Ngày 17/3/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên thứ 21 để cho ý kiến về việc bổ sung vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2023 với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, việc sửa Luật Các tổ chức tín dụng là cần thiết và có tính cấp bách. Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề nghị nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm từ việc Mỹ xử lý đổ vỡ ngân hàng SVB bằng nguồn lực của Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang, đồng thời lưu ý việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng cần song hành với sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi để đảm bảo tính đồng bộ.
Sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng là vấn đề cấp thiết
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu hai vấn đề cấp thiết là cơ chế xử lý nợ xấu sau khi Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu hết hiệu lực và cơ cấu các tổ chức tín dụng, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém. Đây là hai vấn đề cần tiếp tục được quy định trong luật để giải quyết các vướng mắc hiện hữu.
Liên quan đến xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị rà soát lại trình tự và cách thức xử lý hiện nay. Chủ tịch Quốc hội nêu trường hợp ngân hàng SVB tại Mỹ vừa qua, cơ quan chức năng đã phản ứng rất nhanh và công bố tiền gửi của người dân đều được đảm bảo. Nguồn lực tài chính để thực hiện việc này là từ cơ chế bảo hiểm tiền gửi (BHTG), không sử dụng tiền ngân sách. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần sửa đổi đồng bộ Luật Các tổ chức tín dụng và Luật BHTG. Ngay cả trong trường hợp chưa thể sửa ngay Luật Các tổ chức tín dụng, cần phải sửa Luật BHTG và dùng Luật này để sửa Luật Các tổ chúc tín dụng. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu, đánh giá rất kỹ lưỡng để góp phần tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng, tăng cường độ an toàn của từng tổ chức cũng như toàn hệ thống. Trong đó, xem xét vấn đề giám sát tài chính trên góc độ quản lý nhà nước. Vừa qua, Trung Quốc khi kiện toàn Chính phủ đã thành lập cơ quan giám sát tài chính riêng trực thuộc Trung ương.
Sau khi thảo luận, 100% các thành viên uỷ viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết tán thành bổ sung dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 5, thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Sửa đổi Luật BHTG để hướng tới bảo vệ người gửi tiền một cách đồng bộ, toàn diện
Trước đó, tại Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, chủ trương sửa đổi, bổ sung Luật BHTG đã được nêu rõ. Đây là chủ trương xuyên suốt đang được Chính phủ, NHNN và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) từng bước triển khai nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền ngày càng tốt hơn, đóng góp tích cực hơn vào việc đảm bảo an toàn hệ thống.
TS. Vũ Văn Long – Phó Tổng giám đốc BHTGVN cho biết, BHTGVN đang phối hợp chặt chẽ với các Vụ, Cục có liên quan thuộc NHNN trong việc tổng kết, nghiên cứu, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung Luật BHTG, trong đó nêu rõ lý do, đánh giá tác động và tổng hợp kinh nghiệm quốc tế cho từng nội dung đề xuất.
Sau quá trình làm việc tích cực, tới nay, BHTGVN đã cơ bản xây dựng được các chính sách đề xuất dự kiến trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHTG. Các nội dung này xoay quanh 05 vấn đề chính, bao gồm: hoàn thiện quy định về phí BHTG; nâng cao năng lực tài chính, hoạt động của tổ chức BHTG; bổ sung quyền và nghĩa vụ của tổ chức BHTG; hoàn thiện quy định pháp luật để BHTGVN tham gia sâu hơn vào quá trình tái có cấu TCTD yếu kém tại Việt Nam; hoàn thiện quy định về trả tiền bảo hiểm. Đây đều là các vấn đề có tầm quan trọng, tác động tới hiệu quả triển khai chính sách BHTG. Với thực tế triển khai chính sách BHTG thời gian vừa qua và nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, các đều xuất nêu trên được cho là sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách BHTG, đưa chính sách BHTG tại Việt Nam hướng tới tiếp cận các thông lệ quốc tế, đồng thời thể hiện được tầm nhìn xa về triển vọng phát triển hệ thống ngân hàng.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật BHTG nhận được sự quan tâm từ cả Quốc hội và Chính phủ cho thấy chủ trương, định hướng xuyên suốt, kiên quyết nhằm bảo vệ người gửi tiền ngày một hiệu quả hơn. Đây là bước đi đúng đắn và cần thiết để cơ chế, chính sách pháp luật về BHTG không ngừng được hoàn thiện phù hợp với sự phát triển của hệ thống ngân hàng và tiếp thu các kinh nghiệm quốc tế.