Theo đó, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại; hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng; hoạt động kinh doanh của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô; cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng; hoạt động ngoại hối của tổ chức không phải là tổ chức tín dụng; kinh doanh vàng; hoạt động in, đúc tiền là 8 trong tổng số 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Trước đó, tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật này, đa số ý kiến đại biểu tán thành với việc bãi bỏ một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm nhưng vẫn đảm bảo vai trò quản lý của Nhà nước.
Về việc bổ sung ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, để phù hợp với Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014, đồng thời đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và an toàn, tính mạng, sức khỏe của cộng đồng.
Qua kết quả Phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội, đa số đại biểu tán thành với việc bổ sung ngành, nghề này (348/439, chiếm 79,3%). Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung ngành, nghề này là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.