29 ngân hàng kinh doanh, chiếm 96,7% trong tổng số, rút khỏi thị trường cuối năm 1997, chỉ để lại một ngân hàng, trong khi đó chỉ có một ngân hàng thương mại bước vào thị trường vào thời kì đó.
Xây dựng Quỹ BHTG với quy mô theo thông lệ quốc tế
Khủng hoảng tài chính khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 1997-1998 đã làm cho gần 500 trăm ngân hàng và tổ chức tài chính của Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonisia… phá sản. Sau những vụ đổ vỡ và phá sản như vậy, các nhà nước đã phải chi những khoản tiền khổng lồ từ ngân sách để đền bù cho người gửi tiền. Các quốc gia nhận thấy phải xây dựng một Quỹ BHTG để sẵn sàng ứng phó theo cơ chế thị trường đối với những rủi ro có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Đặc biệt khi xảy ra khủng hoảng hệ thống, các tổ chức BHTG phải có quyền sử dụng những hạn mức vốn lớn để sẵn sàng chủ động chi trả cho người gửi tiền.
Quy mô Quỹ BHTG (Target Fund) là số tiền mà tổ chức BHTG có thể sử dụng để chi trả cho người gửi tiền trong trường hợp tổ chức nhận tiền gửi mất khả năng thanh toán và tài sản của họ không đủ để thực hiện các nghĩa vụ nợ của mình. Mức thâm hụt do chi trả tiền gửi được bảo hiểm là phần thiếu hụt mà tổ chức BHTG phải gánh chịu trên cơ sở so sánh giữa số tiền chi trả cho người gửi tiền và số tiền thu hồi qua thanh lý tài sản của tổ chức hội viên, tất cả được quy đổi về giá trị hiện tại và thường được thể hiện bằng tỷ lệ % so với số dư tiền gửi được bảo hiểm. Theo thông lệ quốc tế do Hiệp hội BHTG quốc tế công bố thì quy mô của Quỹ BHTG vào khoảng 3-5% tổng số tiền gửi được bảo hiểm
VAI TRÒ CỦA TỔ CHỨC BHTG TRONG VIỆC XỬ LÝ NGÂN HÀNG ĐỔ VỠ
Khi đã xảy ra đổ vỡ ngân hàng, tổ chức BHTG thực hiện chức năng như sau:
Triển khai các phương thức tiếp nhận xử lý
Hỗ trợ tài chính
Tổ chức BHTG có thể hỗ trợ thông qua các hình thức cho vay, bảo lãnh, mua lại tài sản, mua cố phần, gửi tiền có mục đích, hỗ trợ chia sẻ lỗ hoặc các hình thức khác. Phương thức này được sử dụng khi việc đóng cửa ngân hàng có thể gây ảnh hướng nghiêm trọng đến ổn định hệ thống hoặc ảnh hướng đến việc cung cấp dịch vụ ngân hàng ở khu vực tổ chức đổ vỡ hoạt động;
Xử lý thông qua Ngân hàng Bắc cầu
Ngân hàng Bắc cầu được sử dụng trong trường hợp một ngân hàng bị đổ vỡ, nhưng nếu tiến hành giải thể hoặc cho phá sản sẽ gây những chấn động tiêu cực đối với hệ thống tài chính và đối với niềm tin của công chúng, nên nó được cơ quan có thẩm quyền quyết định hỗ trợ (về tài chính và nhân sự) để tìm một tổ chức tài chính lành mạnh đứng ra tiếp nhận, mua lại ngân hàng này. Trong khi chưa có tổ chức nào đồng ý tiếp nhận, thì tổ chức BHTG thành lập một Ngân hàng Bắc cầu để tạm thời tiếp nhận, duy trì hoạt động kinh doanh của ngân hàng đổ vỡ cho đến khi đưa ra được giải pháp xử lý cuối cùng.
Chi trả bảo hiểm trực tiếp
Phương thức này được sử dụng nếu có chi phí thấp nhất hoặc được đánh giá cao hơn các phương thức xử lý khác về sự ảnh hưởng đến quỹ BHTG và ổn định hệ thống tài chính. Việc chi trả kịp thời cho người gửi tiền giúp ngăn chặn phản ứng đổ vỡ dây chuyền.
Thực hiện đúng, đủ 6 nguyên tắc tiếp nhận, xử lý
(i) Chi phí thấp nhất
Chọn phương án có chi phí thấp nhất nhằm hạn chế tổn thất đối với Quỹ BHTG. Tuy nhiên khi xử lý khủng hoảng hệ thống, có thể phải áp dụng chế độ bảo hiểm toàn phần và sử dụng nhiều tiền để nhanh chóng tháo ngòi bất ổn định, giải tỏa các điểm nóng, do vậy chưa thể thực hiện nguyên tắc chi phí thấp nhất.
(ii) Nhanh nhất
Xử lý với thời gian nhanh nhất nhằm trấn an dư luận, không để xảy ra hiệu ứng tiêu cực đối với hệ thống.
(iii) Thu hồi tài sản với giá trị cao nhất: Để bù đắp cho Quỹ BHTG.
(iv) Hiệu quả
Kết hợp giữa phục hồi năng lực tài chính và quản trị ngân hàng với các biện pháp giám sát để đạt hiệu quả cao: tổ chức sau phục hồi tránh được nguy cơ tái yếu kém, có khả năng phát triển bền vững, góp phần tăng cường sức mạnh cho hệ thống tài chính.
(v) Chia sẻ thiệt hại công bằng
Mọi tổn thất đối với Quỹ BHTG do tổ chức mất khả năng thanh toán gây ra phải được chia sẻ công bằng cho các bên liên quan.
(vi) Hài lòng
Thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ trên cơ sở kế hoạch chủ động của tổ chức BHTG, phục vụ tốt các tổ chức tham gia BHTG, tăng niềm tin đối với công chúng, từ đó tạo ra sự hài lòng.
Kết luận
Trên đây là những kinh nghiệm và thông lệ quốc tế về vai trò của tổ chức BHTG trong việc phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các ngân hàng đổ vỡ. Đây là những kinh nghiệm và thông lệ mà các cơ quan hữu quan trong hệ thống tài chính của Việt Nam có thể tham khảo trong hoạch định chính sách và trong tác nghiệp khi có đổ vỡ ngân hàng riêng lẻ hoặc xảy ra khủng hoảng hệ thống.