Theo đó, từ ngày 4/1/2018, Hội đồng Bảo hiểm tiền gửi Tanzania (DIB) có trách nhiệm thanh lý 05 ngân hàng đã đóng cửa, bao gồm: Ngân hàng TNHH Cho vay có điều kiện phục vụ phụ nữ Tanzania, Ngân hàng TNHH Efatha, Ngân hàng TNHH cộng đồng Njombe, Ngân hàng hợp tác TNHH nông dân Kagera và Ngân hàng TNHH cộng đồng Meru. Ông Ben Ndulu – Thống đốc BoT cho biết, các ngân hàng trên đã hoạt động trong tình trạng thiếu vốn trầm trọng, nếu tiếp tục hoạt động sẽ không đảm bảo lợi ích của người gửi tiền cũng như tiềm ẩn nguy cơ gây ra sự bất ổn định cho hệ thống tài chính quốc gia.
05 ngân hàng bị đóng cửa chỉ chiếm 0,38% tổng số vốn toàn ngành nên không có ảnh hưởng gì quá lớn tới toàn hệ thống.
Người đứng đầu BoT cho biết việc chi trả bảo hiểm tiền gửi sẽ được tiến hành trong vòng 01 tháng và chỉ cho những người đã gửi tiền được bảo hiểm. Hạn mức trả tiền bảo hiểm nằm trong khoảng từ 500.000 Shilling Tanzania (tương đương 220 đôla Mỹ) đến 1.500.000 Shilling Tanzania (tương đương 670 đôla Mỹ).
Việc mạnh tay xử lý những ngân hàng hoạt động không hiệu quả được thực hiện theo chỉ thị trực tiếp vào cuối năm 2017 của Tổng thống Tanzania John Magufuli.
DIB được thành lập theo Mục 37(i) Đạo luật Ngân hàng và các Tổ chức tín dụng Tanzania (BFIA).
Theo đó, DIB chịu trách nhiệm tham mưu, xây dựng chính sách và quản lý Quỹ Bảo hiểm tiền gửi. Cơ cấu lãnh đạo DIB gồm có: Chủ tịch hội đồng kiêm Thống đốc Ngân hàng TW Tanzania; Thư ký thường trực Cơ quan quản lý ngân sách của Tanzania – Thành viên; Bộ trưởng Bộ Tài chính và 03 thành viên khác được chỉ định từ Bộ Tài chính Tanzania.
Nhiệm vụ chính của DIB bao gồm:
i) Đánh giá và thu phí bảo hiểm từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng cũng như đánh giá mức độ phù hợp của hạn mức bảo hiểm tại từng thời điểm
ii) Phối hợp vớiBoT để:
- Theo dõi “sức khỏe” của các ngân hàng và tổ chức tài chính; kiểm tra và xác định những vấn đề rủi ro hoặc những điểm yếu thông qua kiểm tra từ xa và tại chỗ.
- Đề xuất biện pháp khắc phục nhằm ngăn chặn đổ vỡ ngân hàng và các tổ chức tài chính thông qua việc tái cơ cấu / phục hồi hoặc hỗ trợ tài chính.
iii) Trong trường hợp đóng cửa ngân hàng hoặc tổ chức tài chính, BoT sẽ chỉ định DIB đứng ra giải quyết các yêu cầu bồi thường bảo hiểm tiền gửi và thanh lý theo quy định tại Mục 41(a) Đạo luật Ngân hàng và các Tổ chức tài chính. Khi đó, DIB tiếp quản và kiểm soát toàn bộ tài sản, công việc và nợ của các tổ chức tài chính đã đóng cửa, tiến hành thanh lý tài sản, giải quyết khuyến nại đối với người gửi tiền được bảo hiểm và thanh toán với chủ nợ. DIB có quyền chỉ định các cơ quan đại diện cho mình để thực hiện các chức năng trên.
Đ.T.T
Nguồn: http://www.xinhuanet.com/english/2018-01/05/c_136872449.htm