Cuối tháng 1.2018 vừa qua, Tổng Công ty BHTG Malaysia (PIDM) công bố bản chiến lược phát triển giai đoạn 2018-2020 của tổ chức này.
Là một phần không thể tách rời của mạng lưới an toàn tài chính Malaysia, PIDM được giao trọng trách bảo vệ quyền và lợi ích của người gửi tiền với công cụ là các chính sách bảo hiểm tiền gửi trước nguy cơ đổ vỡ của tất cả tổ chức tín dụng tham gia BHTG, từ đó góp phần thúc đẩy sự ổn định hệ thống tài chính quốc gia.
Kế hoạch phát triển giai đoạn 2018-2020 của PIDM nhấn mạnh 03 ưu tiên chiến lược:
- Thực hiện các sáng kiến nhằm góp phần đảm bảo mức độ sẵn sàng và hiệu quả của cơ chế xử lý đổ vỡ cũng như lập kế hoạch xử lý đổ vỡ .
- Xây dựng và chuẩn bịnguồn nhân lực vì sự phát triển bền vững của PIDM.
- Củng cố sự cam kết của các bên liên quan, trong đó có các tổ chức tham gia BHTG và công chúng.
Ông Rafiz Azuan Abdullah – Giám đốc điều hành PIDM nhấn mạnh, những thay đổi trong môi trường tài chính đồng nghĩa với việc PIDM cần phải có kế hoạch chiến lược để duy trì tốc độ phát triển và luôn ở trong trạng thái sẵn sàng góp phần đảm bảo sự ổn định hệ thống tài chính quốc gia. Việc xác định rõ những trọng tâm chiến lược như trên sẽ giúp PIDM đi đúng hướng.
Ngoài ra, để có một cơ chế xử lý đổ vỡ hiệu quả, PIDM cần đảm bảo tất cả các tổ chức tài chính tham gia BHTG đều có thể được giải quyết theo trật tự, tránh sự gián đoạn hoạt động trong toàn hệ thống.
Từ tháng 7.2017, PIDM đã cùng Ngân hàng TW Malaysia đã xây dựng kế hoạch phục hồi đối với các ngân hàng. Ông Rafiz Azuan Abdullah cho biết, để hoàn thiện kế hoạch nói trên, cần tiếp tục thực hiện nhiều cuộc tham vấn trong hệ thống ngân hàng nói chung cũng như triển khai thí điểm.
PIDM sẽ tiếp tục phối hợp với các bên liên quan nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về vai trò của PIDM cũng như cơ chế bảo hiểm của tổ chức này thông qua các chương trình giáo dục tài chính trên các phương tiện truyền thông và chiến dịch truyền thông đại chúng.
Kế hoạch tài chính trong năm 2018 sẽ hỗ trợ thực hiện các ưu tiên chiến lược của PIDM. Tổ chức này đã thu về 575 triệu Ringgit Malaysia (tương đương khoảng hơn 147 triệu đôla Mỹ), chi phí hoạt động khoảng 120 triệu Ringgit Malaysia (tương đương hơn 30 triệu đôla Mỹ) với thặng dư là 455 triệu Ringgit Malaysia (hơn 116 triệu đôla Mỹ).
Tính đến cuối năm 2018, các Quỹ BHTG (DIFs) sẽ đạt khoảng 2.38 tỉ Ringgit Malaysia (khoảng hơn 611 triệu đôla Mỹ) và Quỹ BHTG Takaful (- Quỹ BHTG theo Luật Hồi giáo - TIPFs) đạt khoảng 1.66 tỉ Ringgit Malaysia (tương đương hơn 420 triệu đôla Mỹ). Cả Quỹ BHTG thông thường và Quỹ BHTG Takaful (TIPFs) đều nhằm mục tiêu bù đắp tổn thất có thể phát sinh do đổ vỡ tổ chức tài chính; đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền và người thụ hưởng hợp đồng bảo hiểm.
PIDM có nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích của người gửi tiền trong trường hợp xảy ra đổ vỡ ngân hàng cũng như của người thụ hưởng hợp đồng bảo hiểm nếu công ty bảo hiểm bị phá sản. Kinh phí hoạt động của PIDM hoàn toàn dựa trên phí bảo hiểm và các khoản thu từ các tổ chức tham gia BHTG, không nhận trợ cấp từ ngân sách nhà nước. PIDM hoạt động dưới các điều khoản của Đạo luật PIDM để vay hoặc huy động các khoản tiền cần thiết nhằm thực hiện các nghĩa vụ theo luật định, bảo vệ người sử dụng các dịch vụ tài chính tại các tổ chức tham gia BHTG. Là một phần không thể tách rời trong mạng lưới an toàn tài chính quốc gia, PIDM góp phần thúc đẩy ổn định mạng lưới tài chính của Malaysia.
|