Hội thảo có sự tham gia của ông Alejandro Lopez - Chủ tịch IADI, bà Eva Hupkes - Tổng Thư ký IADI, ông M. Rajeshwar Rao - Phó Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI), các đại biểu của IADI và Ban Thư ký APRC, lãnh đạo của các tổ chức bảo hiểm tiền gửi (BHTG), đại diện các ngân hàng trung ương, các diễn giả khách mời. Hội thảo tập trung vào các chủ đề như triển vọng BHTG trong bối cảnh công nghệ tài chính mới ngày càng phát triển, bao gồm tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) và tiền gửi được mã hóa; các rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu; các quy trình và khung chính sách ứng phó với khủng hoảng và đảm bảo hoạt động liên tục.
Tài chính số hóa
Theo ông Michael Debabrata Patra - Phó Thống đốc RBI - việc số hóa các dịch vụ tài chính mang lại nhiều cơ hội cho các tổ chức BHTG hiện đại hóa trong chi trả, giám sát, xử lý và truyền thông. Tuy nhiên, bài học từ các vụ việc đổ vỡ ngân hàng ở một số quốc gia vào tháng 3/2023 cho thấy, số hóa có thể khuếch đại và đẩy nhanh việc hiện thực hóa các rủi ro tài chính do sử dụng ngân hàng trực tuyến và hành vi của người gửi tiền cá nhân thông qua mạng xã hội. Trên thực tế, các sản phẩm và dịch vụ tài chính kỹ thuật số đang đặt ra cho các tổ chức BHTG những vấn đề liên quan đến phạm vi bảo hiểm cho các sản phẩm tài chính mới; đánh giá rủi ro; các tài khoản thụ hưởng tiền điện tử và sự tham gia của bên thứ ba. Hơn nữa, các mô hình kinh doanh mới làm phát sinh những rủi ro mới hoặc tăng rủi ro hiện có. Số hóa cũng kéo theo rủi ro an ninh mạng, việc không có sẵn cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu có khả năng làm suy giảm đáng kể hoạt động liên tục của tổ chức BHTG.
Đổi mới kỹ thuật số về tiền tệ và hệ thống thanh toán đều có ý nghĩa đối với BHTG. Đầu tiên là tiền kỹ thuật số của CBDC – tiền tệ hợp pháp hoặc tiền pháp định do ngân hàng trung ương phát hành dưới dạng kỹ thuật số, là giao dịch có tính chất cuối cùng (rủi ro thanh toán được loại bỏ do không có trung gian ngân hàng) - và toàn cầu hóa hệ thống thanh toán theo thời gian thực và hiệu quả về chi phí. Trong trung hạn, việc áp dụng CBDC của những người không có tài khoản ngân hàng có thể tăng cường tài chính toàn diện.
Thanh toán kỹ thuật số cũng đang trải qua một cuộc cách mạng. Hiện nay, các tổ chức BHTG đang phải đánh giá lại các rủi ro hoạt động gây ra cho người gửi tiền và các ngân hàng thành viên do sự xuất hiện của các hệ thống thanh toán 24/7. Mặc dù đổi mới kỹ thuật số có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp dịch vụ tài chính xuyên biên giới, nhưng cũng có thể làm tăng khả năng người gửi tiền ở nước ngoài và những thách thức khi chi trả. Trên thực tế, phạm vi ngày càng tăng của các hoạt động ngân hàng xuyên biên giới khiến cho việc hợp tác xuyên quốc gia giữa các tổ chức BHTG và các thành viên Mạng an toàn tài chính trở nên cấp thiết hơn.
Rủi ro tài chính liên quan đến biến đổi khí hậu
Mối đe dọa từ biến đổi khí hậu đối với sự ổn định tài chính, ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng cũng như các tổ chức tài chính trung gian khác ngày càng tăng. Ủy ban Basel về Giám sát Ngân hàng (BCBS) đã ban hành 18 nguyên tắc để quản lý và giám sát hiệu quả các rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu. Một số ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý đang tham gia vào việc thiết kế và tiến hành các bài kiểm tra sức chịu đựng về khí hậu nhằm cung cấp thông tin về việc xây dựng chính sách tiền tệ cũng như các phương pháp quản lý và giám sát rủi ro tài chính liên quan.
Từ quan điểm BHTG, rủi ro khí hậu khác với rủi ro truyền thống ở chỗ không có sẵn các chương trình bảo hiểm và công cụ phòng ngừa rủi ro hiệu quả. Hơn nữa, việc lập mô hình rủi ro còn gặp nhiều thách thức do không có sẵn dữ liệu về phát thải khí nhà kính, đặc biệt là về phát thải theo chuỗi giá trị. Tuy nhiên, khi tần suất và mức độ nghiêm trọng của thiên tai gia tăng và trở thành những vấn đề cần cân nhắc về ổn định tài chính, điều quan trọng là các tổ chức BHTG phải chuẩn bị đánh giá và giải quyết tác động tiềm ẩn của biến đổi khí hậu đối với các tổ chức tham gia BHTG. Việc quản lý quỹ của các tổ chức BHTG có thể cần kết hợp các giải pháp thân thiện với khí hậu như trái phiếu xanh có chủ quyền. Ngoài ra có thể xem xét phí bảo hiểm dựa trên rủi ro khí hậu, kiểm tra sức chịu đựng khí hậu của các quỹ và đưa các yếu tố bền vững vào quản lý quỹ, giám sát rủi ro và kế hoạch xử lý. Sự hợp tác và chia sẻ kiến thức giữa các tổ chức BHTG, cơ quan quản lý và các bên liên quan trong ngành có thể giúp thiết lập các thông lệ tốt nhất và tăng cường khả năng phục hồi trước rủi ro khí hậu, đồng thời đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính.
Tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó với khủng hoảng
Bên cạnh những rủi ro truyền thống, những rủi ro mới đã được đặt ra khiến các tổ chức BHTG và các thành viên Mạng an toàn tài chính khác phải đưa ra khuôn khổ ứng phó và quản lý khủng hoảng và giảm thiểu tác động lây lan tiềm ẩn. Các cuộc khủng hoảng có xu hướng lan truyền nhanh chóng, do đó, cần có các điều khoản tăng cường hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp và can thiệp sớm đối với các tổ chức gặp vấn đề.
Nguyên tắc cơ bản số 6 của IADI về “Vai trò của tổ chức BHTG trong lập kế hoạch dự phòng và quản lý khủng hoảng” đề xuất các chính sách, quy trình nhằm đảm bảo ứng phó hiệu quả trước các đổ vỡ của ngân hàng và các sự kiện khác. Nguyên tắc số 4 nhấn mạnh việc tăng cường mối quan hệ với các thành viên Mạng an toàn tài chính. Nguyên tắc số 9 khuyến nghị viêc cấp vốn khẩn cấp cho hệ thống BHTG – bao gồm các nguồn vốn thanh khoản được đảm bảo và sắp xếp trước – có thể được quy định rõ ràng (hoặc được cho phép) trong luật hoặc văn bản khác. Các tổ chức BHTG nên tích cực thực hiện hướng dẫn này và xây dựng các bộ công cụ để giải quyết các rủi ro mới nổi.
Tại Ấn Độ, Chính phủ bắt đầu thí điểm CBDC bán buôn (e₹-W) từ ngày 1/11/2022 và CBDC bán lẻ (e₹-R) từ ngày 1/12/2022. Ấn Độ cũng đang tận dụng cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số như giao diện thanh toán hợp nhất (UPI), liên kết với hệ thống thanh toán nhanh (FPS) của các quốc gia khác để thực hiện thanh toán xuyên biên giới ngay lập tức. RBI đã tham gia Project Nexus, một sáng kiến quốc tế đa phương do Trung tâm đổi mới của BIS lên ý tưởng nhằm cho phép thanh toán bán lẻ xuyên biên giới ngay lập tức bằng cách liên kết các FPS của Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Ấn Độ.
Về vấn đề khí hậu, Chính phủ Ấn Độ đã tuyên bố mục tiêu net-zero (giảm phát thải đến mức tối thiểu hoặc loại bỏ hoàn toàn) sẽ đạt được vào năm 2070. RBI đã ban hành khuôn khổ chấp nhận tiền gửi xanh và công bố thông tin về rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu vào năm 2024. Chính phủ Ấn Độ cũng đã phát hành trái phiếu xanh có chủ quyền.
Những bước phát triển này đang tạo ra cột mốc quan trọng trong hành trình triển khai chính sách BHTG của DICGC 6 thập kỷ qua. Với mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng (pay-box plus), DICGC được phép tạm ứng chi trả cho người gửi tiền tại các ngân hàng bị hạn chế rút tiền gửi (ngay cả trước khi thanh lý hoặc hợp nhất). Tính đến ngày 31/3/2024, DICGC đã tạm ứng chi trả cho 376.661 người gửi tiền với số tiền lên tới ₹5359 Crores (khoảng 640 triệu USD).
DICGC hiện bảo hiểm cho 1997 ngân hàng bao gồm 140 ngân hàng thương mại và 1.857 ngân hàng hợp tác với hạn mức BHTG là 500.000 Rs (khoảng 6.000 USD), bảo vệ toàn bộ cho 97,8% tài khoản tiền gửi và 43,1% giá trị tiền gửi. Trong bối cảnh những thách thức mới nổi kể trên, DICGC ưu tiên quản lý rủi ro, lập kế hoạch dự phòng và quản lý khủng hoảng, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số của tất cả các hoạt động.
Tại hội thảo, Phó Thống đốc RBI Swaminathan J cũng đề xuất áp dụng hệ thống thu phí BHTG dựa trên rủi ro như một biện pháp để ứng phó với hoạt động rút tiền hàng loạt trên nền tảng số: “Bằng cách ràng buộc phí bảo hiểm với mức độ rủi ro do các tổ chức tài chính riêng lẻ gây ra, tổ chức BHTG có thể khuyến khích các tổ chức tham gia BHTG áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro mạnh mẽ hơn”.
TX