Hấp dẫn các chương trình cho vay mua “xế hộp”
Cho vay mua xe ô tô là sản phẩm mà hầu hết các ngân hàng đều có, nhưng lĩnh vực cho vay này cũng sôi động hay trầm lắng theo thị trường. Tuy nhiên, khi mà quý I năm 2018 với số lượng hàng nghìn chiếc xe nhập khẩu được làm thủ tục thông quan, chưa kể xe sản xuất, lắp ráp trong nước khá lớn thì có vẻ như sản phẩm này tại các ngân hàng cũng đang khởi động làm “nóng”.
Tiếp theo, SeABank cũng kết hợp với Tổng Công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam – Vinamotor triển khai chương trình Ưu đãi vay mua xe ô tô của Vinamotor với mức lãi suất hấp dẫn 0%/năm trong 4 hoặc 6 tháng đầu tiên.Đơn cử, trong vòng chục ngày qua SeABank đã liên tiếp công bố hai chương trình cho vay mua ô tô hấp dẫn. Đầu tiên là triển khai chương trình cho doanh nghiệp vay mu ô tô với tên gọi “Lướt xe đẳng cấp – Cập bến thành công”. Tham gia chương trình này, khách hàng được linh hoạt lựa chọn gói ưu đãi vay phù hợp nhu cầu với mức lãi suất ưu đãi hấp dẫn: 1%/năm trong 3 tháng đầu tiên, 6,49%/năm trong 6 tháng đầu tiên và 8,49%/năm trong 12 tháng đầu tiên.
Nhiều ngân hàng không quảng bá rầm rộ như SeABank, khách hàng cũng có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin cho vay mua ô tô khi vào bất kỳ website của ngân hàng nào. Chẳng hạn như VIB cũng “đánh tiếng” cho vay mua ô tô tới 80% giá trị xe; Thời gian cho vay tối đa lên tới 8 năm; Lãi suất vay mua ô tô hấp dẫn chỉ từ 0,6%/năm. Còn VPBank cho vay mua ô tô với số tiền vay tối đa lên đến 5 tỷ đồng. Khách hàng có thể thế chấp xe hoặc nhà để vay tiền.
Về mặt thủ tục, hầu hết các ngân hàng đều công bố thời gian xét duyệt khá nhanh chỉ trong 4-8 giờ làm việc khi đủ hồ sơ – hỗ trợ thủ tục đơn giản nhất có thể. Giải ngân trong vòng 3-4 tiếng kể từ khi nhận được giấy hẹn đăng ký xe để khách hàng kịp lấy xe đúng ngày giờ đẹp. Thậm chí nhiều nhà băng còn tiết lộ đã hợp tác với nhiều hãng xe, đại lý nên sẽ có giá xe ưu đãi nhất dành cho khách hàng đang tìm hiểu mua xe trả góp hoặc hỗ trợ khách hàng tìm kiếm xe ô tô đã qua sử dụng với tại các salon uy tín, chất lượng xe đảm bảo.
Cần làm gì để tránh rủi ro
Lãnh đạo một NHTMCP có trụ sở tại Hà Nội cho rằng, cho vay mua ô tô là sản phẩm đặc biệt, nhiều khi còn phụ thuộc vào thị trường, chính sách nên cũng có đôi lúc thăng trầm.
Nhất là thời gian gần đây các chính sách thuế liên quan tới ô tô liên tục thay đổi nên ngân hàng cũng nghe ngóng nhưng khi có khách hàng tốt vẫn cho vay bình thường. Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc OCB chia sẻ rằng, OCB hạn chế cho vay mua ô tô từ giữa năm 2017 vì lý do khó khăn trong dự đoán được xu hướng giá xe thế nào. Nhưng khi mà giá xe và các sắc thuế liên quan tới ô tô đi vào ổn định trở lại, lúc đó các ngân hàng cho vay mua ô tô sẽ trở lại sôi động. “Thu hẹp nhưng không có nghĩa là không cho vay và với những khoản cho vay tính trên giá trị xe ở mức thấp thì vẫn triển khai bình thường.” – ông Tùng nói.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính – ngân hàng, cho vay mua ô tô thường mang lại mức lãi suất tốt cho các ngân hàng và nhu cầu mua xe ngày càng tăng nên đó được xem là mảng bán lẻ các ngân hàng đang rất quan tâm để tăng lợi nhuận.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, với một đất nước mà thu nhập bình quân đầu người còn thấp thì ô tô vẫn thuộc hàng xa xỉ và nguồn vốn không được khuyến khích dồn vào đó mà ngân hàng nên dành vốn cho các lĩnh vực sản xuất. Hơn nữa, mặc dù mấy tháng đầu ngân hàng đưa ra lãi suất hấp dẫn nhưng lãi suất cho vay mua ô tô thuộc nhóm cho vay tiêu dùng nên lãi suất thường cao nên người đi vay cũng phải tìm hiểu kỹ.
Đối với các ngân hàng, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, cho vay mua ô tô cũng gặp không ít rủi ro, bởi ngân hàng thường cho vay với tỷ lệ khoảng 60-80% giá trị chiếc xe. Về mặt tài sản thế chấp, ngân hàng thường nhận thế chấp bằng chính chiếc xe đó hoặc nhận thế chấp bằng nhà đất nhưng ô tô nó là tiêu sản nên khi mất khả năng trả nợ thì thu hồi vốn cũng gặp khó khăn.
“Theo tôi, các ngân hàng khi cho vay mua ô tô cần quan tâm tới nguồn thu nhập, người vay phải đủ khả năng trả nợ để tránh rủi ro.” - ông Hiếu khuyến cáo.