“Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”. Những nội dung về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới đã được Bộ Chính trị khẳng định và cụ thể hóa tại Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ sự đúng đắn, tầm vóc, bản chất khoa học, cách mạng và nhân văn của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm cho hệ tư tưởng của Đảng lan tỏa, thấm sâu vào đời sống chính trị, tinh thần của xã hội. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ mục tiêu “xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới” (1). Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ định hướng, giải pháp, con đường để đi đến mục tiêu “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức; Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; Bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.”(2) Nền tảng tư tưởng của Đảng ta chính là mong ước tốt đẹp của dân ta, là mục tiêu mà toàn dân đang phấn đấu, là con đường mà Đảng ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi.
Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, là công việc tự giác, thường xuyên của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu.
Hiện nay, có một số người còn băn khoăn về nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ của những cơ quan, tổ chức, cá nhân nào đó. Cần phải khẳng định rằng, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân. Trong đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên là lực lượng tiên phong.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, công nghệ thông tin bùng nổ, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ có tác động trực tiếp tới nhận thức, hành vi của mỗi cá nhân, các thế lực thù địch tăng cường phát tán các thông tin, tài liệu, hình ảnh, video, clip có nội dung xấu, độc để chống phá, ra sức xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, với ý đồ làm lung lay nhận thức, niềm tin của nhân dân vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng. Chúng lợi dụng các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội; khai thác những thông tin từ những vụ tiêu cực xảy ra trong đời sống xã hội rồi xuyên tạc sự thật, “thổi phồng” thiếu sót, khuyết điểm, “khoét sâu” những yếu kém, sơ hở, mất cảnh giác của ta để bóp méo, xuyên tạc sự thật... Chúng xuyên tạc cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, phủ nhận những cố gắng, nỗ lực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chúng lấy hiện tượng quy kết thành bản chất; đăng tải thông tin thật, giả lẫn lộn để đả kích, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, Quân đội ta.
Chưa bao giờ cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng có tính thời sự, cấp thiết và gay go, quyết liệt, phức tạp như hiện nay. Cuộc đấu tranh này cần sự đoàn kết, đồng lòng giúp sức của toàn dân, cần sự quyết liệt, khôn khéo của cả hệ thống chính trị và cần sự thống nhất trong nhận thức và hành động của mỗi người dân.
Càng ngày, hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ Đảng trên không gian mạng của các thế lực thù địch diễn ra với quy mô, cường độ ngày càng lớn; các thủ đoạn lừa đảo người dân ngày càng tinh vi, đa dạng. Chúng phủ định chủ nghĩa Mác – Lênin, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử chúng ta đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng, chống phá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực. Chúng lập hội nhóm kín trên mạng xã hội phân chia theo khu vực địa lý, tập hợp lực lượng chống phá, chia sẻ thông tin không chính thống, phát tán thông tin sai trái trên diện rộng với nhiều bình luận phức tạp, đưa thông tin không tích cực nhằm xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quản lý của Nhà nước, vai trò của kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước. Chúng lôi kéo, dụ dỗ nhân dân khiếu nại, khiếu kiện, chống đối, gây khó khăn cho việc triển khai các dự án, các nhiệm vụ chính trị. Chúng lập các trang web giả, mạo danh cán bộ nhà nước để lừa đảo người dân, gây mất niềm tin, hoang mang cho người dân. Chúng sử dụng truyền thông đại chúng, đặc biệt là xuất bản báo chí ở nước ngoài, sản xuất băng, đĩa hình chuyển về trong nước; tài trợ cho một số cơ quan báo chí nước ngoài chuyên chống phá Việt Nam để nói xấu Việt Nam. Những hoạt động đó đã tác động tiêu cực tới tư tưởng, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân; gây tâm lý hoang mang, nghi ngờ, làm suy giảm lòng tin vào đất nước, vào vai trò của Đảng và Nhà nước.
Quá trình "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong mỗi cá nhân, tổ chức thường bắt đầu từ mất niềm tin, mất phương hướng, từ bỏ lý tưởng, mục tiêu cách mạng, tiến tới du nhập tư tưởng, lý luận đưa đất nước đi theo mục tiêu, con đường khác với mục tiêu, con đường mà Đảng ta đã lựa chọn. Có thể khẳng định chế độ và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn là con đường duy nhất đúng, bởi nó vừa thể hiện tính cách mạng triệt để, vừa phù hợp với quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội. Tuy nhiên, thực tế là nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa vẫn tồn tại trong cả nhận thức và hành động của một số người. Nhận thức đó có thể bắt nguồn từ những vấn đề còn chưa tỏ tường về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, kết hợp với sự xuất hiện những thế mạnh của chủ nghĩa tư bản hiện đại trong quá trình toàn cầu hóa. Chính vì thế, để bảo vệ nền tảng tư tưởng cần nâng cao nhận thức của mỗi người dân về tính đúng đắn, khoa học của con đường mà Đảng ta đã lựa chọn, đồng thời chủ động phòng ngừa, phê phán nhận thức lệch lạc, kiên quyết đấu tranh với quan điểm sai trái và thù địch.
Nghị quyết số 35-NQ/TW “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, chính là kim chỉ nam hành động của toàn thể đảng viên và nhân dân ta nhằm đề cao cảnh giác, không bị động, lúng túng trước những luận điệu và âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch và những cá nhân phản động, bất mãn chế độ.
