BHTGVN được thành lập năm 1999 và chính thức đi vào hoạt động ngày 7/7/2000 - phù hợp với hệ thống BHTG của các quốc gia trên thế giới. Niềm tin của người gửi tiền vào Nhà nước, pháp luật cũng như các tổ chức tín dụng ngày càng được củng cố và tăng lên. Nếu trước đây, người dân lo sợ sự sụp đổ của các tổ chức tín dụng sẽ làm mất trắng số tiền tiết kiệm của họ, thì nay người dân đã có một sự bảo đảm nhất định, đã có một cơ chế bảo vệ họ khi rủi ro xảy ra.
Trong khuôn khổ pháp luật về chính sách BHTG, BHTGVN tham gia vào suốt quá trình tồn tại của một tổ chức tín dụng: từ khi thành lập (cấp Giấy chứng nhận tham gia BHTG), hoạt động (thông tin tuyên truyền cách thức bảo vệ tiền gửi; thường xuyên giám sát, kiểm tra; tham gia quá trình kiểm soát đặc biệt và xử lý khó khăn của các tổ chức tín dụng) và chấm dứt hoạt động (chi trả tiền gửi được bảo hiểm).
Chính sách BHTG tại Việt Nam được quy định cụ thể, rõ ràng trong Luật Bảo hiểm tiền gửi và các văn bản hướng dẫn do Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, BHTGVN ban hành. Theo đó, cơ chế tham gia BHTG là bắt buộc; đối tượng tham gia và có trách nhiệm nộp phí BHTG là tất cả các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được huy động tiền gửi cá nhân bằng đồng Việt Nam (trừ Ngân hàng Chính sách xã hội); đối tượng được bảo vệ, nhận tiền bảo hiểm khi có sự kiện luật định phát sinh là người gửi tiền; số tiền chi trả bảo hiểm theo hạn mức do Chính phủ quyết định theo từng thời kỳ. Như vậy, đối tượng phải nộp phí BHTG là tổ chức tín dụng nhận tiền gửi, người gửi tiền không phải nộp phí BHTG nhưng là đối tượng được BHTGVN bảo vệ.
Trải qua hơn 20 năm hoạt động và phát triển, các cơ chế, chính sách tín dụng nói chung và chính sách tiền gửi nói riêng đã không ngừng được nghiên cứu, sửa đổi và hoàn thiện. Trong đó phải kể đến chính sách BHTG về hạn mức trả tiền bảo hiểm đã 3 lần thay đổi, từ 30 triệu đồng năm 1999 lên 50 triệu đồng năm 2005, năm 2017 tăng lên 75 triệu đồng và từ ngày 12/12/2021 là 125 triệu đồng/người/một tổ chức tham gia BHTG. Sự điều chỉnh hạn mức chi trả tiền bảo hiểm thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với quyền và lợi ích hợp pháp của người dân có tiền gửi.
Với hạn mức trả tiền bảo hiểm mới, BHTGVN đã bảo vệ được đa số người gửi tiền (gần 91%), đặc biệt bảo vệ được toàn bộ người gửi tiền nhỏ lẻ - đối tượng thường gặp khó khăn nhất khi ngân hàng không có khả năng chi trả tiền gửi. Điều này chứng tỏ chính sách BHTG đã bám sát thị trường, phản ánh và đảm bảo phần lớn tâm tư, nguyện vọng của người gửi tiền, làm gia tăng sự tin tưởng của nhân dân vào hệ thống các tổ chức tín dụng, thu hút được dòng tiền nhàn rỗi để phát triển kinh tế, xã hội.
Chi nhánh BHTGVN khu vực Tây Bắc Bộ (Chi nhánh) được BHTGVN phân công quản lý 101 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn 8 tỉnh phía Bắc Việt Nam, trong đó có tới 7 tỉnh thuộc khu vực trung du miền núi phía Bắc. Đặc thù của các tỉnh trung du miền núi phía Bắc là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh nhỏ lẻ; điều kiện tự nhiên kém thuận lợi: địa hình hiểm trở, khí hậu diễn biến thất thường (mưa bão, rét đậm, lũ quét…) gây ảnh hưởng trực tiếp đến giao thông, đời sống và sự phát triển kinh tế của khu vực.
Ở thành thị, kinh tế phát triển, các tổ chức tín dụng có sự cạnh tranh lớn, các ngân hàng thương mại phát triển mạnh mẽ, thường xuyên có những chính sách ưu đãi, thu hút khách hàng; còn tại khu vực trung du miền núi phía Bắc, QTDND là loại hình được thành lập và hoạt động phổ biến nhất. Các QTDND được biết đến là địa chỉ cung cấp vốn cho các đối tượng có năng lực tài chính hạn chế (người thu nhập thấp, hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ...) khó tiếp cận được nguồn vốn của các ngân hàng thương mại.
Nguồn vốn dồi dào từ các QTDND đã giúp cho hàng triệu hộ gia đình vùng trung du miền núi phía bắc nói riêng và trên cả nước nói chung được tiếp cận với nguồn vốn vay giá rẻ, người dân có điều kiện để khắc phục khó khăn, chuyển đổi loại hình hoạt động, mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội. Từ đó thị trường cho vay nặng lãi của các cá nhân, tổ chức tự phát cũng thu hẹp dần, Nhà nước thuận lợi trong việc quản lý và phát triển kinh tế. Tại nhiều nơi, nguồn huy động tiền gửi tại địa bàn cơ bản đã đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của dân chúng mà không phải bố trí nguồn vốn điều hòa từ ngân hàng thương mại cấp trên và các nguồn vốn từ các tổ chức tài chính tiền tệ khác.
Với đặc điểm địa bàn được giao quản lý phần lớn là vùng trung du miền núi, chủ yếu là nông thôn, kinh tế khó khăn, dân trí thấp, điều kiện tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng còn nhiều hạn chế nên sự hiểu biết về hệ thống tín dụng cũng như chính sách về BHTG còn chưa đầy đủ, kịp thời. Do đó, trong thời gian tới, Chi nhánh sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên tuyền, phổ biến các chính sách đến từng người dân (đặc biệt là hạn mức chi trả tiền bảo hiểm 125 triệu đồng/người/tổ chức tín dụng được áp dụng từ 12/12/2021) để nâng cao niềm tin của nhân dân, giảm thiểu rủi ro đột biến rút tiền gửi, hệ thống ngân hàng vì thế sẽ hoạt động an toàn, nền kinh tế sẽ ổn định hơn. Đồng thời, nâng cao vai trò giám sát, kiểm tra, phát hiện sớm các vi phạm quy định về BHTG và an toàn trong hoạt động ngân hàng để báo cáo, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xử lý kịp thời; tham gia tích cực vào quá trình kiểm soát đặc biệt, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, hạn chế tối đa tình trạng đổ vỡ của các tổ chức tín dụng, bảo vệ toàn diện quyền lợi của người gửi tiền, thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong dân chúng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.