Vay từng lần hiện là phương thức phổ biến nhất, tuy nhiên khách hàng cần thỏa thuận rõ ràng với ngân hàng để tránh bị phạt trước hạn hoặc những khoản phí khác.
Anh Thanh Tâm, Trưởng phòng của một công ty viễn thông tại quận 10, TP HCM đang có nhu cầu vay 300 triệu đồng trong khoảng một năm để sửa chữa nhà cửa. Anh hỏi thăm các ngân hàng và được nhân viên một nhà băng tư vấn nếu vay theo cách thông thường (giải ngân một lần) và thế chấp bằng chính căn nhà của mình thì được áp dụng mức lãi suất 7,7% cho hai năm đầu, nhưng với điều kiện phải vay tối thiểu ba năm. "Trường hợp tôi trả nợ trước hạn bị phạt tới 4% trên số tiền trả trước hạn", anh cho biết.
Anh Tâm chỉ muốn vay trong một năm, nhân viên ngân hàng tư vấn có thể vay theo hình thức thấu chi qua lương hoặc là vay theo hạn mức. Khi đó, anh không bị ràng buộc thời gian trả nợ và không sợ bị phạt trả trước hạn. "Tuy nhiên, hình thức này lãi suất cao hơn vài phần trăm nên cũng đắn đo không biết nên vay theo cách nào là có lợi nhất", anh nói.
Câu chuyện trên của anh Tâm không phải là trường hợp cá biệt, hiện nay khi lãi suất thị trường đang ở mức tương đối thấp thì nhu cầu vay vốn để mua nhà, sửa chữa nhà hoặc tiêu dùng là rất cao. Tuy nhiên, hiện ngân hàng có nhiều cách thức cho vay nhưng không phải ai cũng am hiểu để lựa chọn cho mình phương thức vay phù hợp.
Trao đổi với PV về vấn đề này, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết hiện nay các ngân hàng cho vay với cá nhân chủ yếu có các phương thức như: vay từng lần, vay theo hạn mức, vay thấu chi và vay qua thẻ tín dụng.
Với phương thức cho vay từng lần, tức mỗi lần vay vốn, khách hàng và tổ chức tín dụng thực hiện thủ tục vay và ký hợp đồng tín dụng. Đây là cách thức cho vay khá phổ biến hiện nay vì thời gian cho vay khá dài, lãi suất mềm, số vốn lại linh hoạt có thể đáp ứng nhu cầu từ vài chục triệu tới vài tỷ.
Ngoài phương thức cho vay từng lần thì hiện nay cũng có các cách thức cho vay theo hạn mức tín dụng (cũng dựa trên tài sản thế chấp) là cho vay bằng cách ngân hàng xác định cho khách hàng của mình một hạn mức tín dụng trong khoảng thời gian nhất định. Trong phạm vi hạn mức tín dụng, thời hạn hiệu lực của hạn mức tín dụng, mỗi lần rút vốn vay khách hàng và ngân hàng lập giấy nhận nợ kèm theo các chứng từ phù hợp với mục đích sử dụng vốn trong hợp đồng tín dụng, đảm bảo dư nợ không vượt quá hạn mức tín dụng đã ký kết. Đồng thời, khi nào khách có tiền thì nộp vào và ngân hàng chỉ tính lãi trên số dư nợ thực tế phát sinh. Do đó, khách hàng không sợ bị phạt trả nợ trước hạn.
Tuy nhiên, phương thức cho vay này hiện nay chủ yếu áp dụng cho khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn (thường xuyên) với ngân hàng, khách hàng có vòng quay vốn lưu động cao, còn khách hàng cá nhân rất ít phát sinh cách vay này vì lãi suất sẽ cao hơn so với cho vay từng lần thông thường. Thủ tục lại rắc rối hơn.
Song song với hai phương thức cho vay trên thì khách hàng còn có thể tiếp cận vốn ngân hàng qua việc thấu chi tài khoản và vay qua thẻ tín dụng. Với phương thức thấu chi, đa phần ngân hàng chỉ áp dụng cho những khách hàng có tài khoản trả lương qua ngân hàng. Khi đó, khách sẽ được ngân hàng chi vượt quá số tiền có trên tài khoản thanh toán của khách hàng (thường ngân hàng cho chi vượt tối đa 8-12 tháng lương).