Để giữ vững nền tảng tư tưởng, toàn Đảng và hệ thống chính trị phải thường xuyên, tích cực tuyên truyền Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyên truyền, phát huy vai trò, thế mạnh của các phương tiện truyền thông, các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc tuyên truyền những đường lối, chủ trương của Đảng; đồng thời có sự lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết, chặt chẽ của các tổ chức đảng các cấp; Không ngừng phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Mục tiêu tuyên truyền để huy động sức mạnh tổng hợp của cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không phải là việc riêng của Đảng mà còn là việc chung, là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân”.
Trong tuyên truyền cần xác định các nhóm đối tượng dễ bị tác động tiêu cực bởi các quan điểm sai trái, thù địch để có biện pháp thích hợp. Những người hạn chế về nguồn thông tin và năng lực tiếp cận, xử lý thông tin được quan tâm cung cấp thông tin chính thống và cập nhật thường xuyên. Những người lập trường tư tưởng không vững vàng, dễ bị sa vào xu hướng tiêu cực cần tổ chức cho họ tham gia các lớp học, diễn đàn sinh hoạt chính trị tư tưởng dưới sự dẫn dắt của các chuyên gia. Những người từng bị oan sai, tổn thất do sự tắc trách, tiêu cực của các cơ quan chức năng cần được bồi thường tổn thất về tinh thần và vật chất, động viên, tạo điều kiện cho họ trở lại trạng thái tâm lý bình thường thông qua các phong trào quần chúng ở cơ sở. Những người từng vi phạm pháp luật, bị cơ quan chức năng xử lý, đã được tuyên truyền, giáo dục nhưng chưa nhận thức hết sai phạm, cần thường xuyên theo dõi, nhắc nhở, cảnh báo, tạo điều kiện cho họ trở lại cuộc sống bình thường để không bị các thế lực thù địch kích động, xúi giục, lôi kéo.
Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị phải được tăng cường, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, đoàn viên trong công tác đấu tranh tư tưởng phải được nâng cao. Về phía các tổ chức trong hệ thống chính trị, cần khắc phục tình trạng buông lỏng lãnh đạo, quản lý, xa rời công tác tập hợp, giáo dục, hỗ trợ, động viên các lực lượng trong đấu tranh tư tưởng. Quán triệt và cụ thể hóa Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị phù hợp với tình hình địa phương, lĩnh vực. Về phía cá nhân, khắc phục tình trạng ngại khó, dẫn đến thờ ơ, đứng ngoài cuộc của một bộ phận cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Xác định tham gia đấu tranh với các lực lượng thù địch là một trách nhiệm, nên cần có quyết tâm và nỗ lực hơn; chủ động và thường xuyên sử dụng internet, trực tiếp tham gia làm thành viên am hiểu và tỉnh táo của hệ thống mạng xã hội phổ biến ở Việt Nam như Facebook, Zalo, Youtube... nhằm truyền bá, lan tỏa các sản phẩm truyền thông về củng cố mối quan hệ nhân dân với Đảng, đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch. Chỉ khi có nhận thức đúng đắn, đầy đủ trách nhiệm, có trình độ lý luận chính trị cao, có kỹ năng nắm bắt, sàng lọc, xử lý thông tin tốt, có tâm huyết và bản lĩnh chiến đấu của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, thì mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên vừa là đối tượng, vừa là chủ thể của phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", để tạo cơ sở nền tảng đấu tranh hiệu quả với âm mưu, thủ đoạn hoạt động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thành công hay không phụ thuộc việc chúng ta thực hiện các nền tảng tư tưởng đó. Chính vì vậy, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không có cách nào khác là bằng những hành động thiết thực để hiện thực hóa mục tiêu, là làm theo đúng định hướng, giải pháp, đi theo đúng con đường mà Đảng ta, nhân dân ta đã lựa chọn. Thực hiện các giải pháp trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, các nhiệm vụ nhằm bảo đảm tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các hoạt động phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, giữ vững quốc phòng, an ninh, chủ quyền đất nước… là những hành động thiết thực để hiện thực hóa mục tiêu đó. Mỗi bước thành công trên con đường đi đến mục tiêu Đảng lựa chọn chính là đòn phản hồi đích đáng, là thứ vũ khí sắc bén nhất để chống lại các quan điểm sai trái thù địch. Chủ thể của những hành động là tất cả các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, của mỗi cá nhân, người dân yêu nước chứ không phải một tổ chức chuyên biệt nào.
Mặt khác, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Đảng ta cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng, đảng viên chấp hành cương lĩnh, điều lệ, nghị quyết, quy định của Đảng và kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với sai phạm. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong Ðảng để các cấp ủy và tổ chức đảng, mọi cán bộ, đảng viên phải chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn; nghiêm cấm để lộ bí mật của Ðảng, Nhà nước, lan truyền những thông tin sai lệch hoặc tán phát những đơn thư nặc danh, mạo danh có nội dung xấu, xuyên tạc, vu khống, kích động. Mỗi tổ chức cần quán triệt, triển khai nội dung và phương thức lãnh đạo công tác đấu tranh tư tưởng cho sát với tình hình, điều kiện của cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
Trong bài viết: "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã viết: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, "cá lớn nuốt cá bé" vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi”.
Những mong ước, mục tiêu tốt đẹp ấy có được hiện thực hóa hay không, con đường đúng đắn mà chúng ta đã lựa chọn có bị chệch hướng hay không phụ thuộc vào tất cả chúng ta. Có thể nói, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ quan trọng, liên tục, thường xuyên và lâu dài, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị, ở mọi cấp, mọi ngành, mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Hoàng Trang
(1), (2) "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam