Giải quyết các thủ tục vay, xây dựng quy trình vay là một trong những vấn đề cải tiến hàng đầu của các ngân hàng hiện nay nhằm đẩy nhanh nguồn vốn ra nền kinh tế và góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp... 
Quyết liệt cải cách hành chính
Năm 2017, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành và quán triệt các đơn vị trong toàn hệ thống thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tại Chương trình hành động của ngành ngân hàng, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 đảm bảo đúng lộ trình và đạt được kết quả như dự kiến. Theo đó, Chương trình hành động của ngành ngân hàng tập trung vào các nhóm giải pháp sau: Cải thiện và minh bạch hóa thông tin tín dụng; Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong việc tiếp cận vốn tín dụng; Đơn giản hóa và hiện đại hóa thủ tục hành chính nhằm giảm chi phí; tuân thủ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong giao dịch hành chính với NHNN, tổ chức tín dụng (TCTD); Xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra các đơn vị trong việc triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP về góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững...
Trong quý III/2017, NHNN đã ban hành Quyết định công bố Danh mục thủ tục hành chính thực hiện và không thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích thuộc thẩm quyền giải quyết của NHNN. Theo đó, các danh mục công bố bao gồm: Danh mục thủ tục hành chính thực hiện tiếp nhận, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích thuộc thẩm quyền giải quyết của NHNN; Danh mục thủ tục hành chính không thực hiện tiếp nhận, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích thuộc thẩm quyền giải quyết của NHNN.
Theo quyết định công bố này, trừ 8 thủ tục hành chính thực hiện qua mạng internet hoặc phải nộp trực tiếp, toàn bộ 326 thủ tục hành chính còn lại đều có thể nộp hồ sơ, nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tiếp tùy thuộc nhu cầu của tổ chức, công dân.
Bên cạnh đó, NHNN đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước” tại NHNN. Theo đó, mục tiêu của kế hoạch là thiết lập khung pháp lý thống nhất về chế độ báo cáo của NHNN theo hướng đổi mới và giảm gánh nặng hành chính trong công tác báo cáo, đảm bảo hoạt động báo cáo được thực hiện theo nguyên tắc, quy trình, kỳ hạn và thời hạn gửi báo cáo thống nhất, đồng bộ; có cơ chế chia sẻ, sử dụng hiệu quả, thống nhất nguồn thông tin từ báo cáo, phục vụ có hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của NHNN; phấn đấu giảm tối thiểu 20% số báo cáo định kỳ, bãi bỏ các báo cáo không phù hợp với yêu cầu quản lý, lược bỏ những chỉ tiêu, nội dung báo cáo trùng lắp, không cần thiết, giảm gánh nặng hành chính, tiết kiệm chi phí trong thực hiện chế độ báo cáo.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, các TCTD đã chủ động rà soát, cắt giảm, bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong giao dịch. Các TCTD đã tích cực đổi mới thủ tục giao dịch; công bố công khai trên Trang tin điện tử các thông tin về hồ sơ tín dụng, dịch vụ, lãi suất, phí dịch vụ; quy định tiêu chuẩn chất lượng đối với các dịch vụ; cắt bỏ nhiều loại phí cho vay không cần thiết. Quy trình sản phẩm dịch vụ cho khách hàng được cải tiến thuận tiện, nhanh gọn hơn thông qua việc ứng dụng công nghệ (Internet Banking, Mobile Banking,...). Theo thống kê, thời gian, số lần giao dịch, giấy tờ cần cung cấp của khách hàng đã giảm 20-40%; một số quy trình/sản phẩm dịch vụ đã giảm 42% số lượng bản gốc mẫu biểu, giảm 45% số lượng chữ ký khách hàng và 48% số lượng chữ ký cán bộ ngân hàng trên hồ sơ; giảm 70-75% thời gian đăng ký do khách hàng thực hiện trực tuyến...
