DICGC, tổ chức do Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) sở hữu, có chức năng chi trả tiền gửi được bảo hiểm với hạn mức do DICGC xác định.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Anurag Thakur lên Thượng viện Ấn Độ, kể từ khi hệ thống BHTG đi vào hoạt động, tổng số phí bảo hiểm thu được từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng là 885,23 tỷ Rupee (hơn 12,4 tỷ đô la Mỹ) và tổng số tiền chi trả cho người gửi tiền tại các tổ chức đổ vỡ ở mức 2,96 tỷ Rupee (khoảng 41 triệu đô la Mỹ).
Ông Anurag Thakur cũng cho hay, Bộ Tài chính Ấn độ chưa nhận được đề nghị chính thức từ phía RBI về việc xem xét tăng hạn mức BHTG tại Ấn Độ (lần tăng gần đây nhất là cách đây 25 năm). DICGC hiện đang bảo hiểm với hạn mức 100.000 Rupee (khoảng 1400 đô la Mỹ) cho mỗi người gửi tiền tại 1 tổ chức tham gia BHTG.
Cũng theo ông Thakur, Đạo luật DICGC 1961 quy định, căn cứ trên năng lực tài chính của DICGC và lãi suất ngân hàng cũng như phê duyệt của Chính phủ, DICGC có thể xem xét tăng hạn mức BHTG cho người gửi tiền.
RBI đã thành lập một Ủy ban do ông M Damodaran – Nguyên Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ khách hàng thuộc RBI – điều hành để nghiên cứu về các dịch vụ khách hàng bán lẻ cho người gửi tiền nhỏ như đối tượng hưu trí, đồng thời xem xét lại cơ chế giải quyết khiếu nại ở các ngân hàng và đề xuất các biện pháp khắc phục. Ủy ban này đã đề xuất tăng hạn mức BHTG lên 500.000 Rupee (khoảng 7000 đô la Mỹ) để phù hợp với tình hình tài chính, kinh tế vĩ mô hiện nay và khuyến khích người gửi tiền tiết kiệm tại các ngân hàng thay vì các tổ chức phi chính thức.