Tuy nhiên, chính sách BHTG cần được liên tục đổi mới, trong đó việc điều chỉnh nâng hạn mức chi trả BHTG được người gửi tiền quan tâm. Phóng viên đã ghi nhận một số nhận định, đề xuất của các chuyên gia về hạn mức BHTG:
TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế: Nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi là xu thế và yêu cầu chung
Hạn mức BHTG cho người gửi tiền là công cụ quan trọng nhất trong việc bảo vệ quyền lợi người gửi tiền khi tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản. Hạn mức BHTG càng cao càng giúp nâng cao niềm tin của người gửi tiền đối với ngân hàng và hạn chế hiện tượng đột biến rút tiền gửi.
Theo thống kê của NHNN, với hạn mức 75 triệu đồng hiện nay, BHTGVN có khả năng bảo vệ toàn bộ được 87,72% số lượng người gửi tiền. Tỷ lệ này tuy khá gần với con số 90-95% theo khuyến nghị của Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi quốc tế, nhưng vẫn còn thấp, do GDP bình quân đầu người của nước ta hiện đã khoảng 75 triệu đồng/người (tương đương 2.700USD). Hơn nữa, thực tế là quy mô tiền gửi của người dân đang tăng nhanh cả về tổng tiền gửi, cũng như lượng tiền gửi trên mỗi người gửi tiền trong hệ thống tổ chức tín dụng.
Thực tế cho thấy, nâng hạn mức BHTG từ 75 triệu đồng lên trên 100 triệu đồng đã và đang trở thành nguyện vọng của cộng đồng người gửi tiền và phù hợp với yêu cầu chung có tính nguyên tắc là cần điều chỉnh hạn mức chi trả BHTG trên cơ sở năng lực tài chính của tổ chức BHTG; sự gia tăng quy mô GDP bình quân đầu người, quy mô tiền gửi và yêu cầu bảo đảm an toàn hệ thống tài chính ngân hàng quốc gia, cũng như bám sát các thông lệ, chuẩn mực quốc tế.
Hài hòa các mục tiêu và lợi ích người dân, doanh nghiệp và xã hội, bảo đảm an toàn hệ thống, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, củng cố lòng tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng phải là nguyên tắc và thước đo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước vĩ mô trong quản lý hệ thống tài chính ngân hàng quốc gia nói chung, trong xây dựng và thực hiện chính sách BHTG nói riêng.
Nâng hạn mức BHTG chính là theo tinh thần đó và đã đến lúc chín muồi để thực hiện việc này. Đây cũng là một bước tiến mới đáng ghi nhận về bảo đảm quyền lợi người gửi tiền tại Việt Nam.
PGS.TS Trần Thị Thanh Tú – Chủ nhiệm Khoa Tài chính ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội: Nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm giúp tăng niềm tin của người gửi tiền
Có thể thấy, hạn mức 75 triệu đồng hiện nay ở Việt Nam không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, sự gia tăng thu nhập của người dân cũng như sự phát triển của hệ thống tài chính ngân hàng. Khi mà nền kinh tế Việt Nam đang được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng, sẽ làm cho thu nhập dân cư ngày càng cao thì lượng tiền gửi của dân cư cũng tăng theo, đồng thời nhu cầu phải ổn định tâm lý người gửi tiền cũng cao hơn. Xét về quy mô tiền gửi của người dân tại các tổ chức tín dụng, nhiều khách hàng hiện nay có số tiền gửi hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng trở lên, bởi vậy cần nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm giúp tăng niềm tin của người gửi tiền đối với tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, hạn mức bảo hiểm hiện nay thấp so với mặt bằng chung của tiền gửi dân cư có thể ảnh hưởng đến hoạt động tuyên truyền, vận động người dân khi xử lí các biến cố trong hoạt động ngân hàng.
Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt nam đang hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới, kí kết hàng loạt hiệp định thương mại thế hệ mới FTA, CPTTP… Hệ thống tài chính tiền tệ cũng bị tác động mạnh mẽ bởi những biến động của hệ thống tài chính tiền tệ thế giới. Điều này cũng tác động đáng kể đến tâm lý người gửi tiền. Mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ trong quá trình hội nhập là vừa phải tăng sức cạnh tranh của hệ thống tài chính ngân hàng, vừa phải đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, củng cố lòng tin của người dân vào hệ thống ngân hàng, tránh gây đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát. Vì vậy, việc xác định một mức trả tiền bảo hiểm nhằm bảo đảm tốt hơn quyền lợi người gửi tiền, góp phần thúc đẩy lành mạnh hóa và ổn định thị trường tài chính trong giai đoạn hội nhập tài chính tiền tệ sâu rộng là hết sức cần thiết.
