Theo ghi nhận, tổ chức này đã sử dụng tới 80% - khoảng 821 nghìn tỉ Rúp (tương đương khoảng 14 tỉ đôla Mỹ) trong dòng tín dụng tổng trị giá khoảng 1.030 nghìn tỉ Rúp của Ngân hàng TW Nga với mục đích chi trả trong năm qua.
Tới năm 2025, tổ chức này sẽ hoàn trả khoản tiền trên bằng cách tái cơ cấu các khoản cho vay, thanh lý và cải thiện chất lượng tài sản tại những ngân hàng có vấn đề.
Quy mô của các khoản chi trả càng làm nổi bật những thách thức mà các ngân hàng Nga đang phải đối mặt trong thời kỳ suy thoái do giá cả hàng hóa sụt giảm cùng các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Năm qua, nền kinh tế Nga có mức tăng trưởng rất khiêm tốn.
Các khoản chi trả của DIA không bao gồm khoản tiền được sử dụng cho việc cứu trợ 03 ngân hàng tư nhân lớn trong năm vừa qua, gồm: Ngân hàng Otkritie, ngân hàng B&N và ngân hàng Promsvyazbank.
Ngân hàng TW Nga cũng đã thay đổi phương thức cứu trợ, đồng thời thành lập một quỹ mới để tiếp quản 03 ngân hàng nêu trên. Ước tính cần khoảng 1 nghìn tỉ Rúp (khoảng hơn 17 tỉ đôla Mỹ) để khôi phục lại các ngân hàng có vấn đề. Khoản tiền này không nằm trong dòng tín dụng của DIA.
Trước khi đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ ngân hàng mới, với sự đồng thuận của các cơ quan có liên quan và ngân hàng TW Nga, DIA đã từng cấp vốn cho các ngân hàng tiếp quản ngân hàng đang gặp khủng hoảng. Trong một số trường hợp, việc này cũng giúp các ngân hàng phục hồi nhanh chóng mà không cần sự giúp đỡ từ bên ngoài. Trên thực tế, DIA đã chi tổng cộng 1,3 nghìn tỉ Rúp cho những biện pháp này.
Trong năm vừa qua, ngân hàng TW Nga đã thu hồi giấy phép của 62 ngân hàng, giảm một nửa số lượng ngân hàng được phép hoạt động tại quốc gia xuống còn 519 ngân hàng từ con số 1.000 cách đây vài năm.
Song song với đó, ông Yury Isayev - Chủ tịch DIA cho biết tổ chức này cũng đang trong quá trình cải cách thủ tục thanh lý các ngân hàng đổ vỡ.
Hiện tại, DIA đang tiến hành thanh lý 321 ngân hàng với tổng giá trị tài sản khoảng 3,78 nghìn tỉ Rúp (tương đương khoảng 65,6 tỉ đôla Mỹ) và thời gian thanh lý trung bình khoảng 03 năm. Số ngân hàng bị đặt trong diện kiểm soát đặc biệt của DIA tăng vọt trong vài năm qua. Do quá trình thanh lý kéo dài và số tài sản bị trượt giá theo thời gian dẫn đến hệ quả là không đảm bảo được quyền lợi cho các chủ nợ khi họ được bồi thường ít hơn. Ông Isayev lưu ý rằng trong tình hình này, ngân hàng TW Nga mới đây đã quyết định sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm giải cứu các ngân hàng.
DIA cũng đang đề xuất sửa đổi luật xử lý tài sản đảm bảo. Ngay sau khi các ngân hàng bị thu hồi giấy phép hoạt động, DIA sẽ đánh giá chất lượng, phân bổ tài sản và chuẩn bị cho các công tác giao dịch thanh lý. Với các điều khoản được sửa đổi, người ta kỳ vọng thủ tục thanh lý rút ngắn xuống còn 1,5 năm và khiến quy trình công khai minh bạch hơn.
Theo ông Isaev, thực tế cho thấy cần thiết phải rút gọn các thủ tục vốn dài dòng mà hầu như không mang lại kết quả như mong đợi. Sáng kiến cải cách trên được Chính phủ cũng như Ngân hàng TW Nga rất ủng hộ khi nó nhằm tập trung giải quyết vấn đề thanh lý nhanh chóng, công khai và hiệu quả trước khi số tài sản của các ngân hàng đổ vỡ bị trượt giá theo đà xuống dốc của thị trường.
Ý tưởng cải cách trên không chỉ giúp tăng doanh thu trong thị trường các bất động sản sau phá sản mà còn nhằm giảm chi phí bảo trì chúng. Các tài sản đã bị người quản lý hoặc chủ các ngân hàng biển thủ do hoạt động phạm pháp sẽ không được đưa ra chào bán, bởi các cơ quan hành pháp sẽ vào cuộc xử lý.
Về vấn đề này, giới chuyên môn cũng có nhiều ý kiến đóng góp. Ví dụ như giáo sư Alexander Abramov – Trưởng khoa Thị trường chứng khoán và Đầu tư tại Trường Kinh tế cao cấp thuộc ĐH Nghiên cứu Quốc gia cho rằng DIA đang khẳng định một phần vai trò trong việc thanh lý các ngân hàng đổ vỡ. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận nhằm đưa ra một quy trình thanh lý ngân hàng đổ vỡ đơn giản hơn thông qua việc mở bán tài sản của các ngân hàng đã sụp đổ. Tuy nhiên, theo Giáo sư Abramov, điều này chưa đảm bảo chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của quá trình thanh lý, nhất là khi khối tài sản của các ngân hàng sụp đổ lại được chào bán theo phương pháp đấu giá giảm dần. Ý tưởng trên có ý thúc giục việc xác định khung giá hợp lý cho khối tài sản của các ngân hàng bị thanh lý bởi một điều chắc chắn đấu giá giảm dần sẽ dẫn tới mức giá chốt bán thấp hơn nhiều so với mức giá khởi điểm. Tóm lại, ở đây thực chất điều mà Ngân hàng TW Nga muốn làm đó là thiết lập một quy trình thủ tục để tránh rủi ro.
Tiếp đó, Giáo sư Yuri Yudenkov – Khoa Tài chính, Tiền tệ và Tín dụng thuộc Học viện Kinh tế quốc dân và Hành chính công nhấn mạnh, quy trình thủ tục được rút gọn là tín hiệu đáng mừng, vì số lượng các ngân hàng không còn hoạt động tài chính nhưng vẫn có tư cách pháp nhân hiện là là 700, cao hơn số ngân hàng thực sự hoạt động và sau khoảng 03-04 năm thì gần như không còn tài sản gì giá trị. Ông Yuri Yudenkov cho rằng, có rất nhiều rủi ro tiềm ẩn trong việc thanh lý tài sản với giá quá rẻ. Vấn đề nằm ở chỗ phải giữ số tài sản đó ở diện công khai, dễ tiếp cận nhất có thể.
Đấu giá giảm dần (đấu giá kiểu Hà Lan) là một hình thức đấu giá mà một món hàng được chào bán với một mức giá khởi điểm rất cao so với giá trị món hàng. Giá được giảm xuống từ từ cho đến khi một trong những người tham gia đấu giá quyết định chấp nhận mức giá hiện tại và người đầu tiên chấp nhận mức giá bán sẽ trở thành người thắng cuộc.
Đ.T.T
http://vestnikkavkaza.net/news/Will-crashed-banks-assets-be-liquidated-in-new-way-in-Russia.html