Thưa, Phó thống đốc có thể cho biết lý do để có một quyết định thành lập BHTG Việt Nam cách đây 15 năm?
Trong định hướng chung, nhất quán của Đảng, Nhà nước chuyển từ kinh tế tập trung, bao cấp sang kinh tế thị trường, hoạt động ngân hàng đã có nhiều thay đổi. Pháp lệnh Ngân hàng ban hành năm 1990 chuyển hoạt động của hệ thống ngân hàng từ một cấp sang hai cấp, theo đó NHNN thực hiện quản lý nhà nước trong hoạt động ngân hàng, các hoạt động kinh doanh do các TCTD thực hiện.
Sự phát triển nhanh về quy mô, loại hình và hình thức sở hữu của các TCTD đã tạo thêm nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng, nhưng rủi ro tiềm ẩn cũng tăng lên. NHNN với vai trò là cơ quan thuộc Chính phủ, đồng thời là NHTW của các ngân hàng đứng trước trách nhiệm nặng nề phải kiểm soát lạm phát, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng và bảo vệ người gửi tiền.
Để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chung của ngành Ngân hàng, NHNN cần có những công cụ hỗ trợ hữu hiệu; trong đó BHTG là công cụ không thể thiếu nhằm góp phần duy trì ổn định của các TCTD, sự an toàn lành mạnh hoạt động ngân hàng đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Nếu đưa ra một số đánh giá về những kết quả nổi bật mà BHTG Việt Nam đã đạt được trong hành trình 15 năm qua, Phó thống đốc có thể nói…?
Nhìn lại, sau 15 năm hình thành và phát triển, có thể nói BHTG Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên nhiều mặt hoạt động. Trong đó, một số kết quả nổi bật được NHNN ghi nhận, đánh giá cao.
Điểm nhấn đầu tiên phải kể đến, đó là, từ nguồn vốn điều lệ ban đầu 1.000 tỷ đồng được Chính phủ cấp, đến nay theo báo cáo, tổng nguồn vốn của BHTG Việt Nam đã tăng lên trên 20 lần so với vốn điều lệ. Thông qua công tác thu phí BHTG và đầu tư vốn một cách phù hợp, an toàn; nguồn vốn của BHTG Việt Nam không những được bảo toàn mà đã tăng nhanh, tạo nguồn lực tích trữ nhất định phục vụ xử lý TCTD gặp vấn đề.
Điểm nhấn thứ hai: công tác kiểm tra các tổ chức tham gia BHTG đã được chú trọng và phân bổ nguồn lực thích hợp. Thông qua công tác kiểm tra tình hình hoạt động của các TCTD, BHTG Việt Nam phát hiện và cảnh báo rủi ro, đồng thời kiến nghị với NHNN và các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu và điều chỉnh chính sách phù hợp.
Bên cạnh công tác tổng hợp, phân tích thông tin, giám sát các tổ chức tham gia BHTG đã được thực hiện bài bản, có hệ thống. Thông qua công tác giám sát, BHTG Việt Nam đánh giá tình hình hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG, phát hiện và cảnh báo rủi ro, qua đó đề xuất các biện pháp xử lý kịp thời, thì công tác chi trả BHTG cho người gửi tiền cũng được NHNN và các cơ quan chức năng ghi nhận.
Có thể nói, BHTG Việt Nam đã luôn chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý nhanh gọn, kịp thời các tổ chức tham gia BHTG bị giải thể, phá sản, góp phần bảo đảm quyền lợi người gửi tiền, ngăn chặn được hiện tượng rút tiền hàng loạt tại hệ thống quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, qua đó góp phần đảm bảo an toàn, trật tự xã hội tại địa phương.
Ngoài ra, hiệu quả của công tác thông tin tuyên truyền cũng là một trong những điểm nhấn cần được ghi nhận. Nhờ có chiến lược truyền thông phù hợp trong ngắn hạn và dài hạn, với cách thức đa dạng, hướng tới đông đảo đối tượng khác nhau, nên hiệu quả chính sách cũng như hình ảnh của BHTG Việt Nam tới công chúng ngày càng lan toả, niềm tin của người gửi tiền ngày càng gia tăng, vị thế của BHTG Việt Nam nhờ thế cũng ngày càng được khẳng định.
Theo Phó thống đốc, để BHTG Việt Nam trở thành công cụ hữu hiệu, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của ngành Ngân hàng, thời gian tới BHTG Việt Nam cần tập trung vào những giải pháp đột phá gì?
Phát huy truyền thống 15 năm xây dựng và phát triển, tập thể cán bộ viên chức BHTG Việt Nam cần đồng lòng, sáng tạo, nỗ lực vì mục tiêu chung của tổ chức. Đồng thời, trong thời gian tới, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp, NHNN sẽ tiếp tục ban hành cơ chế chính sách phù hợp, hỗ trợ BHTG Việt Nam hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ được giao.
Về phía BHTG, cần chủ động xây dựng Chiến lược phát triển BHTG để NHNN trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chiến lược cần tuân thủ các văn bản pháp lý hiện hành, nhưng cũng cần có tính gợi mở nhằm phù hợp với thực tế diễn biến nhanh của hoạt động ngân hàng tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, BHTG cũng cần tích cực đề xuất, tham mưu với các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động BHTG; Xây dựng các quy chế, quy trình quản lý nội bộ của BHTG Việt Nam theo hướng quy định trách nhiệm rõ ràng, tạo cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các mảng nghiệp vụ và các bộ phận chức năng.
Cùng với các hoạt động nghiệp vụ BHTG như cấp, thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG; tính và thu phí BHTG; quản lý và sử dụng an toàn vốn; kiểm tra, giám sát; chi trả tiền bảo hiểm… thì công tác tuyên truyền chính sách BHTG nhằm nâng cao niềm tin công chúng, đồng thời cung cấp thông tin về việc thực thi các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng một cách thận trọng, phù hợp để tạo sự đồng thuận, ủng hộ của dư luận đối với hoạt động của ngành Ngân hàng cũng là những giải pháp quan trọng không thể xem nhẹ.
Và tất nhiên, để đạt được những điều đó, thì công tác cán bộ, đào tạo nguồn nhân lực tốt để đảm bảo luôn sẵn sàng đồng hành với NHNN ứng phó với các sự cố có thể xảy ra phải luôn được đặc biệt quan tâm, chú trọng.
Xin trân trọng cảm ơn Phó thống đốc!