Tổng nguồn vốn của hệ thống QTDND tăng trưởng đáng kể
QTDND là một loại hình tổ chức tín dụng hợp tác do các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập để thực hiện một số hoạt động ngân hàng, nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và nâng cao đời sống. Sau gần 30 năm, kể từ khi những QTDND đầu tiên được thí điểm thành lập, có thể nói hệ thống QTDND ở Việt Nam đã khẳng định được vị thế và vai trò của mô hình kinh tế hợp tác xã kiểu mới trong lĩnh vực tiền tệ - tín dụng, góp phần ổn định, thúc đẩy phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn nông thôn, góp phần tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo và hạn chế cho vay nặng lãi. Đến nay, hoạt động của các QTDND đã đạt được những kết quả đáng kể và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nói chung và hệ thống tài chính, ngân hàng nói riêng.
Qua số liệu giám sát của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cho thấy, tính đến hết Quý I/2021, cả nước có 1.181 QTDND hoạt động tại 57 tỉnh/thành phố (trong đó số QTDND có quy mô tổng tài sản từ 200 tỷ đồng trở lên chiếm 13,6%/tổng số QTDND đang hoạt động). Tổng nguồn vốn của hệ thống QTDND đạt trên 150.000 tỷ đồng (bình quân một QTDND là 128,4 tỷ đồng). Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng tổng nguồn vốn của hệ thống QTDND vẫn tăng trưởng đáng kể so với đầu năm 2021 và cùng kỳ năm 2020 (4,3%; 15,3%). Trong đó, vốn huy động toàn hệ thống QTDND đạt trên 134.000 tỷ đồng, chiếm 89,5% tổng nguồn vốn, tăng so với đầu năm và cùng kỳ năm trước (5,9%; 18,1%), đặc biệt một số tỉnh, thành phố có QTDND có tốc độ tăng trưởng trên 10% so với đầu năm; trung bình vốn huy động của một QTDND đạt gần 115 tỷ đồng. Điều này cho thấy, lòng tin của khách hàng và thành viên vào sự ổn định của hệ thống QTDND. Tổng dư nợ cho vay của cả hệ thống QTDND đạt trên 108.000 tỷ đồng, chiếm 72,1% tổng tài sản có, tăng so với đầu năm và cùng kỳ năm trước (1,8%; 10,3%), trong đó nợ xấu toàn hệ thống ở mức gần 1.000 tỷ đồng, chiếm 0,88% tổng dư nợ, tăng 2,3% so với đầu năm nhưng giảm 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, chất lượng tín dụng của cả hệ thống tiếp tục được cải thiện so với cùng kỳ năm trước, nợ xấu giảm xuất phát từ nỗ lực kiểm soát nợ xấu từ Ngân hàng nhà nước, từ chính các QTDND và từ việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 theo chủ trương của Chính phủ. Tổng thu nhập trừ chi phí của toàn hệ thống QTDND đạt gần 500 tỷ đồng, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm trước với hơn 92,7% đơn vị có thu nhập lớn hơn chi phí. Thanh khoản của toàn hệ thống QTDND tiếp tục được duy trì ở mức ổn định với tỷ lệ tài sản có, có tính thanh khoản cao so với tổng tài sản có của hệ thống tăng 25,7% so với mức 25,9% tại thời điểm đầu năm.
Một số vấn đề đặt ra đối với việc cơ cấu lại hệ thống QTDND trong thời gian tới
Bên cạnh những kết quả khả quan đã đạt được, hệ thống QTDND cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững toàn hệ thống. Để chấn chỉnh các yếu kém, tăng cường phòng chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật nhằm đảm bảo an ninh, an toàn và phát triển bền vững hệ thống QTDND, thời gian qua Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN đã có nhiều văn bản chỉ đạo; các cấp NHNN, cấp ủy chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan, cùng với bản thân hệ thống QTDND đã có nhiều giải pháp quyết liệt triển khai thực hiện nên hệ thống QTDND đã khắc phục được nhiều yếu kém, vi phạm, hoạt động ổn định, an toàn hơn. Theo đó, giai đoạn đầu của quá trình cơ cấu lại, hoàn thiện và phát triển (2001 - 2012) Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 57-CT/TW ngày 10/10/2000 về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 135/2000/QĐ-TTg ngày 28/11/2000 về việc phê duyệt đề án củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND; tiếp đó là Nghị định 48/2001/NĐ-CP ngày 13/8/2001, Chỉ thị 04/2008/CT-NHNN và Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012, những văn bản quan trọng này đã từng bước chỉ đạo và hoàn thiện khung pháp lý cho tổ chức và hoạt động hệ thống QTDND.
