Bộ Luật Dân sự 2015 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2017, tuy nhiên, cần tìm hiểu và nghiên cứu kỹ khoản 1, Điều 468, nhất là đối với cụm từ “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác” để tránh nhầm lẫn giữa việc cho vay dân sự và cho vay tại các TCTD.
Tại Điều 468 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về lãi suất như sau:
1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực;
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ”.
Theo đó, khi Bộ Luật Dân sự 2015 phát huy hiệu lực ngày 01/01/2017, lãi suất thỏa thuận của khoản tiền vay không được vượt quá 20%/năm, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Tại Khoản 1 Điều 91 Luật Các Tổ TCTD 2010 quy định: “TCTD và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD theo quy định của pháp luật”. Như vậy, về lãi suất cấp tín dụng (bao gồm cả lãi suất cho vay tiêu dùng), Luật Các TCTD 2010 có quy định khác với quy định tại Bộ Luật Dân sự 2015. Do đó, từ ngày 01/01/2017, lãi suất cho vay giữa TCTD đối với khách hàng sẽ phải tuân theo quy định tại Luật Các TCTD 2010.
Theo ông Đoàn Thái Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN,từ ngày 1/1/2017, lãi suất cho vay giữa TCTD đối với khách hàng sẽ phải tuân theo quy định tại luật chuyên ngành, cụ thể là Luật Các TCTD 2010 và Luật NHNN.
Để triển khai quy định của Bộ Luật Dân sự 2015 về hoạt động ngân hàng, NHNN dự kiến quy định lãi suất cho vay (bao gồm cả lãi suất cho vay tiêu dùng) tại Thông tư qui định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng thay thế Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN theo hướng: TCTD và khách hàng được thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung – cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp NHNN áp dụng cơ chế lãi suất khác theo khoản 3 Điều 91 Luật Các Tổ chức tín dụng 2010. Trước mắt, quy định về lãi suất tại Điều 468, Bộ luật Dân sự 2015 chỉ áp dụng đối với hợp đồng vay tài sản (bao gồm cả cho vay tiền), không áp dụng đối với các hoạt động cấp tín dụng khác (ngoài hoạt động cho vay) của TCTD. Lãi suất cấp tín dụng khác (ngoài hoạt động cho vay) thực hiện theo quy định của Luật Các TCTD 2010 và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Đồng thời, tại Thông tư cho vay của TCTD, NHNN dự kiến bổ sung các quy định về minh bạch lãi suất, chi phí vay vốn để bảo đảm quyền lợi của người vay.
Ông Hà Hùng Cường - Trưởng ban soạn thảo Bộ luật Dân sự 2015, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhận định, Bộ luật Dân sự 2015 đã mở đường cho lĩnh vực tài chính - ngân hàng, bởi trong Luật Các TCTD, việc cho phép cho vay giữa các TCTD với nhau, giữa TCTD với cá nhân, pháp nhân nào đó hoàn toàn theo thị trường và do chính sách của ngân hàng quyết định. Điều này cũng phù hợp với Luật Các TCTD năm 2010 và phù hợp với thị trường vì trên thực tế, một ngân hàng cho vay dự án có tính khả thi cao thì người vay có thể được hưởng mức lãi suất thấp, còn với các dự án có tính rủi ro cao, đương nhiên lãi suất sẽ không thể nào thấp được.