Hoạt động trong những ngày giãn cách xã hội
Đầu tháng 5, dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Trong ngày 6/5, Bắc Ninh đã ghi nhận 11 ca, ngày 9/5 Bắc Giang ghi nhận 16 ca và các con số này liên tiếp tăng lên theo cấp số nhân. UBND các tỉnh đã nhanh chóng ban hành Quyết định về việc thiết lập vùng cách ly y tế, giãn cách xã hội trên một số địa bàn có nguy cơ lây nhiễm cao theo chỉ thị 06 của Thủ tướng. Trong tháng 5, do dịch bùng phát mạnh và diễn biến ngày càng phức tạp, tỉnh Bắc Giang quyết định giãn cách xã hội thêm các huyện là Lạng Giang, Lục Nam, Yên Dũng, Hiệp Hòa, Yên Thế; tỉnh Bắc Ninh đã quyết định giãn cách xã hội thành phố Bắc Ninh, huyện Yên phong, huyện Lương Tài, huyện Tiên Du, huyện Thuận Thành, huyện Quế Võ.
Là đơn vị cung cấp dịch vụ thiết yếu vẫn duy trì hoạt động trong khu vực giãn cách, theo ghi nhận tại các QTDND tại tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, các QTDND đã chủ động nắm bắt, cập nhật kịp thời thông tin chính thức về diễn biến mới của dịch Covid-19 và chỉ đạo của các cấp, các ngành, các địa phương để thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch; chủ động áp dụng các biện pháp ứng phó, bảo đảm hoạt động an toàn, thông suốt, không bị gián đoạn trong mọi trường hợp. Một loạt các biện pháp phòng chống dịch được đồng loạt thực hiện như phun thuốc khử khuẩn toàn bộ cơ quan; cán bộ và khách hàng đến giao dịch bắt buộc phải thực hiện nghiêm ngặt thông điệp 5K của Bộ Y tế,… Bên cạnh đó, các cán bộ tại các quỹ được phân công luân phiên làm việc tại cơ quan. Cán bộ làm việc tại nhà cũng phải tuân thủ theo đúng các cam kết về phòng chống dịch. Biện pháp luân phiên làm việc nhằmđảm bảo không ảnh hưởng đến công việc hàng ngày của đơn vị, đồng thời trong trường hợp xấu, cán bộ quỹ có thuộc diện phải cách ly, hoạt động của quỹ vẫn sẽ diễn ra bình thường, không làm gián đoạn dòng vốn cũng như đứt gãy các dịch vụ ngân hàng tại địa phương.
Ông Nguyễn Văn Quang – Chủ tịch HĐQT QTDND Tam Đa, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) chia sẻ từ vùng giãn cách xã hội: “Những ngày đầu giãn cách, mọi người trong cơ quan đều rất hoang mang và lo lắng. Nhưng chúng tôi luôn xác định mình là một trong những đơn vị quan trọng phục vụ người dân nên anh em trong đơn vị vẫn luôn cố gắng làm việc đảm bảo các hoạt động của Quỹ diễn ra bình thường”.
QTDND Tam Đa (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch
Trong khi đó, QTDND Bảo Sơn, huyện Lục Nam(Bắc Giang) đang hoạt động trong vùng cách ly xã hội, ông Dương Văn Tĩnh – Giám đốc QTDND Bảo Sơn cho biết:“Dù nằm trong điểm nóng của đại dịch, nhưng cán bộ của Quỹ chúng tôi luôn chủ động khắc phục khó khăn, duy trì các hoạt động thiết yếu để phục vụ bà con. Khi khách hàng có nhu cầu đột xuất, kể cả vào thứ bảy hay chủ nhật, chúng tôi vẫn sẵn sàng phục vụ kịp thời”.
“Tuy nhiên, vì địa bàn hoạt động đang cách ly xã hội nên một số nghiệp vụ như thẩm định hồ sơ vay, giao dịch đảm bảo không thể thực hiện, dẫn đến Quỹ không cho vay các khoản vay mới được.” – ông Tĩnh nói về những khó khăn trong vùng bị cách ly xã hội.
