Gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến báo cáo của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) với đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tìm cách huy động vàng trong dân, và cho rằng điều này giúp tránh lãng phí một nguồn vàng lớn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo, NHNN không nên tính chuyện huy động vàng trong dân dưới bất kỳ hình thức nào. Bởi lẽ việc này chứa ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là sự biến động về giá.
Việc huy động, dù là do nhà nước hay tổ chức tín dụng thực hiện thì trên thế giới đều chưa có tiền lệ. Một chuyên gia kinh tế nêu vấn đề, nếu huy động vàng rồi hoán đổi ra ngoại tệ thì có rủi ro kép về tỷ giá. Khi vàng được huy động và gửi ra thị trường quốc tế với kỳ hạn rất dài, 9 tháng đến 1 năm, lãi suất rất thấp, trong khi người dân gửi ngắn hạn. Như vậy, điều này sẽ mất cân đối kỳ hạn, khi dân đến rút vàng nhưng không có, NHNN phải nhập vàng để trả, từ đó sẽ gây tác động dây chuyền đến tình trạng ngoại hối của NHNN.
Thực tế, thời gian qua, vàng cũng luôn gây áp lực lên việc điều hành tỷ giá, quỹ dự trữ ngoại hối thâm hụt khi hàng tỉ USD mỗi năm thường xuyên bị chảy ra nước ngoài để nhập vàng. Nhưng rủi ro lớn nhất nằm ở sự biến động dữ dội của giá vàng trước các cơn sóng ngầm từ thế giới. Mới đây nhất là sự kiện Anh quyết định rời EU, giá vàng trong nước theo đà tăng của giá vàng thế giới, cũng nhanh chóng cán mốc 37 triệu đồng/lượng từ mức gần 34 triệu đồng/lượng. Giả sử lúc đó NHNN vay vàng của dân, liệu rằng có thể đảm bảo chắc chắn sẽ mua đủ vàng để trả hoặc quỹ dự trữ ngoại hối sẽ bị thâm thủng bao nhiêu khi mỗi lượng vàng đã vay bị đội lên gần 3 triệu đồng/lượng?
Hiện thị trường còn tranh cãi xung quanh câu chuyện Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI huy động vàng trả lãi thời gian qua. Chưa rõ đúng – sai, DOJI có được phép huy động vàng hay không nhưng thiệt hại trong trường hợp này lại có thể chính là người gửi vàng. Như vậy, nếu giá vàng biến động, thanh khoản khó khăn, ai sẽ bảo vệ người gửi vàng khi chưa có hành lang pháp lý đảm bảo quyền lợi cho đối tượng này.
Trong mấy năm qua, NHNN đã thực hiện đúng như cam kết, đó là huy động nguồn lực vàng thông qua quan hệ mua bán. Cụ thể, pháp luật cho phép người dân mua bán vàng tại các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng đủ điều kiện mua bán vàng. Nếu muốn bảo quản an toàn tài sản của mình, người dân có thể sử dụng dịch vụ giữ hộ, có thu phí. Thị trường vàng cũng khá im ắng, người dân đã bớt quan tâm đến vàng, giao dịch tại các công ty kinh doanh vàng và ngân hàng đều rất ảm đạm. Cũng chính vì vậy, dù gần đây NHNN không gia tăng thêm biện pháp can thiệp nhưng giá vàng trong nước có nhiều thời điểm đã thấp hơn giá thế giới.
Nhiều chuyên gia nêu quan điểm, việc huy động vàng trong dân và thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia là không khả thi, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
TS. Cao Sỹ Kiêm lo ngại nếu huy động vàng trong dân mà Nhà nước không kiểm soát tốt thì hiện tượng đầu cơ, nguy cơ “vàng hóa “ trong nền kinh tế có thể trở lại, trong khi đó, nhiệm vụ hàng đầu của NHNN là giữ ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng. Ông Kiêm cho biết: “Chúng ta đã chống vàng hóa thành công, giờ lại đuổi theo mà không kiểm soát được rất có thể tạo ra sự hỗn loạn trên thị trường vàng, tạo cơ hội cho các hoạt động đầu cơ, kinh doanh chụp giật, thậm chí lừa đảo trên thị trường vàng, rất nguy hiểm”.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia là không cần thiết. TS. Vũ Đình Ánh cảnh báo về hệ lụy của việc huy động vàng trong dân là nguy cơ vàng hóa nền kinh tế có thể trở lại. Ông nhấn mạnh: “Vấn đề không phải là huy động vàng trong dân, vấn đề là làm sao để người dân không tập trung vào vàng. Huy động vàng trong dân có thể kéo theo những hệ lụy khác. Nếu chúng ta cứ trao cho vàng chức năng như một loại tiền tệ hay công cụ tài chính thì có thể sẽ lại quay về tình trạng vàng hóa nền kinh tế”.
