Tổ chức bảo hiểm tiền gửi (BHTG) được thành lập với mục tiêu bảo vệ người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), đảm bảo sự an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng, sự phát triển bền vững của hệ thống tài chính và nền kinh tế.
Trải qua 23 năm hoạt động, BHTGVN đã từng bước nỗ lực chứng minh vai trò quan trọng trong bảo vệ người gửi tiền, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện ngày càng tốt chức năng, nhiệm vụ theo Luật BHTG và các văn bản khác có liên quan. Phát huy vai trò và chức năng trong việc đảm bảo sự phát triển an toàn và lành mạnh của hoạt động ngân hàng, BHTGVN đã luôn bám sát các quy định của Nhà nước và Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Vai trò của BHTGVN được nâng cao thông qua việc tham gia vào quá trình tái cơ cấu các TCTD yếu kém. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD năm 2017 và các văn bản hướng dẫn đã đề cập sự tham gia của BHTGVN trong quá trình tái cơ cấu các TCTD yếu kém thông qua các nghiệp vụ như: Tham gia mua trái phiếu dài hạn nhằm hỗ trợ tài chính đối với các TCTD thuộc diện tái cơ cấu; Tham gia cho vay hỗ trợ thanh khoản đối với các TCTD mất khả năng chi trả; Cho phép các công ty tài chính vay đặc biệt từ Quỹ dự phòng nghiệp vụ để hỗ trợ thực hiện các phương án phục hồi đã được phê duyệt; Phối hợp với Ban kiểm soát đặc biệt và TCTD được kiểm soát đặc biệt xây dựng phương án phá sản TCTD.
Từ năm 2011 đến nay, BHTGVN luôn tích cực tham gia cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD. Để kịp thời ngăn chặn sự đổ vỡ của các TCTD yếu kém và đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính - ngân hàng, BHTGVN tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ, kịp thời xử lý các Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) yếu kém. Để phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia BHTG, BHTGVN tiến hành đánh giá và phân loại đối với các QTDND, tăng cường giám sát các QTDND xếp loại 4, 5 và được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
BHTGVN đã phối hợp với các chi nhánh NHNN tỉnh và các cơ quan chức năng, tập trung mọi nguồn lực tham gia xử lý các QTDND yếu kém, phối hợp chi trả cho người gửi tiền tại các QTDND được kiểm soát đặc biệt, giúp ổn định tâm lý người gửi tiền, đảm bảo an ninh ngân hàng. Hoạt động chi trả tiền bảo hiểm kịp thời, chính xác và thuận tiện đã tạo được niềm tin cho người gửi tiền trên địa bàn, góp phần ổn định tình hình kinh tế -xã hội tại địa phương.
Chính sách BHTG được thực thi tốt, số người gửi tiền được bảo hiểm tiền gửi ngày càng tăng. Tính đến hết quý II năm 2022, BHTGVN đang bảo vệ cho tiền gửi của hơn 74 triệu người gửi tiền tại 1.283 tổ chức tham gia BHTG, gồm 97 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 QTDND, 1 ngân hàng hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô.
BHTGVN đã thực hiện tốt công tác quản lý thu phí bảo hiểm tiền gửi. Kết quả thu phí và đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi góp phần nâng cao năng lực tài chính của BHTGVN, với tổng tài sản đạt hơn 88 nghìn tỷ đồng và quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt trên 80 nghìn tỷ đồng. Với năng lực tài chính và cơ chế hoạt động như hiện tại, BHTGVN có đủ khả năng để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền, phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD thông qua hoạt động hỗ trợ tài chính.
Tuy nhiên, thị trường tài chính Việt Nam phát triển nhanh đòi hỏi BHTGVN cần nỗ lực hơn nữa trong việc tăng quy mô hoạt động, nâng cao năng lực tài chính cũng như đổi mới cơ chế hoạt động, tăng cường năng lực giám sát từ xa và kiểm tra tại chỗ đối với các TCTD yếu kém.
Xuất phát từ tình hình thực tiễn của Việt Nam, để hệ thống ngân hàng và tài chính Việt Nam ổn định và phát triển bền vững, đặc biệt là trong quá trình tái cơ cấu các TCTD, cần nghiên cứu và triển khai thực hiện một số vấn đề sau:
Thứ nhất, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan trong mạng lưới an toàn tài chính (Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, NHNN, Bộ Tài chính…) trong việc thực hiện giám sát hệ thống tài chính quốc gia. Đặc biệt là sự phối kết hợp trong giám sát theo rủi ro, từ đó phân tích, dự báo, cảnh báo mức độ an toàn hệ thống và nguy cơ rủi ro đối với thị trường tài chính quốc gia. Bên cạnh đó, BHTG cần tích cực tham gia xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan trong mạng lưới an toàn tài chính, góp phần tạo điều kiện có đủ thông tin, đặc biệt là phối hợp cùng Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN) trong việc theo dõi, giám sát các tổ chức tham gia BHTG.
Thứ hai, BHTG tiếp tục tham gia vào quá trình tái cơ cấu các TCTD, tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống các TCTD, góp phần lành mạnh hệ thống tài chính quốc gia.
Thứ ba, nâng cao năng lực tài chính và đảm bảo nguồn lực cho BHTG trong quá trình tham gia tái cơ cấu các TCTD bằng cách bổ sung và tăng cường quỹ dự phòng nghiệp vụ cho BHTG. Theo đó, đa dạng hóa hình thức đầu tư nguồn vốn nhàn rỗi của BHTGVN có thể được xem là một trong những giải pháp hiệu quả. Trong bối cảnh các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng vốn điều lệ, thì nguồn vốn của tổ chức BHTG cũng cần phải đảm bảo tương xứng với quy mô thị trường hiện tại.
Thứ tư, tăng cường và nâng cao nghiệp vụ giám sát, cảnh báo rủi ro và xử lý các TCTD yếu kém. Việc giám sát rủi ro các tổ chức tham gia BHTG nhằm 2 mục tiêu là bảo vệ người gửi tiền và góp phần ổn định tình hình hệ thống tài chính - ngân hàng, vì vậy cần có cơ chế pháp lý, quy định đầy đủ, rõ ràng về: Đối tượng giám sát rủi ro; cách sử dụng kết quả giám sát rủi ro và kiểm tra; quy định về quy chế cung cấp báo cáo, và trao đổi thông tin giám sát giữa các chủ thể liên quan; quy định chế tài đối với những tổ chức tham gia BHTG không chấp hành đúng những quy định về kiểm tra, giám sát của tổ chức tham gia BHTG.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác truyền thông để tạo dựng, củng cố niềm tin người gửi tiền và đảm bảo ổn định, an toàn của hệ thống tài chính – ngân hàng. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để tăng cường hiểu biết về BHTG tới các đối tượng, đặc biệt hướng tới vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.