Cơ sở pháp lý
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng ban hành ngày 20/11/2017 và có hiệu lực từ ngày 15/01/2018, BHTGVN được giao thêm một số nhiệm vụ nhằm tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Cụ thể: BHTGVN tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, công ty tài chính; Tham gia đánh giá tính khả thi của phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, công ty tài chính; Tham gia xây dựng phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; Miễn nộp phí bảo hiểm tiền gửi cho tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; Mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ. BHTGVN cũng cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Theo Thông tư 08/2021/TT-NHNN quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, BHTGVN cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt trong các trường hợp sau:
Cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản đối với TCTD khi TCTD có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trong thời gian TCTD được kiểm soát đặc biệt, bao gồm cả trường hợp TCTD đang thực hiện phương án cơ cấu lại, phương án chuyển nhượng đã được phê duyệt;
Cho vay đặc biệt theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước với lãi suất ưu đãi đến mức 0% để hỗ trợ thanh khoản đối với công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô từ Quỹ dự phòng nghiệp vụ khi công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trước khi phương án cơ cấu lại được phê duyệt;
Cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% để hỗ trợ phục hồi đối với công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô từ Quỹ dự phòng nghiệp vụ theo phương án phục hồi đã được phê duyệt.
Các trường hợp cho vay đặc biệt
(Nguồn: Thông tư 08/2021/TT-NHNN và Thông tư 02/2022/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung thông tư 08/2021/TT-NHNN)
Trên cơ sở Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017, Thông tư 08/2021/TT-NHNN quy định về cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt, BHTGVN đã chủ động xây dựng các văn bản quy định nội bộ về cho vay đặc biệt như: Quy chế về cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt, Hướng dẫn thực hiện Quy chế về cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt để quy định điều kiện, mục đích sử dụng khoản vay, hạn mức cho vay… và hướng dẫn quy trình thực hiện nghiệp vụ cho vay đặc biệt thống nhất trong toàn hệ thống BHTGVN.
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để BHTGVN thực hiện cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt, từ đó góp phần bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống các TCTD; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền; duy trì và nâng cao lòng tin của công chúng đối với hệ thống các TCTD; bảo đảm việc chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng.
Thực trạng cho vay đặc biệt và đề xuất, kiến nghị
Tính đến ngày 30/6/2022 có 1.283 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, gồm 97 ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 04 tổ chức tài chính vi mô, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân, 01 ngân hàng hợp tác. BHTGVN đang thực hiện giám sát 100% các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Thông qua kết quả giám sát, BHTGVN đã phát hiện những đơn vị vi phạm các quy định về bảo hiểm tiền gửi và an toàn trong hoạt động ngân hàng. Từ đó, BHTGVN có những khuyến nghị, cảnh báo các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro có nguy cơ gây mất an toàn trong hoạt động hoặc dẫn đến vi phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Đồng thời, BHTGVN thường xuyên rà soát, nắm bắt diễn biến tình hình hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân có vấn đề, báo cáo Ngân hàng Nhà nước. Đến ngày 30/9/2022, Quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTGVN là 85,959 nghìn tỷ đồng, tăng 12,85% so với 31/12/2021. Đây là nguồn lực tài chính chủ yếu giúp BHTGVN sẵn sàng chi trả khi cần thiết và tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD thông qua hoạt động cho vay đặc biệt, làm tốt sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì ổn định hệ thống tài chính ngân hàng.
Thời gian qua, mặc dù BHTGVN chưa thực hiện cho vay đặc biệt đối với các TCTD được kiểm soát đặc biệt, nhưng BHTGVN đã chủ động xây dựng mức vốn khả dụng cho vay đặc biệt để đảm bảo có đầy đủ nguồn lực về tài chính, sẵn sàng cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt khi có đủ điều kiện vay vốn để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người gửi tiền; Nghiên cứu cơ chế, chính sách và chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để thực hiện cho vay đặc biệt khi phát sinh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, BHTGVN cũng đã gặp một số vướng mắc. Cụ thể:
Theo quy định, đối tượng cho vay đặc biệt của BHTGVN bao gồm cả công ty tài chính là chưa phù hợp, bởi công ty tài chính không phải tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; BHTGVN không được kiểm tra, giám sát công ty tài chính, không được công ty tài chính cung cấp thông tin và không có cơ sở để xác định số tiền cho vay đặc biệt. Mặt khác, với chức năng, nhiệm vụ của BHTGVN là bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền thì mục đích sử dụng khoản cho vay đặc biệt của BHTGVN nên là để chi trả tiền gửi cho người gửi tiền, nhưng công ty tài chính lại không nhận tiền gửi của cá nhân, do đó BHTGVN sẽ không phát huy được vai trò bảo vệ người gửi tiền khi cho công ty tài chính vay đặc biệt.
Một số quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt hiện nay không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, cán bộ tín dụng hoặc lãnh đạo quỹ tín dụng nhân dân đã bỏ vị trí công tác, đi làm việc khác hoặc các phương tiện làm việc của quỹ tín dụng nhân dân hư hỏng nên việc xác minh thông tin, lấy dữ liệu, số liệu về tiền gửi gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt là do những sai phạm về đạo đức của bộ máy lãnh đạo quỹ đã cố tình làm trái các quy định của pháp luật. Khi BHTGVN cho những quỹ tín dụng nhân dân này vay đặc biệt thì khả năng thu hồi được nợ tương đối thấp, gần như không có, BHTGVN có nguy cơ mất vốn.
Về xử lý tổn thất trong trường hợp khoản vay đặc biệt không thu hồi được, theo quy định tại Thông tư 20/2020/TT-BTC, BHTGVN được sử dụng số dư của khoản thu nhập từ các khoản cho vay đặc biệt đối với các TCTD được kiểm soát đặc biệt đang theo dõi chi tiết riêng trong quỹ dự phòng nghiệp vụ để bù đắp các tổn thất không thu hồi được vốn cho vay đặc biệt. Trường hợp số dư của khoản thu nhập từ các khoản cho vay đặc biệt không đủ bù đắp tổn thất, BHTGVN báo cáo Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định sử dụng quỹ dự phòng nghiệp vụ để bù đắp theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định về quy trình, cách thức thực hiện để BHTGVN có căn cứ triển khai trong thực tế.
Để hoạt động cho vay đặc biệt của BHTGVN có hiệu quả, từ đó góp phần đảm bảo an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng, cũng như đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, cần thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, đề nghị có hướng dẫn chi tiết về việc BHTGVN cho vay đặc biệt đối với công ty tài chính. Theo đó, có những quy định cụ thể về việc xác định số tiền BHTGVN cho vay đặc biệt, mục đích sử dụng khoản vay đặc biệt của BHTGVN.
Thứ hai, cần có quy định cụ thể về cơ chế chia sẻ thông tin giữa Ngân hàng Nhà nước, BHTGVN và TCTD được kiểm soát đặc biệt, đặc biệt là TCTD được kiểm soát đặc biệt là ngân hàng thương mại, một cách chặt chẽ để BHTGVN có thể tiếp cận sớm hơn với các thông tin về TCTD được kiểm soát đặc biệt.
Thứ ba, cần quy định cụ thể hướng dẫn trình tự, quy trình thực hiện xử lý tổn thất của BHTGVN trong cho vay đặc biệt để BHTGVN có cơ sở thực hiện khi có phát sinh.
Thứ tư, tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại nâng cao chất lượng cán bộ, giúp cán bộ có những kỹ năng, nghiệp vụ thích ứng được với nghiệp vụ mới.