Trong công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính, NHNN đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị chấp hành tốt kỷ cương hành chính, cải cách thủ tục hành chính nội bộ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý và tác nghiệp. NHNN đã sớm phê duyệt và tổ chức triển khai Đề án điều tra sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp với hoạt động giải quyết thủ tục hành chính của NHNN; ban hành Danh mục tổng thể chế độ báo cáo và tổ chức rà soát theo đúng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất kinh doanh
Công tác cải cách hành chính của ngành Ngân hàng đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất kinh doanh. Theo công bố kết quả xác định chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của Bộ Nội vụ trong 4 năm (2013 - 2016), trong số 19 bộ ngành, NHNN luôn là đơn vị đứng vị trí hàng đầu.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban lãnh đạo NHNN và sự nỗ lực của các đơn vị, các TCTD, công tác cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng đã đạt được những kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào việc cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng nói riêng và môi trường kinh doanh nói chung, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận vốn ngân hàng.
Bên cạnh công tác cải cách hành chính, NHNN còn triển khai các giải pháp khác để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp. Trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ thuận lợi, từ đầu tháng 7/2017, NHNN đã điều chỉnh giảm lãi suất nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Cụ thể: Điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành của NHNN; Điều chỉnh giảm 0,5%/năm mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế. Ngay sau khi các quyết định điều chỉnh giảm lãi suất có hiệu lực, các TCTD đã thực hiện giảm lãi suất theo chỉ đạo của NHNN. Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên được các TCTD giảm 0,5%/năm. Bên cạnh đó, các TCTD cũng thực hiện giảm lãi suất cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh với lãi suất thấp hơn khoảng 0,5-1%/năm, giảm lãi suất một số chương trình cho vay trung và dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống còn khoảng 8%/năm, triển khai các gói tín dụng ngắn hạn, trung và dài hạn đa dạng với lãi suất ưu đãi cho các ngành thiết yếu trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội, áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng tốt khoảng 4-5%/năm.
Đồng thời, NHNN đã chỉ đạo mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn chất lượng tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn ngân hàng; điều hành tỷ giá theo hướng công bố tỷ giá trung tâm biến động linh hoạt hàng ngày ở mức hợp lý, đảm bảo thị trường ngoại hối hoạt động hiệu quả, thông suốt, đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Cơ cấu lại hệ thống TCTD, xử lý nợ xấu và tăng cường công tác thanh tra, giám sát; ...
Những giải pháp mà ngành Ngân hàng đã và đang triển khai cho thấy ngành luôn đặt lợi ích của doanh nghiệp trong mối quan hệ với lợi ích của ngân hàng, vì doanh nghiệp phát triển thì ngân hàng mới phát triển. Những nỗ lực này được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2018 (Doing Business Report 2018) của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số tiếp cận tín dụng (Getting credit) của Việt Nam xếp thứ hạng 29 trên tổng số 190 quốc gia được khảo sát, đạt 75 điểm trên thang điểm 100. Như vậy, chỉ số tiếp cận tín dụng đã đạt mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020. So với năm 2017, chỉ số này đã tăng 5 điểm và cải thiện 3 bậc. Chỉ số Tiếp cận tín dụng được đánh giá dựa trên các tiêu chí gồm: Độ mạnh của các quyền pháp lý (8/12 điểm), Độ sâu của thông tin tín dụng (7/8 điểm), Mức bao phủ của thông tin tín dụng công (51%) và Mức bao phủ của thông tin tín dụng tư nhân (19,7%). Đặc biệt, hai tiêu chí Độ sâu của thông tin tín dụng (7/8 điểm) và Mức bao phủ của thông tin tín dụng công (51%) của Việt Nam tiếp tục đạt mức cao trong nhiều năm, cao hơn nhiều so với khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (4,2/8 điểm và 16%) và nhóm các nước thu nhập cao OECD (6,6/8 điểm và 18,3%). So với các nước trong khu vực, chỉ số Tiếp cận tín dụng của Việt Nam đứng sau Malaysia (thứ 20) và đứng trên các nước Indonesia (thứ 55), Lào (thứ 77), Philippines (thứ 142). Về chấm điểm, chỉ số Tiếp cận tín dụng của Việt Nam đạt 75/100 điểm, tăng 5 điểm so với năm 2017 và cao hơn trung bình của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (57/100 điểm).