Tham dự buổi họp báo công bố sự kiện có Ban biên tập báo Tuổi trẻ, lãnh đạo các Vụ của NHNN (Thanh toán, Truyền thông), lãnh đạo Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS). Ngoài ra còn có một số ngân hàng thương mại (NHTM), các hiệp hội, tổ chức trung gian thanh toán…
Trong "Ngày không tiền mặt", phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) được khuyến khích sử dụng khi mua sắm, giao dịch thanh toán và người tiêu dùng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ.
"Ngày không tiền mặt" do Báo Tuổi trẻ đề xuất được bắt đầu từ năm 2019 - là ngày phương tiện TTKDTM được khuyến khích sử dụng khi mua sắm, giao dịch thanh toán và người tiêu dùng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ.
Chuỗi các sự kiện của “Ngày không tiền mặt 2022” tiếp tục góp phần tích cực hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại các Đề án Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; Đề án Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án Phát triển TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu quan trọng của chương trình là hưởng ứng chủ trương chuyển đổi số quốc gia mà Chính phủ đề ra, khởi đầu từ những thay đổi trong lĩnh vực thanh toán.
Theo ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (NHNN), chuyển đổi số là xu thế tất yếu không chỉ ở riêng nước ta mà trên bình diện toàn thế giới. Tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã xác định, chuyển đổi số là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch covid-19. Tại Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã xác định ngành ngân hàng là lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trước.
Ông Lê Anh Dũng cho biết, NHNN đã sớm có các hoạt động nghiên cứu, đánh giá kịp thời và ban hành nhiều quyết định, chính sách định hướng quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và thúc đẩy chuyển đổi số. Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán tiếp tục được rà soát, bổ sung, tạo sự đồng bộ và điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển TTKDTM, chuyển đổi số ngành ngân hàng.
Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, NHNN. |
Ở mức độ toàn ngành, cơ sở hạ tầng kỹ thuật thanh toán được chú trọng đầu tư, nâng cấp hoạt động thông suốt, an toàn, đảm bảo sự kết nối liên thông giữa các ngân hàng, đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh toán điện tử của người dân, doanh nghiệp trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống TTKDTM tiếp tục được coi trọng và tăng cường; các rủi ro, nguy cơ mất an toàn cơ bản được kiểm soát và xử lý kịp thời. Công tác truyền thông, giáo dục tài chính được ngành ngân hàng chú trọng với các chương trình như "Tiền khéo tiền khôn", "Tay hòm chìa khóa" và cuộc thi "Hiểu đúng về tiền"…, qua đó góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng, giảm thiếu rủi ro cho người dân trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính, từ đó thúc đẩy TTKDTM và phát triển tài chính toàn diện.
Theo số liệu của NHNN, 4 tháng đầu năm 2022, giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 32,37% về giá trị; hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 88,42% số lượng và 139,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Mạng lưới thiết bị, điểm chấp nhận thanh toán được mở rộng, bao phủ cả nước có hơn 20 nghìn ATM, hơn 347 nghìn POS và hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code. Đến tháng 4/2022, giao dịch TTKDTM tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.
NHNN cũng tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiều chính sách thúc đẩy TTKDTM đối với dịch vụ công, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đẩy mạnh triển khai kết nối, tích hợp thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Trong thời gian tới, đại diện NHNN cho biết sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh TTKDTM trong nền kinh tế, như: Đẩy nhanh việc nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đáp ứng yêu cầu xây dựng mô hình kinh doanh, cung ứng sản phẩm, dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ; Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi số hoạt động ngân hàng, thúc đẩy TTKDTM trên cơ sở ứng dụng công nghệ; Phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy TTKDTM tại Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025 và hoạt động thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money); Tiếp tục chỉ đạo nâng cấp, hoàn thiện, phát triển hạ tầng chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử; mở rộng triển khai Hệ thống thanh toán bù trừ tự động (ACH) tại Việt Nam theo hướng mở rộng sản phẩm dịch vụ và mở rộng kết nối các ngân hàng, các đơn vị cung cấp dịch vụ công; Triển khai thực hiện các nội dung tại Quyết định số 810/QĐ-NHNN về Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng nhằm đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong kỷ nguyên số; Tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành ngân hàng; Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng; Đẩy mạnh truyền thông giáo dục tài chính...
Về định hướng hoạt động truyền thông giáo dục tài chính thời gian tới, nhóm công chúng mục tiêu được NHNN xác định là người dân ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn, giới trẻ, các đối tượng yếu thế trong xã hội, người chưa có tài khoản ngân hàng để truyền thông về các sản phẩm dịch vụ, ngân hàng, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng…Hoạt động truyền thông ngành Ngân hàng sẽ đa dạng hóa hơn nữa các hình thức, kênh truyền thông, đặc biệt là ứng dụng công nghệ, xu hướng truyền thông hiện đại, đảm bảo dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ lan tỏa. Qua đó, nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng và khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng đối với công chúng, góp phần thúc đẩy TTKDTM và hiện thực hóa các mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, cũng như góp phần thúc đẩy chuyển đổi số ngành Ngân hàng, vì mục tiêu Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số...
Tiếp nối chương trình Ngày không tiền mặt chuỗi chương trình năm 2022 ngoài những sự kiện quan trọng theo truyền thống sẽ có thêm nhiều sự kiện mới như:
- Cuộc thi Dance Cover khởi động vào ngày 27/5/2022. Người tham dự sẽ cover lại điệu nhảy trên nền nhạc này, và giải thưởng sẽ được trao cho những bài nhảy vui nhộn nhất.
- Hai phiên chợ không tiền mặt (ngày 4/6/2022 và ngày 12/6/2022) được tổ chức tại Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh và Khu Chế xuất Tân Thuận.
- Hội thảo quốc gia “Ngày không tiền mặt” theo truyền thống, được tổ chức dự kiến vào ngày 16/6, tại khách sạn Melia, Hà Nội, với quy mô khoảng 400 khách mời từ Trung ương đến địa phương.
- Chuyến xe Không tiền mặt, xuất phát từ Hà Nội vào ngày 19/6, hành trình ghé đến nhiều địa phương như Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang và về đến thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 3/7.
Những sự kiện này được tổ chức và thiết kế phù hợp để kích thích sự quan tâm của 3 nhóm đối tượng: từ những người chưa quen thuộc hoặc chưa biết gì về thanh toán không tiền mặt, đến những người đã và đang sử dụng thanh toán không tiền mặt, và nhóm người có những ảnh hưởng vĩ mô về chính sách trong lĩnh vực này.