Việc tăng hạn mức BHTG, tạo niềm tin cho công chúng cũng sẽ thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư vào hệ thống các tổ chức tín dụng. Khi đó, nguồn vốn tiết kiệm trong nước cho đầu tư phát triển được thu hút, tạo ra động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế thế giới bị tác động mạnh mẽ bởi đại dịch Covid như hiện nay. Hoạt động BHTG với mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững, tạo nguồn cung vốn cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần xây dựng chỉ số đánh giá niềm tin của người gửi tiền Việt Nam, tiến tới đánh giá và công khai hệ thống chỉ số này, song hành với việc áp dụng tính phí BHTG dựa trên cơ sở rủi ro của các tổ chức tín dụng, sẽ khẳng định vai trò trụ cột của BHTGVN trong mạng lưới an toàn tài chính quốc gia.
TS. Vũ Văn Long - Phó Tổng giám đốc BHTGVN: Đã hội tụ đầy đủ các yếu tố để nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi
Hạn mức trả tiền bảo hiểm được coi là công cụ cốt lõi để thực hiện chính sách BHTG. Công cụ hạn mức BHTG có thể được sử dụng để góp phần thực thi kỷ luật thị trường, qua đó hỗ trợ các cơ quan quản lý, giám sát thực hiện mục tiêu duy trì ổn định hệ thống tài chính.
Theo thông lệ quốc tế và thực tế Việt Nam, hạn mức BHTG 75 triệu đồng hiện nay không còn phù hợp với 3 yêu cầu xây dựng hạn mức BHTG phù hợp cho mỗi quốc gia nêu tại Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả năm 2014 và hướng dẫn của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI).
IADI khuyến nghị, hạn mức và phạm vi bảo hiểm cần có giới hạn để giảm thiểu rủi ro rút tiền ngân hàng và duy trì kỷ luật thị trường, đảm bảo phần lớn người gửi tiền ở các ngân hàng được bảo vệ (chiếm tỷ lệ từ 90 - 95% người gửi tiền) nhưng có một tỷ lệ nhất định giá trị tiền gửi không được bảo vệ. Hiện nay, tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ/tổng số người gửi tiền được bảo hiểm ở Việt Nam đang là 87,72%, thấp hơn so với mức khuyến nghị 90 - 95% của IADI.
Ngoài ra, việc xây dựng hạn mức BHTG phải phù hợp với các điều kiện kinh tế vĩ mô. Những năm gần đây, kinh tế vĩ mô của Việt Nam được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tăng trưởng kinh tế dự báo tiếp tục khả quan. GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng trưởng tốt, năm 2019 đạt khoảng 2.700 USD. Theo đó, hạn mức BHTG 75 triệu đồng hiện nay chỉ bằng 1,25 lần GDP bình quân đầu người năm 2019, thấp hơn nhiều so với mức 2 lần theo thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, xây dựng hạn mức BHTG cũng cần đảm bảo phù hợp với năng lực tài chính của tổ chức BHTG. Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, năng lực tài chính của BHTGVN đã tăng lên đáng kể. Từ nguồn vốn được cấp ban đầu là 1.000 tỷ đồng, đến nay tổng tài sản của BHTGVN đã tăng lên hơn 64 nghìn tỷ đồng, trong đó quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt hơn 58 nghìn tỷ đồng. Đây là nền tảng quan trọng giúp BHTGVN có đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng thông qua hoạt động hỗ trợ tài chính.
Từ những phân tích nêu trên cho thấy, đã hội tụ đầy đủ các yếu tố để nâng hạn mức BHTG nhằm phát huy vai trò của chính sách BHTG trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, nâng cao niềm tin công chúng, góp phần đảm bảo sự ổn định của các tổ chức tín dụng và đảm bảo phát triển an toàn hệ thống ngân hàng.
Th.s Lê Việt Dũng – Phó trưởng ban Phụ trách Ban Giám sát Tổng hợp, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: Nên điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm lên 125 triệu đồng
GDP bình quân đầu người của nước ta hiện là khoảng 75 triệu đồng/người (tương đương 2.700USD); quy mô tiền gửi của người dân đang tăng nhanh cả về tổng tiền gửi cũng như lượng tiền gửi trên mỗi người gửi tiền trong hệ thống tổ chức tín dụng, do đó hạn mức 75 triệu đồng đã không còn phù hợp. Khi xảy ra hiện tượng mất khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng, người gửi tiền chỉ được chi trả tối đa 75 triệu đồng là con số quá ít so với thu nhập bình quân đầu người ở nước ta.
Với năng lực tài chính của BHTGVN như hiện nay (tổng tài sản của BHTGVN là hơn 64 nghìn tỷ đồng, trong đó quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt hơn 58 nghìn tỷ đồng), hạn mức chi trả BHTG khuyến nghị nên được điều chỉnh ở mức khoảng 125 triệu đồng cho mỗi người gửi tiền tại một tổ chức tham gia BHTG, tức là tương đương 2 lần GDP bình quân đầu người. Với hạn mức 125 triệu đồng quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTGVN có đủ khả năng để đảm bảo chi trả tiền gửi cho 100% QTDND. Như vậy, người gửi tiền sẽ an tâm hơn khi gửi tiền vào hệ thống các tổ chức tín dụng, góp phần tăng huy động vốn, tạo điều kiện phát triển kinh tế đất nước.