Ông Mai Minh Đệ: Tài chính - ngân hàng là lĩnh vực vô cùng nhạy cảm, trong đó, người gửi tiền là đối tượng dễ “tổn thương” nhất trước mỗi biến động của thị trường tài chính. Đôi khi, chỉ cần một tin đồn thất thiệt có thể dẫn tới đổ vỡ một ngân hàng, thậm chí cả một hệ thống ngân hàng khi người gửi tiền ồ ạt rút tiền tại các tổ chức nhận tiền gửi. Mọi chuyện còn có thể đi xa hơn, đó là mất ổn định về kinh tế - xã hội. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới đây là một minh chứng cụ thể. Sau khủng hoảng, các quốc gia đều gia tăng các biện pháp giám sát chặt chẽ hoạt động tài chính, chẳng hạn Hoa Kỳ mới ban hành Luật Cải cách phố Wall v.v
Mặt khác, cần hiểu rằng những khoản tiền gửi của người dân không phải là những con số “lạnh lùng” mà đây là tiền tiết kiệm, có khi là những dự kiến, kế hoạch cả đời người. Chính vì thế, bảo vệ người gửi tiền không chỉ là biện pháp bảo đảm kinh tế thông thường mà còn có ý nghĩa an sinh xã hội rất lớn.
PV: Đằng sau thành công của các tổ chức tín dụng, sự phát triển sôi động của khu vực ngân hàng, người ta thấy vai trò không thể thiếu của một định chế tài chính “lặng lẽ” đồng hành cùng các tổ chức tín dụng là BHTGVN. Trong bối cảnh thị trường tài chính Việt Nam đang trải qua nhiều thăng trầm thời gian gần đây, vai trò đó của BHTGVN được thể hiện ra sao, thưa ông?
Ông Mai Minh Đệ: Chúng tôi được Chính phủ giao trọng trách bảo vệ người gửi tiền và góp phần cùng với các cơ quan chức năng duy trì an toàn hoạt động ngân hàng. Sự “bùng nổ” của hoạt động ngân hàng nói riêng và sự phát phát triển mạnh mẽ của thị trường tài chính Việt Nam nói chung, đặc biệt là những biến động của thị trường tài chính thế giới thời gian gần đây đã làm gia tăng rủi ro, đồng thời cũng tạo khoảng cách ngày càng lớn về rủi ro giữa các tổ chức tín dụng. Trong bối cảnh đó, BHTGVN luôn nỗ lực nâng cao chất lượng giám sát, ngoài các thông tin báo cáo từ tổ chức tham gia BHTG và tiếp nhận từ Ngân hàng Nhà nước, BHTGVN còn thu thập thông tin khách hàng từ Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC), các tổ chức định mức tín nhiệm và các nguồn thông tin khác làm cơ sở phân tích, đánh giá rủi ro khách hàng; cải tiến hệ thống giám sát theo thông lệ quốc tế phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. BHTGVN cũng đã chủ động nghiên cứu đa dạng hóa các sản phẩm nghiệp vụ theo hướng chú trọng dự báo, cảnh báo sớm. Cụ thể, chúng tôi đã nghiên cứu trình các cơ quan chức năng Đề án phí BHTG trên cơ sở rủi ro, Đề án tiếp nhận xử lý v.v...nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng trong hoạt động ngân hàng và tạo ra cơ chế chủ động phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro. Nói chung, sau hơn 10 năm hoạt động, BHTGVN khẳng định có đủ điều kiện và năng lực để ngày càng bảo vệ tốt hơn lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Với việc thực thi chính sách BHTG, tiền gửi của người dân được đảm bảo an toàn, hàng chục triệu người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng đang được BHTGVN thay mặt Chính phủ bảo vệ quyền lợi bằng các nghiệp vụ BHTG như chi trả tiền gửi khi tổ chức tín dụng giải thể, phá sản, giám sát từ xa, hỗ trợ tài chính, tiếp nhận xử lý...nhằm giảm thiểu rủi ro, duy trì sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng, phòng ngừa khủng hoảng. Nhờ đó, đã góp phần duy trì niềm tin của người gửi tiền - nhà đầu tư vào hệ thống ngân hàng nói riêng, thị trường tài chính nước ta nói chung.
PV: Thực tế cho thấy, hệ thống BHTG có tầm quan trọng ngày càng lớn trên thế giới, không chỉ trong điều kiện thị trường bình thường, đặc biệt là khi hệ thống tài chính toàn thế giới đang ở vào giai đoạn khó khăn nhất. Cảm nhận của ông về điều này như thế nào, thưa ông?
Ông Mai Minh Đệ: BHTG là lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam so với lịch sử gần trăm năm của nhiều quốc gia có hệ thống BHTG phát triển như Mỹ, Canada, Hàn Quốc...BHTG đã và đang là công cụ hữu hiệu được hầu hết Chính phủ các nước sử dụng để khôi phục niềm tin vào hệ thống ngân hàng. Thực tế đã cho thấy, nước nào có hệ thống BHTG hoạt động hiệu quả thì nước ấy nhanh chóng hồi phục và xu thế thành lập mới BHTG đang gia tăng. BHTGVN ý thức rất rõ và thấy trách nhiệm bảo vệ người gửi tiền, “sức khỏe” của hệ thống ngân hàng cần được coi trọng hơn bao giờ hết. Điều đó đồng nghĩa, bước sang giai đoạn phát triển mới, BHTGVN cần khống chế các nguy cơ tốt hơn, giảm thiểu rủi ro tốt hơn.
Công chúng, nhất là hơn 30 triệu người gửi tiền đang chờ đợi những đổi mới trong chính sách BHTG - cụ thể là cần sớm ban hành Luật BHTG - để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người gửi tiền và duy trì sự phát triển lành mạnh của thị trường tài chính. Chúng tôi hy vọng rằng, những xu thế BHTG tích cực, những thông lệ quốc tế tiên tiến về BHTG sẽ được tiếp thu và cụ thể hóa trong Luật BHTG để luật này nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng.
BHTGVN ý thức rõ trách nhiệm bảo vệ người gửi tiền và “sức khỏe” của hệ thống ngân hàng
PV: Bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính nói chung và người gửi tiền nói riêng đang là ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới. Lý do là gì, thưa ông?