Quy định 370 mới được ban hành năm 2017, được áp dụng với các ngân hàng có từ 2 triệu tài khoản tiền gửi trở lên. Theo đó, có khoảng 40 ngân hàng phải tuân thủ quy định này và ngân hàng lớn nhất trong số đó có tới 87 triệu tài khoản tiền gửi.
Mục đích của việc đưa ra quy định này là đảm bảo người gửi tiền có khả năng tiếp cận với các khoản tiền gửi được bảo hiểm của họ trong trường hợp xảy ra đổ vỡ. FDIC yêu cầu các tổ chức tài chính phải duy trì hệ thống công nghệ thông tin nhằm nhanh chóng xác định các khoản chi trả BHTG một khi tổ chức đó đối mặt với nguy cơ đổ vỡ. Theo quan điểm của FDIC, quá trình chi trả cho người gửi tiền được bảo hiểm chỉ nên được thực hiện trong vòng một ngày, hoặc trong trường hợp lâu nhất là không quá một tuần kể từ khi xảy ra đổ vỡ.
Mặc dù những khoản tiền gửi truyền thống rất dễ xác định người gửi tiền được bảo hiểm nhưng vẫn có những loại hình tiền gửi phức tạp, khó xác định chủ sở hữu, được gọi là những “tài khoản trung gian” tồn tại thông qua các giao dịch chuyển giao, sáp nhập hoặc mua lại trong thời gian dài.
Hình thức tài khoản trung gian
Những loại tài khoản hiện đang đặt ra nhiều thách thức hơn trong việc xác định đối tượng thụ hưởng, gồm: tài khoản trung gian hoặc tài khoản ủy thác. Loại tài khoản này được mở và duy trì bởi một bên thứ ba, thay mặt chủ sở hữu thực và tồn tại dưới một số hình thức như: ký quỹ, giấy ủy quyền, tài khoản môi giới, tài khoản chứng chỉ tiền gửi được môi giới mua bán, v.v.
Có rất nhiều kiểu tài khoản như vậy tại các tổ chức tài chính quy mô lớn của Mỹ. Điều này gây khó khăn cho việc xác định chính xác đối tượng thụ hưởng. Các nhà phân tích ước tính, đối với các tổ chức tài chính quy mô lớn, chi phí nhằm phát triển hệ thống công nghệ thông tin xác định phạm vi những tài khoản tiền gửi được bảo hiểm và sẵn sàng báo cáo lên FDIC đáp ứng quy định của FDIC có thể lên đến 30 triệu đôla Mỹ/ngân hàng.
Ông Ed Probst, Trưởng bộ phận phát triển sản phẩm khu vực Bắc Mỹ của Tập đoàn AxiomSL – doanh nghiệp chuyên cung cấp các giải pháp trong lĩnh vực tài chính cho biết: “Có một lượng công việc khổng lồ cần được thực hiện trong khi hầu hết các ngân hàng hiện vẫn chưa bắt đầu khởi động. Những ngân hàng thuộc top có quy mô lớn nhất có ít nhất một chương trình đang triển khai và đã xác định được nguồn vốn. Tuy nhiên, nếu đi sâu vào khảo sát trên thị trường thì ngoại trừ 5 hoặc 8 ngân hàng top đầu, các ngân hàng còn lại vẫn chưa biết chắc mình phải thực hiện những việc gì.”
FDIC nhận thức rõ những thách thức liên quan và cũng đã tham vấn ý kiến của những ngân hàng nằm trong phạm vi áp dụng Quy định này. FDIC đang trang bị cho đội ngũ nhân viên sẵn sàng giải quyết mọi thắc mắc liên quan đến các vấn đề mà những ngân hàng nói trên gặp phải.
Cần một hệ thống báo cáo linh hoạt
Khi thiết kế một hệ thống báo cáo theo Quy định 370, các nhà phân tích nhấn mạnh sự cấp thiết của việc xây dựng một hệ thống báo cáo tại chỗ, linh hoạt, có khả năng thích ứng cao với những thay đổi trong tương lai.
Reuters đưa tin, đối với các ngân hàng gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi hệ thống thông tin báo cáo về tiền gửi được bảo hiểm, cơ quan chức năng sẽ có nhiều hình thức hỗ trợ, đặc biệt là trong việc phân tách người thụ hưởng của các loại hình tiền gửi phức tạp.
Đ.T.T
Nguồn: https://www.reuters.com/article/bc-finreg-fdic-deposit-insurance/u-s-banks-face-complex-compliance-challenge-with-fdic-rules-on-deposit-insurance-idUSKBN1HO21H