Giai đoạn từ 2013 đến nay, với định hướng và giải pháp hoàn thiện, phát triển các QTDND, NHNN đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành thêm hành lang về cơ chế chính sách điều chỉnh hoạt động của hệ thống QTDND với 1 Luật, 1 Chỉ thị, 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020” và 1 Chỉ thị, 2 Quyết định, các Thông tư, Công văn chỉ đạo và Đề án của NHNN, đặc biệt là Quyết định 209/QĐ-NHNN ngày 31/01/2019 về phê duyệt Đề án Củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cùng với đó là các quy định nhằm nâng cao chất lượng hoạt động để phù hợp với diễn biến phát triển của hệ thống QTDND. Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai đến năm 2020, đặt ra một số vấn đề lớn về cơ cấu lại hệ thống QTDND cần tiếp tục được chỉ ra và làm rõ để quá trình này phát huy được hiệu quả và tạo đà cho việc sớm đưa Đề án tổng thể về cơ cấu lại hệ thống QTDND vào triển khai trong thời gian tới. Cụ thể:
Thứ nhất, về tôn chỉ, mục đích hoạt động của QTDND: Pháp luật đã quy định tôn chỉ, mục đích hoạt động của QTDND là tương trợ giữa các thành viên để phát huy sức mạnh tập thể và của từng thành viên nhằm giúp nhau thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và cải thiện đời sống. Tuy nhiên, trong thời gian qua có không ít QTDND hoạt động xa rời mục tiêu tương trợ các thành viên; chạy theo kinh doanh đơn thuần; mở rộng địa bàn hoạt động; huy động và cho vay ngoài địa bàn nhằm mang lại lợi ích cho một nhóm thành viên có mức vốn góp, sở hữu lớn, có quyền chi phối hoạt động quản trị điều hành hoặc có biểu hiện gia đình chủ nghĩa, hình thành cơ chế quản trị gia đình, họ hàng tại QTDND. Điều này dẫn đến nguy cơ lạm dụng QTDND, biến QTDND trở thành tổ chức kinh doanh tiền tệ như các NHTM; trở thành công cụ huy động vốn để đầu tư, cho vay doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh của một nhóm thành viên có lợi ích lớn. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là liệu loại hình TCTD này còn đáp ứng được đúng tôn chỉ, mục đích và nguyên tắc của loại hình TCTD là HTX hay không; sự tồn tại của loại hình QTDND nếu đi theo đúng tôn chỉ, mục đích sẽ như thế nào trong xu thế vận động không ngừng của toàn bộ nền kinh tế; hướng xử lý các QTDND có nhu cầu phát triển vượt qua tôn chỉ, mục đích hoặc không đáp ứng được yêu cầu về tôn chỉ, mục đích như thế nào để đảm bảo sự ổn định tổng thể cho toàn bộ hệ thống.
Thứ hai, về vấn đề liên kết hệ thống: Khối liên kết hệ thống QTDND ở Việt Nam được hình thành theo yêu cầu khách quan vì sự ổn định, phát triển an toàn, bền vững của hệ thống QTDND. Khối liên kết hệ thống QTDND được thiết kế trên cơ sở quy định, gắn kết và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của hệ thống QTDND, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (NHHTXVN) và Hiệp hội QTDND, trong đó lấy hệ thống QTDND là trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển của khối liên kết hệ thống QTDND. Tuy nhiên, hiện nay khối liên kết này vẫn chưa thực sự phát huy được đúng vai trò của mình, hoạt động rời rạc, thiếu sự thống nhất. Đồng thời, mối quan hệ liên kết hệ thống trong thời gian qua chủ yếu là quan hệ về tài chính đơn thuần, trong khi các nội dung liên kết mang tính bền vững, tương trợ thành viên như hoạt động hướng dẫn, tư vấn, đào tạo, công nghệ thông tin... chưa được chú trọng. Ngoài ra, một số QTDND có biểu hiện thoát ly mối liên kết với Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội QTDND và Quỹ bảo toàn do chưa nhận thức rõ sự cần thiết, trách nhiệm liên kết hệ thống, hỗ trợ, tương trợ và phòng ngừa rủi ro trong hệ thống. Tất cả những điều đặt ra này cho thấy sự thiếu ổn định và bền vững cho việc cơ cấu lại hệ thống QTDND, nếu chỉ tập trung vào các QTDND.
