Bên cạnh sự thuận tiện và góp phần phổ cập tài chính, hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt gần đây một số đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng đen… núp bóng, trá hình, thông qua hình thức biến tướng của cho vay ngang hàng để tiến hành các hoạt động bất hợp pháp, tác động bất lợi, bất ổn đến an sinh xã hội.
Tiềm ẩn rủi ro khi tham gia hoạt động cho vay ngang hàng
P2P Lending là hoạt động được thiết kế và xây dựng trên nền tảng ứng dụng công nghệ số để kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính như tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Hoạt động P2P Lending bắt đầu tại Việt Nam từ năm 2016 và phát triển mạnh trong năm 2018 với sự xuất hiện của nhiều công ty P2P Lending, trong đó một số công ty đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm và nghiên cứu thị trường, tìm hiểu quy định của pháp luật để chính thức hoạt động quy mô rộng trên phạm vi toàn quốc.
Qua khảo sát sơ bộ của các cơ quan chức năng, hiện nay có khoảng gần 100 công ty Fintech trong lĩnh vực P2P Lending (bao gồm cả công ty đã đi vào hoạt động chính thức và một số công ty đang trong giai đoạn thử nghiệm/thí điểm). Trong số này, có nhiều công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc, một số công ty của Indonesia, Singapore. Trong bối cảnh một số quốc gia trong khu vực Châu Á thắt chặt quản lý hoạt động P2P Lending (như Trung Quốc, Indonesia, Singapore,…) thì các công ty nước ngoài, đặc biệt là các công ty P2P Lending của Trung Quốc đang tìm cách chuyển hướng hoạt động sang thị trường Việt Nam.
Phần lớn công ty P2P Lending ở Việt Nam đang tự áp lãi suất trên các tiêu chí tự xây dựng; mức lãi suất này sẽ thay đổi dựa trên điểm tín nhiệm (do hệ thống chấm) đối với người cho vay, thời hạn vay và các tiêu chí khác của người đi vay. Khi tham gia mô hình P2P Lending, người vay phải trả lãi suất cho nhà đầu tư, phí sàn kết nối trả cho công ty P2P Lending và phí đảm bảo trả cho người đảm bảo (nếu có). Đồng thời, thông qua công nghệ phân tích dữ liệu lớn để đánh giá hành vi và chấm điểm tín dụng của người vay, các công ty này kết nối người vay và người cho vay.
Theo khảo sát của NHNN, hoạt động P2P Lending tại các công ty đang được triển khai theo một số mô hình cơ bản: Công ty cầm đồ cho vay online; công ty P2P Lending hợp tác với công ty cầm đồ; công ty P2P Lending hợp tác với tổng đại lý phát triển khách hàng của công ty tài chính để giới thiệu khách hàng cho công ty tài chính; công ty P2P Lending là trung gian kết nối giữa người đi vay cá nhân/tổ chức với người cho vay là cá nhân.
Theo đó, rất ít công ty thực hiện theo đúng mô hình P2P Lending truyền thống trên thế giới (mô hình P2P Lending hợp tác với ngân hàng, mô hình P2P Lending cam kết về lợi nhuận), mà có hiện tượng biến tướng của công ty cầm đồ cho vay online, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
NHNN cũng từng cảnh báo một số rủi ro từ hoạt động P2P Lending như: Thông tin cá nhân của các bên tham gia có thể bị đánh cắp do lỗ hổng bảo mật; hệ thống lưu trữ thông tin của Công ty P2P Lending có thể bị chiếm quyền kiểm soát hoặc bị đánh sập bởi hackers dẫn đến toàn bộ thông tin giao dịch của các bên bị mất hoặc xóa ; một số đối tượng ẩn danh và núp bóng giao dịch trên các nền tảng P2P Lending để trốn thuế, rửa tiền, tài trợ khủng bố; hoặc biến tướng để huy động tài chính đa cấp khiến người cho vay, người đi vay trở thành nạn nhân của hành vi lừa đảo, chiếm dụng vốn bất hợp pháp; hoặc nhiều đối tượng cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen “núp bóng” các nền tảng P2P Lending để cho vay với mức lãi suất rất cao, vượt xa mức trần lãi suất 20%/năm của khoản tiền vay được qui định tại Điều 468 Bộ Luật Dân sự năm 2015.
Thực trạng trên đã đặt ra những thách thức vô cùng lớn trong công tác quản lý, giám sát đối với các cơ quan quản lý nhà nước.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã tích cực và chủ động triển khai nhiều giải pháp cấp bách, kịp thời nhằm tạo điều kiện thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng đổi mới, sáng tạo hoạt động trong lĩnh vực này phát triển, nhưng mặt khác cũng đảm bảo phòng ngừa rủi ro phát sinh; răn đe, phòng chống và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
Việc xây dựng chế tài pháp luật để xử lý vi phạm liên quan đến việc sử dụng ứng dụng cho vay trên mạng Internet thuộc trách nhiệm của nhiều Bộ, ngành. Hiện nay, Chính phủ giao NHNN chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu để xây dựng cơ chế thí điểm đối với hoạt động cho vay ngang hàng. NHNN đã phối hợp các Bộ, ngành xây dựng và đang hoàn thiện để trình Chính phủ Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó có cơ chế quản lý thí điểm đối với P2P Lending. Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2021của Thủ tướng cũng giao NHNN xây dựng nghị định thí điểm về kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ (fintech), trong đó có đề cập một hoạt động thử nghiệm về P2P Lending.
Nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho người dân
Trong bối cảnh chưa có hành lang pháp lý đầy đủ điều chỉnh đối với lĩnh vực cho vay ngang hàng, người dân, doanh nghiệp cần tìm hiểu kĩ, thận trọng khi tham gia; tìm hiểu và tiếp cận vốn qua kênh tín dụng ngân hàng chính thống, tránh bị lừa đảo, rơi vào vòng xoáy cho vay nặng lãi của tín dụng đen.
Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt người dân nông thôn, vùng sâu vùng xa và doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, qua đó góp phần hạn chế dụng đen.
Cụ thể, NHNN đã ban hành Quyết định 1178/QĐ-NHNN ngày 31/5/2019 về Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen, với các nhiệm vụ trọng tâm như: Tăng cường truyền thông cơ chế, chính sách cho vay, dịch vụ ngân hàng đến đông đảo người dân; Hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến; Chỉ đạo TCTD mở rộng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng qua các kênh tín dụng chính thức; Phát triển mạng lưới tổ chức tín dụng, các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng miền nhằm gia tăng tiếp cận dịch vụ đến người dân...
NHNN cũng ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phù hợp với thực tiễn; ban hành Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010, sau đó là Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 và Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với nhiều cơ chế ưu đãi đột phá (như nâng mức cho vay không có tài sản đảm bảo đối với cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp cư trú ngoài khu vực nông thôn từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng để kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn của người dân, góp phần hạn chế việc người dân tìm đến nguồn vốn khác; mở rộng việc cho vay không có tài sản đảm bảo đối với doanh nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...)
Quy định trần lãi suất đối với các lĩnh vực ưu tiên phát triển, trong đó có nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được hưởng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ thấp hơn 1%-2%/năm so với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường (hiện nay là 4,5%/năm). Bên cạnh đó, NHNN cũng đã triển khai nhiều chương trình tín dụng như: Cho vay hỗ trợ lãi suất để tăng cường cơ giới hóa và giảm tổn thất trong nông nghiệp; Cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; Cho vay hỗ trợ nhà ở; Cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH)...
Về mạng lưới, nếu như trước đây chỉ có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho vay lĩnh vực này, thì hiện nay có khoảng hơn 70 NHTM, hơn 1.100 Quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tham gia cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn; bên cạnh mô hình ngân hàng lưu động của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các điểm giao dịch của NHCSXH đặt tại hầu hết các xã, thôn, bản tại 63 tỉnh, thành phố đã hỗ trợ tài chính và cung cấp dịch vụ ngân hàng tới tận vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn cho đại đa số bộ phận người dân.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), đến cuối tháng 11/2020, tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên trong đó lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (là nơi dễ phát sinh hoạt động “tín dụng đen”) có mức tăng trưởng khá với dư nợ cho vay đạt khoảng 2,17 triệu tỷ đồng với 14,12 triệu khách hàng còn dư nợ, chiếm 24,5% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, tăng khoảng 6,5% so với cuối năm 2019.
Các TCTD cũng đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng với dư nợ chiếm 20% dư nợ nền kinh tế. Riêng chương trình cho vay tiêu dùng 5.000 tỷ đồng của Agribankđã cho hơn 441 nghìn lượt khách hàng vay vốn, doanh số cho vay đạt trên 21 nghìn tỷ đồng, dư nợ đạt khoảng trên 2.500 tỷ đồng. Bên cạnh nguồn vốn tín dụng thương mại, NHCSXH đang triển khai 20 chương trình tín dụng ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh và tiêu dùng cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách với dư nợ đạt hơn 225 nghìn tỷ đồng, tăng 8,98% so với 31/12/2019, với gần 6,5 triệu khách hàng còn dư nợ.
Trong thời gian tới, để góp phần hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen, các TCTD đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản quy trình, thủ tục vay vốn để tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ khôi phục nền kinh tế sau giai đoạn Covid-19; kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình cho vay. Đồng thời, công tác truyền thông tiếp tục được tăng cường nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người dân, doanh nghiệp về các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng giúp người dân, doanh nghiệp hiểu về tín dụng từ các kênh cung cấp tín dụng chính thức. Bên cạnh đó tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các TCTD, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm liên quan đến “tín dụng đen”.
Tuy nhiên, để có hiệu quả tốt nhất trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.