Từ NHTW đến các TCTD
Báo cáo kết quả triển khai nhiệm vụ cải cách hàng chính (CCHC) của NHNN cho thấy, trong những năm qua ngành Ngân hàng tích cực trong triển khai công tác CCHC. Kết quả CCHC góp phần cải thiện tích cực môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, đóng góp quan trọng vào việc cải thiện môi trường kinh doanh nói chung, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận vốn ngân hàng. Nhờ đó, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam năm 2018 đã được Ngân hàng Thế giới xếp hạng 29/190, tăng 3 bậc và đứng thứ 4 trong ASEAN. Chỉ số CCHC (Par Index) công bố trong năm 2017, NHNN tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu trong số các Bộ, ngành.
Đối với lĩnh vực cải cách hoàn thiện thể chế, NHNN luôn chú trọng và có nhiều đổi mới trong việc theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị thực hiện đúng tiến độ. các đơn vị chức năng đã tập trung nguồn lực, tổ chức triển khai tích cực và có nhiều cải thiện tích cực so với những năm trước đây; chất lượng các văn bản được nâng cao rõ rệt. Nhiều văn bản quan trọng đã được xây dựng, ban hành kịp thời để hoàn thiện thể chế, nổi bật là việc Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm về XLNX và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) được tổ chức triển khai thường xuyên, liên tục để kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các TTHC, đảm bảo tinh thần cải cách, minh bạch.
Thực hiện chỉ đạo của NHNN, hệ thống các TCTD cũng đã chủ động rà soát, cắt giảm, bãi bỏ nhiều TTHC tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vay vốn và sử dụng các dịch vụ. Các TCTD đã tích cực đổi mới thủ tục giao dịch; công bố công khai trên Trang tin điện tử các thông tin về hồ sơ tín dụng, dịch vụ, lãi suất, phí dịch vụ; quy định tiêu chuẩn chất lượng đối với các; cắt bỏ nhiều loại phí cho vay không cần thiết…
Bên cạnh việc chỉ đạo cải cách TTHC của các TCTD, NHNN còn thực hiện chỉ đạo đẩy mạnh CCHC nội bộ của Cơ quan NHNN Trung ương. Đến nay, các đơn vị trong cơ quan NHNN Trung ương đã triển khai tích cực, đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục, chấn chính trong công tác quản lý nội bộ; tuân thủ đúng các quy định tại quy chế làm việc và nội quy, quy định của NHNN về lề lối làm việc, chất lượng công tác công vụ công chức được cải thiện, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của NHNN, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả điều hành của Thống đốc và Ban lãnh đạo NHNN.
Thủ trưởng các đơn vị đã có sự quan tâm và xác định CCHC là nhiệm vụ quan trọng nhằm cải thiện nâng cao hiệu quả chất lượng công việc.
CCHC gắn với quy chế nền hành chính hiện đại
Trong triển khai công tác CCHC, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thời gian qua là nền tảng chủ yếu hiện đại hóa hoạt động ngân hàng. Cục CNTT đã ứng dụng hầu hết các hoạt động, nghiệp vụ của NHNN. Các dự án CNTT triển khai cơ bản đúng tiến độ và đáp ứng yêu cầu. Việc hoàn thành dự án FSMIMS là kết quả quan trọng cho việc hiện đại hóa công tác hành chính của NHNN.
Ông Đoàn Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin cho biết, với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng CNTT để phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp, đến nay, 100% TTHC của NHNN đã được đăng trên Cổng thông tin điện tử NHNN phục vụ nhu cầu tìm hiểu, tra cứu thông tin của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành. Trong tổng số 326 dịch vụ hành chính công có 309 dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và 17 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên.
“Đẩy mạnh quá trình ứng dụng CNTT trong việc cung cấp minh bạch thông tin và tăng cường dịch vụ công của NHNN. Trên hạ tầng công nghệ đã trang bị, triển khai tiếp các dịch vụ công khác của NHNN lên mức 3, 4. Phấn đấu đến năm 2020 có 80% dịch vụ công NHNN cung cấp cho người dân và doanh nghiệp đạt mức độ 3 trở lên”, ông Hải cho biết thêm.
Thông tin về kết quả triển khai công tác cải cách, kiện toàn bộ máy công vụ, công chức, ông Lê Thái Nam – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho biết, chúng ta dần hiện đại hóa bộ máy tổ chức của NHNN. Cụ thể đã giảm được một đầu mối Văn phòng NHNN tại TP. Hồ Chí Minh; trên hệ thống Cơ quan NHNN Trung ương giảm tổng cộng 74 phòng từ 447 phòng xuống còn 373 phòng; đáng chú ý Vụ Thi đua khen thưởng và Vụ Truyền thông không còn cấp phòng.
Các ý kiến phát biểu của đại diện Cơ quan Thanh tra giám sát, Vụ Pháp chế, Vụ quản lý ngoại hối... đã đưa ra các kiến nghị, giải pháp để nền CCHC của Cơ quan NHNN Trung ương được triển khai tốt hơn trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú ghi nhận, công tác CCHC và cải cách TTHC, thiết lập kỷ cương gắn với quy chế nền hành chính hiện đại đã đạt được kết quả tích cực, nâng cao được vị thế, uy tín của NHNN Trung ương.
Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc, muốn xây dựng hình ảnh Ngân hàng Trung ương hiện đại thì phải hiện đại cả về phong cách, về lề lối làm việc của từng cán bộ, nhân viên. Bên cạnh đó, hiện nay mọi mặt của đời sống xã hội đều tác động trực tiếp đến ngân hàng thì bộ máy của NHNN Trung ương phải hiệu quả, làm tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng sự kỳ vọng của xã hội. Đặc biệt, NHNN phải tham gia tích cực vào chủ trương xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân mà Chính phủ đề ra.
Trên tinh thần đó, Phó Thống đốc đề nghị các đơn vị của cơ quan NHNN Trung ương phải thực hiện tốt một số nhiệm vụ.
Thứ nhất, phải quán triệt coi CCHC là nhiệm vụ phải chú trọng, không chỉ triển khai một ngày, một tháng mà triển khai trong cả năm và nhiều năm. Không chỉ xử lý các công việc cụ thể mà phải nâng cao năng lực điều hành trong đơn vị, trong toàn ngành, chú trọng tới nâng cáo tính chủ động hơn trong công việc.
Thứ hai, tiếp tục cải cách vào 5 lĩnh vực chủ đạo gồm: Cải cách thể chế, ban hành văn bản pháp luật; Cải cách về TTHC trong chính hoạt động của NHTW; Cải cách công vụ công chức, hoàn thiện tổ chức bộ máy; Hiện đại hóa nền hành chính.
Thứ ba, trong công tác CCHC phải đòi hỏi tính sáng tạo, chủ động, tham mưu đề xuất trong công tác cải cách.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả chất lượng của từng cán bộ, từng phòng ban, gắn chất lượng công việc với đánh giá hiệu quả, không cào bằng trong thi đua, khen thưởng.
Thứ năm, cần tiếp tục hoàn thiện văn bản, quy chế liên quan tới văn hóa, đạo đức công chức, công vụ…