Thứ ba, về thành viên của QTDND: Có thể nói hiện nay hầu hết người gia nhập thành viên QTDND với mục đích là được vay vốn của QTDND để sản xuất, kinh doanh chứ không phải để gửi tiền vào QTDND hay đóng góp với mục đích cùng xây dựng, cùng phát triển một TCTD theo mô hình hợp tác xã. Quan hệ qua lại giữa hai bên sau vay vốn gần như rất ít. Điều này dẫn đến hình thành bộ phận thành viên là thành viên “ảo”, thành viên “mượn tên” không thực hiện được vai trò giám sát hoạt động của QTDND, trong khi đó công tác giám sát tại nhiều QTDND có tính tùy tiện, Ban Kiểm soát mang tính hình thức, không phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời dẫn đến vi phạm các quy định pháp luật và an toàn hoạt động của QTDND. Vì vậy, đây là một trong những vấn đề quan trọng đặt ra cần được xem xét cả về mặt thực tiễn lẫn quy định pháp luật, quy định nội bộ của QTDND khi thực hiện cơ cấu lại trong thời gian tới.
Thứ tư, về một số quy định quản lý nhà nước đối với QTDND: Hiện nay cả nước có 1.181 QTDND hoạt động trên địa bàn 57 tỉnh/thành phố với nguồn vốn hoạt động bình quân của 01 QTDND đạt hơn 128 tỷ đồng, nhưng quy mô nguồn vốn lại có sự chênh lệnh lớn giữa các QTDND (có QTDND có quy mô nguồn vốn nhỏ, chỉ khoảng 8 tỷ đồng; trong khi có QTDND có quy mô nguồn vốn trên 500 tỷ đồng). Đồng thời, hiện nay các quy định của pháp luật về tổ chức, quản trị điều hành, các quy định về phạm vi hoạt động, đảm bảo an toàn trong hoạt động đều được áp dụng chung đối với tất cả QTDND; một số quy định áp dụng cho QTDND phải thực hiện như đối với ngân hàng thương mại. Điều này dẫn đến nhiều bất cập, chưa thực sự phù hợp đối với QTDND, đặc biệt là QTDND có quy mô nhỏ hoạt động ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, dân cư thưa thớt. Do đó, đặt ra vấn đề cần có quy định dành riêng cho QTDND; cũng như cần quy định phù hợp với từng nhóm QTDND theo quy mô khác nhau nhằm đảm bảo an toàn cho các QTDND trong quá trình cơ cấu lại.
Thứ năm, vấn đề nhận thức pháp luật của QTDND: Hiện nay, trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ QTDND, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý về cơ bản đáp ứng được các yêu cầu theo quy định pháp luật đối với quy mô phát triển của từng QTDND. Tuy nhiên, số lượng cán bộ quản lý có trình độ đại học và trên đại học chiếm tỷ lệ thấp, có những QTDND có cán bộ quản lý được đào tạo ở bậc đại học nhưng thuộc ngành, lĩnh vực khác và chỉ được đào tạo qua lớp chứng chỉ ngắn ngày về hoạt động kinh doanh tiền tệ, ngân hàng. Điều này là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nhận thức về quy định pháp luật của QTDND còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động tiền tệ, ngân hàng và QTDND có nhiều nội dung phức tạp, có những nội dung vượt quá khả năng áp dụng của cán bộ QTDND. Do đó, có tình trạng hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ về một số quy định pháp luật. Điều này đặt ra yêu cầu cần có các hình thức đào tạo, tập huấn, phổ biến, tuyên truyền phù hợp với thực tế tại từng QTDND, đặc biệt là những văn bản, quy định quan trọng, tác động lớn tới hoạt động của các QTDND.
Từ những vấn đề đặt ra như đã nêu trên cho thấy cần có sự chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức liên kết hệ thống và các tổ chức hỗ trợ khác như BHTGVN cùng tham gia, đóng góp vào quá trình cơ cấu lại hệ thống QTDND thời gian tới, đưa hệ thống TCTD là HTX trở thành một trong những nền tảng trong hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngân hàng ở khu vực nông nghiệp - nông thôn.
Ths. Đỗ Thị Hằng - Trưởng phòng Kiểm tra BHTGVN
Ths. Nguyễn Hải Hà - Phòng Kiểm tra BHTGVN