Theo đó, năm 2020 và 2021, thực hiện chỉ đạo của Tổng Giám đốc BHTGVN về việc triển khai thực hiện kiểm tra QTDND theo yêu cầu của Thống đốc NHNN, Chi nhánh đã triển khai kiểm tra một số QTDND, đối chiếu trực tiếp gần 700 sổ tiết kiệm với tổng số dư tiền gửi gần 300 tỷ đồng. Hoạt động này sẽ tiếp tục triển khai khi tình hình dịch bệnh Covid 19 được kiểm soát.
Cùng với công tác kiểm tra các QTDND, Chi nhánh đã trao đổi với Chi nhánh NHNN các tỉnh, Cấp ủy Chính quyền địa phương và Ban lãnh đạo QTDND để xây dựng phương án đối chiếu phù hợp với tình hình hoạt động của đơn vị được kiểm tra, đảm bảo giữ bí mật thông tin khách hàng theo đúng quy định tại Nghị định số 117/2018/NĐ-CP ngày 11/9/2018 của Chính phủ về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Công tác kiểm tra, đối chiếu sổ tiết kiệm được sắp xếp, lên lịch cụ thể, như: Thông báo danh sách người gửi tiền, mời người gửi tiền lên trụ sở của QTDND để đối chiếu, kết hợp với việc đối chiếu khi người gửi tiền đến giao dịch và thực hiện đến đối chiếu tại nhà theo yêu cầu của người gửi tiền, bố trí không gian và thời gian thích hợp, tránh gây ảnh hưởng đến người gửi tiền. Đoàn kiểm tra đã kiểm tra về số dư tiền gửi; về chữ ký khách hàng và chữ ký của cán bộ có liên quan; về các thông tin trên sổ tiết kiệm và thẻ lưu...Trong quá trình kiểm tra, đối chiếu, đoàn kiểm tra đã giải thích rõ mục đích của việc đối chiếu trực tiếp với khách hàng, nên người gửi tiền ít thắc mắc, hợp tác hỗ trợ cho công tác kiểm tra đối chiếu. Đồng thời, qua việc tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, Đoàn kiểm tra đã tranh thủ tuyên truyền một số nội dung cơ bản của chính sách BHTG tới người gửi tiền.
Để công tác kiểm tra, đối chiếu trực tiếp tiền gửi của khách hàng đạt được kết quả cao hơn, góp phần nâng cao vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, bài viết xin đề cập đến một số nội dung đề xuất:
Thứ nhất, thường xuyên cập nhật thông tin, theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19, nắm bắt kịp thời các đề xuất kiến nghị của đơn vị được kiểm tra, cũng như những vấn đề mới phát sinh của thực tiễn để kịp thời tham mưu cho các cấp lãnh đạo của BHTGVN.
Thứ hai, tăng cường đào tạo, tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ kiểm tra liên quan đến hoạt động huy động vốn đối với QTDND theo chỉ đạo của NHNN đáp ứng yêu cầu của BHTGVN. Đồng thời, đúc rút, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp xử lý và tình huống phát sinh trong thực tiễn kiểm tra đối chiếu trực tiếp số dư tiền gửi tại đơn vị được kiểm tra.
Thứ ba, từ thực tế triển khai công tác kiểm tra theo chỉ đạo của NHNN nhận thấy, cấp ủy chính quyền địa phương nơi QTDND được kiểm tra hoạt động có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, sự am hiểu của một số cán bộ địa phương về chính sách BHTG, do vậy BHTGVN cần tăng cường tuyên truyền tới các cấp lãnh đạo địa phương, nhằm giúp họ có kiến thức sâu rộng về BHTG để giải thích, trấn an người gửi tiền tại địa phương khi cần thiết.
Thứ tư, qua việc kiểm tra đối chiếu trực tiếp khách hàng gửi tiền cho thấy, người gửi tiền tại QTDND chưa được cung cấp nhiều thông tin về chính sách BHTG. Thiết nghĩ NHNN nên có chỉ đạo về cơ chế phối hợp giữa Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, BHTGVN, hệ thống QTDND trong việc in thông tin cần thiết về BHTG trên sổ tiết kiệm để người gửi tiền có thêm kênh thông tin quan trọng hiện hữu về chính sách BHTG.
Thứ năm, xây dựng triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế phối hợp giữa NHNN chi nhánh các tỉnh và Chi nhánh BHTGVN khu vực trong việc thực hiện kiểm tra theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN.
Thứ sáu, NHNN chi nhánh tỉnh tăng cường thanh tra, giám sát, kiểm tra việc quản lý, sử dụng sổ tiết kiệm trắng nhằm đảm bảo việc quản lý chặt chẽ, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật.
Thứ bảy, QTDND tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ và có đạo đức nghề nghiệp, tâm huyết với nghề; đẩy mạnh hoạt động của Ban kiểm soát, HĐQT, điều hành đơn vị ổn định, an toàn và phát triển bền vững.