Sự đổ vỡ của Ngân hàng Hợp tác xã Punjab và Maharashtra (Ngân hàng PMC) tại Ấn Độ đã thu hút sự chú ý của công chúng vào chính sách BHTG và việc bảo vệ người gửi tiền. Trong khi ngân hàng PMC chưa được thanh lý, cũng đồng nghĩa với quá trình chi trả tiền gửi chưa diễn ra, thì rủi ro đối với người gửi tiền là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm.
Chính sách BHTG đảm bảo người gửi tiền được chi trả theo hạn mức nhất định, trước khi ngân hàng thanh toán cho các chủ nợ khác trong quá trình thanh lý ngân hàng. Lần tăng hạn mức gần nhất ở Ấn Độ là vào năm 1993, hạn mức tăng từ 30.000 Rupi (tương đương 420 đô la Mỹ) lên 100.000 Rupi (tương đương 1.400 đô la Mỹ).
Chính vì vậy, thực tế đang đặt ra yêu cầu cho giới chức Ấn Độ về sự cần thiết tăng hạn mức BHTG vì một số lý do sau:
Thứ nhất, hệ thống BHTG Ấn Độ có hạn mức BHTG thấp so với các tổ chức BHTG tại Châu Á. Tổng công ty BHTG Philippines bảo hiểm với hạn mức 500.000 peso (9.500 đô la Mỹ) cho mỗi người gửi tiền, trong khi Thái Lan bảo hiểm với hạn mức gần 5 triệu bahts (160.000 đô la Mỹ).
Tại Trung Quốc, hạn mức BHTG lên tới 500.000 nhân dân tệ (70.000 USD) cho mỗi người gửi tiền. Với hạn mức 100.000 Rupi, mức bảo hiểm của Ấn Độ là 1.400 đô la Mỹ, thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia kể trên. Nếu tính đến sự thay đổi của tỷ lệ lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng thì từ năm 1993 đến nay, hạn mức bảo hiểm đáng lẽ phải tương đương 550.000 Rupi (7.700 đô la Mỹ).
Thứ hai, nền kinh tế Ấn Độ đã có sự thay đổi đáng kể trong những năm qua, thu nhập bình quân đầu người cũng như tiết kiệm trong dân cư đã tăng lên nhiều lần. Phần lớn tiền tiết kiệm gia tăng được người dân tích lũy dưới dạng tiền gửi ngân hàng truyền thống, dù có nhiều công cụ tài chính mới, hiện đại được sử dụng thời gian qua. Dữ liệu từ ngân hàng dự trữ Ấn Độ (RBI) cho thấy, trong năm 2017, tiền gửi ngân hàng chiếm khoảng 66% tài sản tài chính ròng của các hộ gia đình nước này.
Một lý do khác đặt ra yêu cầu tăng hạn mức BHTG là sự sụt giảm tỷ lệ bảo hiểm toàn bộ. Vào năm 1993, hạn mức 100.000 Rupi có thể bảo vệ toàn bộ cho 90% người gửi tiền tại ngân hàng.
Theo báo cáo của Ngân hàng Trung ương Ấn Độ vào năm 2018, có 62% số lượng tài khoản tiền gửi dưới mức 100.000 Rupi (1.400 đô la Mỹ), 70% dưới mức 200.000 Rupi (2.800 đô la Mỹ), và hơn 98% dưới mức 1.500.000 Rupi (21.000 đô la Mỹ). Trong khi đó, tỷ lệ tiền gửi dưới 100.000 Rupi chỉ chiếm 7,8% toàn bộ số dư tiền gửi. Ngoài ra, các khách hàng có tiền gửi hơn 1.500.000 Rupi nắm giữ tới hơn 20,4% tổng số tiền gửi của toàn hệ thống. Quy mô tiền gửi đã tăng mạnh trong khi hạn mức BHTG vẫn không thay đổi, khiến tỷ lệ bảo hiểm toàn bộ sụt giảm.
Ấn Độ là một nền kinh tế chịu sự chi phối của ngành tài chính - ngân hàng và các ngân hàng nắm giữ phần lớn tiền tiết kiệm của các hộ gia đình. Niềm tin đối với các ngân hàng đã được hình thành một cách bền bỉ trong nhiều thập kỷ sau quá trình quốc hữu hóa, với vai trò quan trọng của Tổng công ty BHTG (DICGC) trong việc bảo vệ người gửi tiền. Vì vậy, việc tăng hạn mức đồng nghĩa với người gửi tiền được bảo vệ tốt hơn trong hoàn cảnh kinh tế, tài chính, ngân hàng đã có nhiều sự biến đổi sau gần 3 thập kỷ duy trì hạn mức cũ.