QTDND tiếp sức chống dịch và khôi phục sản xuất, kinh doanh
Đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng lớn đến toàn bộ đời sống xã hội và nền kinh tế. Ảnh hưởng của đại dịch không chỉ dừng lại ở tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà còn còn gây ra những tiêu cực xã hội như mất việc làm, giảm thu nhập... Nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ bị tạm dừng hoạt động hoặc phá sản, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các hộ kinh doanh gia đình. Trước bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm các khoản lãi vay. Đối với những khoản vay cũ, NHNN kêu gọi các TCTD thực hiện giảm lãi suất đối với các khoản dư nợ cũ và nhận được sự đồng tình của các tổ chức này. Cùng với đó, các ngân hàng cũng thực hiện giảm phí thanh toán, sẵn sàng nguồn vốn cho các doanh nghiệp có nhu cầu vay mới nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế trở lại.
Tính đến cuối tháng 5/2021, Bắc Giang buộc phải đóng cửa 4 khu công nghiệp với 322 doanh nghiệp, gần 150.000 lao động tạm ngừng việc, ước tính mỗi ngày giảm trên 2.000 tỷ đồng giá trị sản xuất công nghiệp. Bắc Ninh có hơn 400 doanh nghiệp phải dừng sản xuất với khoảng 65.000 lao động phải nghỉ làm. Trước những khó khăn được đánh giá chưa từng có, các TCTD nói chung hay các QTDND nói riêng càng thể hiện bản lĩnh và trách nhiệm của một tổ chức quan trọng trong mạng lưới tài chính quốc gia, chung tay cùng Chính phủ và cộng đồng ngăn chặn, đẩy lùi dịch, sớm đưa nhịp sống trở lại bình thường và thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước.
QTDND Tam Đa (Bắc Ninh) thời gian qua, đã ban hành nhiều cơ chế chính sách quan trọng liên quan đến việc tháo gỡ kháo khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 như: Bên cạnh việc đẩy mạnh truyền thông giúp các khách hàng nắm bắt thông tin về các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19, Quỹ đã triển khai các giải pháp về hỗ trợ lãi suất, phí, cơ cấu nợ. Đồng thời, QTDND Tam Đa áp dụng thêm một số phương thức hỗ trợ phù hợp với tình hình khách hàng như xem xét kéo dài thời hạn vay đối với các khoản vay mới để phù hợp với vòng quay vốn lưu động, hỗ trợ, hướng dẫn làm nhanh các thủ tục cho vay… Với sự hỗ trợ của Quỹ, nhiều hộ kinh doanh về dịch vụ nhỏ lẻ, buôn bán, chăn nuôi tại địa phương đã vượt qua khó khăn, tiếp tục giữ được nhịp độ sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Quang – Chủ tịch Hội đồng quản trị QTDND Tam Đachia sẻ, trong thời gian giãn cách xã hội, số lượng khách hàng đến giao dịch tại Quỹ đã giảm đáng kể, tuy nhiên tổng số tiền gửi lại tăng khá cao so với trước khi dịch bùng phát. Qua đó có thể thấy, người dân vẫn rất tin tưởng, an tâm khi gửi tiền vào Quỹ giữa đại dịch. Điều này cũng nhờ vai vô cùng trò quan trọng của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN).
“Quỹ đã được BHTGVN cấp Chứng nhận tham gia BHTG với cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại Quỹ. Qua đó, niềm tin của người dân đối với QTDND Tam Đa ngày càng được củng cố, giúp công tác huy động vốn ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, hoạt động kiểm tra, giám sát của BHTGVN là cách thức hữu hiệu hạn chế thấp nhất rủi ro trong hoạt động. Chấp hành tốt pháp luật về BHTG cũng chính là để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, duy trì hoạt động an toàn, lành mạnh của QTDND Tam Đa” – ông Quang nhấn mạnh.
QTDND Bảo Sơn (Bắc Giang) tuy chưa áp dụng những cơ chế hỗ trợ các hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, song thời gian qua cũng đã có nhiều đóng góp cho địa phương trong việc chống dịch bằng cách đóng góp kinh phí, tuyên truyền phòng chống dịch đối với khách hàng đến giao dịch.
Hiện nay, dịch bệnh Covid– 19 vẫn đang có nhiều diễn biến khó lường. Việc phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ mới cần nhiều sự nỗ lực vươn lên của chính doanh nghiệp, người dân và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Trên mỗi bước đường dù gian khó, ngành Ngân hàng luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, cá nhân để tháo gỡ khó khăn, vượt qua sóng gió ổn định sản xuất và kinh doanh. Trong bối cảnh ấy, người dân vẫn luôn đặt niềm tin vào hệ thống ngân hàng nói chung cũng như các QTDND nói riêng. Về phần mình, các QTDND đã và đang đáp ứng được niềm tin ấy bằng việc vững vàng hoạt động ngay cả trong tâm dịch./.