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, cách thức này chỉ phù hợp với nhu cầu cần nguồn vốn nhỏ một vài trăm triệu đồng và trong thời gian vay ngắn không quá một năm. Ngoài ra, lãi suất thấu chi thường cao hơn cho vay thông thường và khách hàng phải là người có tài khoản chi lương qua ngân hàng nên cũng phần nào hạn chế về đối tượng. Cách thức này hiện được công nhân các công ty, hoặc nhân viên văn phòng sử dụng nhiều nhất vì nó phù hợp với nhu cầu cần ứng trước lương để chi tiêu hoặc mua sắm.
Riêng với phương thức vay qua thẻ tín dụng, thông thường khách hàng được rút tiền mặt không vượt quá 50% hạn mức tín dụng của thẻ được cấp. Nhưng cách thức này chỉ sử dụng khi cần nguồn tiền gấp và với số lượng nhỏ. Các chuyên gia cũng khuyến cáo nên hạn chế tối đa việc rút tiền mặt qua thẻ tín dụng vì lãi suất thường bị tính khá cao, gấp mấy lần so với vay thông thường.
Với những phân tích trên, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tùy từng điều kiện và nhu cầu vay mà mỗi người cân nhắc lựa chọn cho mình cách thức phù hợp nhất. Trong trường hợp của anh Thành Tâm, vì anh có nhu cầu vay ngắn hạn chỉ một năm, với số tiền tầm 300 triệu đồng, nếu thu nhập hàng tháng của anh cao, có trả lương qua ngân hàng và nhà băng này có thể cho thấu chi bằng số tiền anh cần thì có thể lựa chọn phương thức thấu chi qua lương.
Bởi cách thức này giúp anh Tâm linh hoạt trong vấn đề trả nợ (anh chỉ cần vay trong một năm), không sợ bị phạt trước hạn, không bắt buộc phải có tài sản thế chấp và lãi suất vay loại hình này hiện cũng không quá chênh lệch so với vay thông thường (vay từng lần).
Trường hợp ngân hàng không thể thấu chi cho anh đủ mức 300 triệu này thì phương án hai là nên vay từng lần. Đây là cách thức vay phổ biến hiện nay, có thể đáp ứng nhu cầu vốn từ ít tới nhiều, lãi suất lại mềm nhất. Tuy nhiên, khi vay hình thức này, anh Tâm cần trao đổi và thỏa thuận trước với nhân viên ngân hàng về các khoản phạt hoặc phí phát sinh (nếu có) khi anh trả trước hạn, đồng thời yêu cầu ghi rõ vào trong hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng để tránh sự nhập nhằng về sau.
Như trước đây, trường hợp của chị Tuyền ở TP HCM, khi vay 2,8 tỷ đồng tại một ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối, thời hạn vay gần 9 năm với lãi suất ưu đãi, sau 5 tháng chị Tuyền cần bán gấp căn nhà là tài sản thế chấp nên xin tất toán trước hạn. Ngân hàng thông báo phạt 248 triệu đồng (tương đương gần 9% dư nợ gốc).
Ngoài khoản phí trên, chị Tuyền còn phải trả lại phần chênh lệch do ưu đãi lãi suất, tương đương gần 38 triệu đồng, nâng tổng số tiền cần phải thanh toán cho việc trả nợ trước hạn của chị lên gần 286 triệu đồng. Điều này khiến chị Tuyền khá bức xúc.
Chia sẻ về những trường hợp này, một cán bộ ngân hàng cho rằng, thông thường khi cho vay theo hình thức từng lần, các nhà băng đều không cho khách hàng tất toán hợp đồng trong năm đầu tiên kể từ ngày giải ngân. "Có chăng thì chỉ trả một phần nợ gốc, bất đắc dĩ khách phải tất toán hợp đồng thì hai bên cần có sự thỏa thuận riêng", vị này cho biết.
Từ năm thứ 2 trở đi, theo ông thì khách hàng có quyền tất toán lúc nào cũng được nhưng kèm theo khoản phí phạt trả trước hạn (cũng có ngân hàng miễn giảm cho khách). Tùy theo cách tính của mỗi ngân hàng và do sự thỏa thuận với khách hàng mà mức phí này sẽ rất khác nhau. "Do đó, khi vay hình thức này, khách hàng cần yêu cầu nhân viên ngân hàng làm rõ trong phụ lục hợp đồng những khoản phí, phạt (nếu có) khi trả trước hạn để tránh rủi ro.