Theo TS Vũ Đình Ánh, điều cần làm là tạo ra một môi trường đầu tư để thay vì mua vàng, người dân sẽ đầu tư và tìm kiếm lợi nhuận, làm tài sản sinh sôi nảy nở thông qua các kênh đầu tư khác. Lựa chọn hình thức nào thì lựa chọn, mục tiêu quan trọng vẫn là làm sao để người dân có kênh đầu tư hiệu quả hơn việc tích trữ vàng. Từ đó, họ sẽ không tích trữ vàng mà sử dụng nguồn lực tiền tệ cho các mục tiêu đầu tư, phát triển, sinh lợi kể cả trực tiếp hay gián tiếp.
Theo chuyên gia kinh tế TS Bùi Quang Tín - ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, đề xuất của VGTA để hút 500 tấn vàng trong dân là không khả thi. TS Bùi Quang Tín cho rằng, việc tận dụng nguồn lực của người dân, trong bối cảnh nhà nước còn khó khăn là chủ trương đúng đắn. Nhưng vay vàng thông qua huy động trả lãi suất như đề xuất của VGTA lại ẩn chứa nhiều rủi ro, khó lường. Ông Tín phân tích, thời điểm này chưa nên thành lập một Sở giao dịch vàng quốc gia, nên đợi tối thiểu từ 3 - 5 năm. Có 3 lí do chính: Thứ nhất, số liệu 500 tấn vàng trong dân hiện nay phi thực tế. Con số này chỉ nghe nói chứ không có tính toán bởi chỉ dựa vào công bố của Hiệp hội Kinh doanh vàng thế giới về số lượng vàng nhập khẩu vào Việt Nam trong thời gian qua. Nói cách khác, số lượng vàng trong dân thực chất là bao nhiêu thì đến nay không ai có thể trả lời được. Thứ hai, giả sử có 500 tấn vàng được nhập vào Việt Nam thì chưa chắc 500 tấn vàng đó nằm trong két của người dân. Ông Tín cho rằng, có đến hơn 70% trong 500 tấn vàng đó nằm ở các công ty vàng, doanh nghiệp vàng, thậm chí là ở các ngân hàng thương mại và khoảng gần 30% tấn vàng mới nằm ở người dân. “Nhưng không phải nằm ở két sắt, do thời gian qua, họ cũng đã bán ra để kinh doanh, nhất là trong thời gian đỉnh điểm giá vàng lên cao, thời điểm thị trường chứng khoán phát triển, bất động sản sôi động”, TS Tín phân tích. Thứ ba, chính sách tiền tệ của Nhà nước trong thời gian vừa qua phù hợp nên đã triệt tiêu tâm lý đầu cơ vàng trong dân. Vì thế, có thể chỉ còn khoảng 5 - 10% số vàng nằm trong két dự trữ của người dân. Chính vì vậy, việc thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia để thu hút vàng trong dân là không khả thi.
Một vấn đề khác là, nếu thành lập Sở giao dịch vàng thì hiện nay chỉ đáp ứng cho hai đối tượng. Một là, đáp ứng cho cá nhân tham gia sàn giao dịch vàng để đầu cơ, lướt sóng. Đây là những đối tượng tạo ra những cơn biến động vàng của thị trường vàng và tỷ giá USD trước đây. Hai là, đáp ứng cho các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại muốn tham gia vào để đầu cơ lướt sóng và kiếm lợi nhuận. Theo TS Tín, hai đối tượng này chưa được Nhà nước khuyến khích, bởi cách kinh doanh này không nhằm phát triển dịch vụ, sản xuất và đầu tư đem lại lợi ích cho nền kinh tế, thậm chí còn làm mất ổn định thị trường tài chính tiền tệ.
Theo NHNN, trước thời điểm ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, hoạt động kinh doanh vàng không được quản lý, thị trường vàng diễn biến bất thường, hoạt động đầu cơ, làm giá dẫn đến “con sốt vàng” liên tiếp diễn ra, ảnh hưởng lớn đến tỷ giá, dự trữ ngoại hối nhà nước, gia tăng tỷ lệ vàng hóa, gây mất niềm tin vào Đồng Việt Nam và ảnh hưởng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô. Để lập lại trật tự thị trường vàng, khắc phục bất cập của cơ chế quản lý trước đây, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 24 và ban hành các văn bản hướng dẫn đưa ra hàng loạt biện pháp quản lý đồng bộ.
Kết quả những năm qua cho thấy, quyền sở hữu, tích trữ, mua, bán vàng miếng hợp pháp của người dân được bảo vệ; thị trường vàng được sắp xếp lại một cách cơ bản; trật tự, kỷ cương trên thị trường đã được xác lập, tạo tiền đề phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của người dân; ngăn chặn được ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; vai trò quản lý nhà nước đối với thị trường vàng được nâng cao; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế; tình trạng đầu cơ, nhập lậu vàng được kiểm soát; vàng miếng không được sử dụng làm phương tiện thanh toán; tiến tới từng bước huy động được nguồn lực vàng trong dân phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Hay nói cách khác, cơ chế quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24 đã được thực tiễn chứng minh là phù hợp.