Hệ thống BHTG đầu tiên trên thế giới được thành lập tại Mỹ năm 1930 trong cuộc Đại suy thoái 1929 -1931 đã đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển cơ chế BHTG trên thế giới. Cho đến nay, đã có khoảng 160 tổ chức BHTG chính thức được thành lập tại 146 quốc gia và vùng lãnh thổ (một số quốc gia có nhiều hơn 1 tổ chức BHTG)[1]. Năm 2022, cuộc đại suy thoái lại một lần nữa được nhắc tới trong giải Nobel Kinh tế năm 2022 được trao cho ba đồng tác giả người Mỹ là Ben Bernanke, Douglas Diamond và Philip Dybvig nhờ những nghiên cứu về khủng hoảng kinh tế và tài chính ngân hàng. Đặc biệt, trong nghiên cứu của các tác giả, vai trò của cơ chế BHTG chính thức do chính phủ thành lập được khẳng định là có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn và giảm nguy cơ rút tiền hàng loạt dẫn đến khủng hoảng ngân hàng. Vai trò này được khẳng định là nhờ những nỗ lực liên tục của hệ thống BHTG các nước trong góp phần duy trì niềm tin của công chúng, đảm bảo an toàn và ổn định hệ thống tài chính ngân hàng của các quốc gia.
Tại Việt Nam, BHTGVN là tổ chức BHTG duy nhất được thành lập theo Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg ngày 09/11/1999 của Thủ tướng Chính phủ. Hoạt động của BHTGVN không vì mục tiêu lợi nhuận mà nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tham gia BHTG và sự phát triển an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng. Trong hơn 20 năm hoạt động, BHTGVN luôn tích cực triển khai các hoạt động nghiệp vụ BHTG, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ngày 30/12/2022, Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Chiến lược phát triển BHTG) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1660/QĐ-TTg đã nâng cao vai trò của BHTGVN. Đây là dấu mốc quan trọng xác định định hướng trong tương lai cho hệ thống BHTG tại Việt Nam. Những định hướng và mục tiêu được xác định trong Chiến lược phát triển BHTG khẳng định vai trò của tổ chức BHTG trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, đồng thời khẳng định định hướng phát triển hệ thống BHTG tại Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.
Mục tiêu tổng quát cho sự phát triển của hệ thống BHTG tại Việt Nam đó là:“Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần tích cực duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động BHTG bao gồm chứng nhận tham gia BHTG, thông tin báo cáo, giám sát, kiểm tra, tham gia kiểm soát đặc biệt, phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia BHTG; tham gia tái cơ cấu có hiệu quả đối với các tổ chức tham gia BHTG yếu kém; tính và thu phí BHTG, quản lý nguồn vốn và đầu tư, tuyên truyền chính sách BHTG, chi trả BHTG theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật Việt Nam.
Tăng cường năng lực tài chính của tổ chức BHTG để khẳng định cam kết của Nhà nước và nâng cao niềm tin của người gửi tiền đối với chính sách BHTG.”
Những mục tiêu lớn được xác định trong Chiến lược phát triển BHTG có thể kể đến là tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm, rút ngắn thời gian chi trả tiền bảo hiểm thực tế, nâng cao hiểu biết của người dân về chính sách BHTG, nâng cao vai trò của BHTG trong giám sát, kiểm tra, phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi cũng như xử lý tổ chức tín dụng yếu kém.
Về hạn mức trả tiền bảo hiểm, theo khuyến nghị của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI), hạn mức BHTG nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo hiểm cho phần lớn người gửi tiền (bảo vệ toàn bộ 90-95% người gửi tiền). Tuy nhiên, nếu hạn mức BHTG quá cao sẽ làm xói mòn kỉ luật thị trường gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính, bởi khi đó người gửi tiền không quan tâm đến rủi ro, chọn ngân hàng lãi suất cao nhất để gửi tiền. Từ tháng 12/2021, hạn mức trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng, theo đó tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm đạt 90,72% tính theo thời điểm điều chỉnh hạn mức. Để đảm bảo luôn bảo vệ tốt nhất quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, Chiến lược phát triển BHTG đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm đạt 92 - 95%, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bên cạnh chính sách về hạn mức BHTG, chi trả BHTG được coi là nghiệp vụ quan trọng nhất nhằm duy trì niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng và ổn định tài chính. Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả xác định hệ thống BHTG cần thực hiện việc chi trả kịp thời cho người gửi tiền để góp phần ổn định tài chính. Cũng theo Bộ nguyên tắc, tổ chức BHTG cần hướng đến mục tiêu chi trả phần lớn người gửi tiền được bảo hiểm trong vòng 7 ngày làm việc. Nếu chưa đạt được mục tiêu này, tổ chức BHTG cần có kế hoạch đáng tin cậy để đạt được mục tiêu đó. Đây là một trong những mục tiêu mang tính thách thức lớn đối với bất kỳ tổ chức BHTG nào trên thế giới. Thời hạn trả tiền bảo hiểm phụ thuộc rất lớn vào năng lực tài chính, khả năng tiếp cận thông tin và năng lực công nghệ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế. Theo quy định tại Luật BHTG, hiện nay, thời hạn chi trả tiền BHTG là 60 ngày kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm. Xuất phát từ các điều kiện thực tiễn và năng lực hiện tại, Chiến lược phát triển BHTG đưa ra mục tiêu phấn đấu rút ngắn thời gian chi trả thực tế kể từ khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm xuống 30 ngày làm việc vào năm 2025 và 15 ngày làm việc vào năm 2030 để tiến đến tuân theo Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả.
