Phó Thống đốc Đào Minh Tú |
Như vậy, Chỉ số tiếp cận tín dụng đã đạt mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Phó Thống đốc Đào Minh Tú trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng.
Thưa Phó Thống đốc, trong những năm vừa qua công tác cải cách hành chính đã được NHNN triển khai quyết liệt như thế nào để đạt được kết quả trên?
Như chúng ta đã biết, cải cách nền hành chính có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước, được Đảng và Nhà nước đặc biệt chú trọng và xác định là một trong những khâu đột phá chiến lược để đưa nước ta cơ bản thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Theo định hướng đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 8/11/2011 phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020. Bám sát chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, với nhận thức vai trò, vị thế quan trọng của hệ thống ngân hàng trong nền kinh tế, trong suốt nhiều năm liên tục, ngành Ngân hàng đã chủ động xây dựng và kiên trì triển khai nhiệm vụ cải cách, đổi mới và phát triển toàn diện, nhằm phát huy tối ưu trọng trách ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng.
Từ việc xác định rõ quan điểm, định hướng trong chỉ đạo điều hành, NHNN đã xác định rõ các định hướng, mục tiêu và xây dựng kế hoạch cải cách hành chính hết sức cụ thể trong từng giai đoạn 5 năm và hàng năm để chỉ đạo và tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ trong toàn Ngành.
Đồng thời, NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ.
Ngoài các nhiệm vụ thuộc chức năng quản lý, NHNN đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể đối với hệ thống các TCTD về đơn giản hóa thủ tục vay vốn, cắt giảm lãi suất, phí dịch vụ đã trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp, thể hiện sự tích cực và trách nhiệm của ngành Ngân hàng đối với sự phát triển của hệ thống doanh nghiệp, góp phần rõ nét trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Có thể nói thời gian gần đây khối lượng công việc của các cơ quan hành chính nhà nước phát sinh rất lớn, nhiều việc cấp bách quan trọng cần phải huy động nhiều nguồn lực để triển khai. Do đó, cải cách trong phương thức điều hành là công việc hết sức cần thiết có ý nghĩa. Trong những năm vừa qua, bên cạnh việc tổ chức triển khai 6 lĩnh vực cải cách hành chính trọng tâm, NHNN cũng hết sức chú trọng chỉ đạo đẩy mạnh cải cách nội bộ tại Cơ quan NHNN Trung ương.Để đạt được những kết quả trên công tác cải cách hành chính trong nội bộ, lãnh đạo NHNN đã triển khai như thế nào, thưa Phó Thống đốc?
Thực tế bằng những kết quả đạt được trên các lĩnh vực cải cách của NHNN, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính đã tạo rất nhiều thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong quan hệ giao dịch hành chính, điển hình đó là cải cách thủ tục hành chính theo Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ và hàng loạt các cải cách trong lĩnh vực hoàn thiện thể chế và hiện đại hóa hoạt động NHNN… Tuy nhiên, những động lực cải cách sẽ ngày một giảm sút nếu không sự đổi mới trong cách làm, trong phương thức chỉ đạo điều hành.
Do đó, hàng năm, ngoài hội nghị toàn Ngành triển khai nhiệm vụ CCHC, NHNN thường xuyên tổ chức hội nghị để đánh giá, rút kinh nghiệm cải cách nội bộ từ đó đề ra phương hướng và các nhiệm vụ cụ thể. Nhiệm vụ cải cách nội bộ đề ra các giải pháp nhằm thúc đẩy hiệu quả công việc, nhanh chóng khắc phục, chấn chỉnh lại công tác quản lý nội bộ, chấp hành nghiêm túc quy chế, quy định về lề lối làm việc, cơ chế phối hợp, quy trình xử lý văn bản, công việc.
Đồng thời, cải thiện trong việc đề cao trách nhiệm trong hoạt động thực thi công vụ của cán bộ, công chức và gắn chế độ trách nhiệm cùng kết quả thực thi công vụ với các chế tài về khen thưởng, kỷ luật, thăng tiến, đãi ngộ.
Và bên cạnh đó chúng tôi sẽ kết hợp với những hình thức tuyên truyền, giáo dục, phát huy vai trò tích cực của các tổ chức đoàn thể vừa giáo dục vừa động viên cán bộ công chức và người lao động, từ đó thúc đẩy được ý thức tự giác, động cơ công vụ công tâm, trong sáng, có tinh thần yêu ngành, yêu nghề, truyền thống đoàn kết và tự hào với công việc của mình. Đây chính là mục tiêu chính, quan trọng trong nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, công chức đã và đang được hiện thực hóa tại NHNN.
Ngân hàng và doanh nghiệp là bạn đồng hành, vậy trong thời gian tới, để nâng cao chỉ số tiếp cận tín dụng hỗ trợ DN thì công tác CCHC sẽ được triển khai như thế nào, thưa Phó Thống đốc?
Có thể nói, với tinh thần chủ động nhận thức về trách nhiệm chính trị của hệ thống ngân hàng với nền kinh tế, NHNN đã ban hành Quyết định số 1355 về Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Nghị quyết số 19, Nghị quyết số 35 của Chính phủ, hướng mục tiêu tổng quát đến nâng cao Chỉ số tiếp cận tín dụng, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Tại kế hoạch hành động và liên tục tại nhiều hội nghị triển khai, NHNN đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Chỉ đạo các TCTD công khai thủ tục cho vay, cung cấp dịch vụ đối với khách hàng; Cải tiến, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt phiền hà cho khách hàng vay vốn.
Các đơn vị trong toàn Ngành cũng chủ động tích cực trong việc phối hợp với chính quyền địa phương các cấp triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên toàn quốc nhằm đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, tìm hiểu khó khăn, từ đó có giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Chỉ tính riêng trong năm 2017, ngành Ngân hàng đã tổ chức hơn 370 buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp được tổ chức. Đã giải ngân cho hơn 60.000 khách hàng với tổng số tiền trên 800.000 tỷ đồng; gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ cho gần 4.000 DN và hơn 9.000 khách hàng khác.
Bên cạnh đó, hệ thống các TCTD đã tích cực đổi mới, đưa ra trên 70 chương trình, sản phẩm tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp với nguồn vốn ưu đãi, trong đó có 15 chương trình áp dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp.
Trong thời gian tới, để duy trì các hoạt động cải cách, tiếp tục cải thiện hơn nữa việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, NHNN tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể theo định hướng như sau:
Thứ nhất, chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc NHNN thường xuyên theo dõi, nắm bắt những tồn tại, vướng mắc về cơ chế chính sách thuộc các lĩnh vực hoạt động ngân hàng, về quan hệ tín dụng, dịch vụ và liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hoạt động của doanh nghiệp nhằm kịp thời nghiên cứu, sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Thứ hai, chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành chủ động và thường xuyên triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vốn cho doanh nghiệp.
Ba là, chỉ đạo các TCTD quán triệt, phổ biến, hướng dẫn trong toàn hệ thống; tập trung triển khai có kết quả các giải pháp về cải tiến thủ tục, hồ sơ trong việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.
Nghiên cứu đề xuất các chương trình nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Khuyến khích công bố những gói sản phẩm hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (hỗ trợ về vốn, lãi suất, thời hạn cho vay...); Cung cấp các sản phẩm hỗ trợ trong lĩnh vực thanh toán, tiền tệ...
Tóm lại, cải cách thủ tục hành chính vừa qua và hiện nay luôn là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao chỉ số tiếp cận tín dụng và là biện pháp thiết thực để ngân hàng luôn đồng hành cùng doanh nghiệp.