Trong nhiều nghiên cứu quốc tế, niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì ổn định, ngăn chặn tình trạng rút tiền hàng loạt và khủng hoảng ngân hàng. Để góp phần duy trì niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng, hiểu biết về BHTG luôn được BHTGVN chú trọng. Nhiều hoạt động tuyên truyền chính sách được BHTGVN triển khai trong nhiều năm qua đã nâng cao đáng kể hiểu biết của người dân về hệ thống BHTG. Nhằm xác định mục tiêu cụ thể đối với hoạt động tuyên truyền chính sách BHTG, Chiến lược phát triển BHTG đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 45% và đến năm 2030 có 55% người gửi tiền nắm bắt được các nội dung cốt lõi của chính sách BHTG.
Về nghiệp vụ BHTG, Chiến lược xác định mục tiêu nâng cao vai trò của BHTG trong giám sát, kiểm tra, cảnh báo sớm thông qua các giải pháp như hoàn thiện các phương pháp giám sát rủi ro và bộ chỉ tiêu giám sát, chú trọng phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia BHTG, để phù hợp với sự phát triển của thị trường và yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ. Đồng thời, BHTGVN sẽ ứng dụng các mô hình giám sát tiên tiến nhằm đảm bảo các tổ chức tham BHTG tuân thủ các quy định của pháp luật về tiền gửi được bảo hiểm, phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia BHTG nhằm bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích của người gửi tiền.
Đặc biệt, vai trò của tổ chức BHTG trong xử lý tổ chức tín dụng yếu kém không những được xác định trong Chiến lược phát triển BHTG mà còn được xác định trong Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, cụ thể Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đã xác định BHTGVN tham gia tái cơ cấu có hiệu quả đối với các tổ chức tín dụng yếu kém. Triển khai Chiến lược phát triển BHTG, BHTGVN sẽ phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong quá trình kiểm soát đặc biệt nhằm đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, triển khai chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các tổ chức tín dụng và xây dựng Đề án áp dụng bổ sung các biện pháp và hình thức xử lý tổ chức tham gia BHTG yếu kém theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tế tại Việt Nam.
Để đảm bảo hoàn thành những mục tiêu và nhiệm vụ được giao, việc đảm bảo năng lực tài chính và năng lực hoạt động của tổ chức BHTG đóng vai trò then chốt. Luật BHTG cho phép BHTGVN tiếp nhận hỗ trợ theo nguyên tắc có hoàn trả từ ngân sách nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc vay của tổ chức tín dụng, tổ chức khác có bảo lãnh của Chính phủ trong trường hợp nguồn vốn của tổ chức BHTG tạm thời không đủ để trả tiền bảo hiểm. Chiến lược xác định BHTGVN được phép vay từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong trường hợp nguồn vốn của tổ chức BHTG không đủ để trả tiền bảo hiểm. Đây là một bước tiến trong chính sách nhằm đảm bảo nguồn vốn trong trường hợp cần thiết và được đảm bảo nguồn trả nợ an toàn trong tương lai.
Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo năng lực tài chính của tổ chức BHTG, khẳng định cam kết của Nhà nước và nâng cao niềm tin của người gửi tiền đối với chính sách BHTG, đảm bảo nguồn lực triển khai hiệu quả hoạt động BHTG, Chiến lược phê duyệt chủ trương tăng vốn điều lệ cho tổ chức BHTG lên 10.000 tỷ đồng vào năm 2025 và lên 15.000 tỷ đồng vào năm 2030 từ nguồn tự tích lũy và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Đồng thời, để năng cao năng lực tài chính cho tổ chức BHTG nhằm thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao, Chiến lược cho phép tổ chức BHTG đa dạng hóa hình thức và danh mục đầu tư gồm: (i) Mua và bán trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh; (ii) Gửi tiền tại ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt; (iii) Mua và bán trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi do các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt phát hành và trong dài hạn, theo lộ trình cho phép BHTGVN mua, bán trái phiếu chính quyền địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công, các văn bản hướng dẫn và được xếp hạng tín nhiệm cao.
Chiến lược cũng xác định các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của BHTGVN thông qua việc hiện đại hóa công nghệ, hợp lý hóa và chuyển đổi số quy trình quản trị và điều hành, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển.
Như vậy, Chiến lược phát triển BHTG đã đưa ra mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể và các nhiệm vụ giải pháp cụ thể phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tế tại Việt Nam. Chiến lược phát triển BHTG được phê duyệt là bước ngoặt quan trọng giúp BHTGVN có định hướng phát triển rõ ràng trong tương lai, giúp BHTGVN đổi mới và phát triển, nâng cao vị thế, từ đó bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Phan Thị Thanh Bình – Phó Tổng giám đốc BHTGVN
[1][1] Nguồn: https://www.iadi.org/en/about-iadi/deposit-insurance-systems/dis-worldwide/