Thanh toán qua ví điện tử ngày càng phổ biến
Đến nay, NHNN đã cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (TGTT) cho 46 tổ chức không phải là ngân hàng, trong đó có 43 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử. Đến nay, tổng số ví điện tử đã kích hoạt khoảng trên 31 triệu ví (tăng 55,46% so với thời điểm cuối năm 2020); trong 9 tháng đầu năm 2021, giao dịch thành công qua ví điện tử tăng 77,70% về số lượng và 85,50% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh các ví điện tử phổ biến đang được người dùng sử dụng nhiều như MoMo, Moca, ZaloPay, Viettel Pay, Payoo, ShopeePay (trước đây là Airpay)… mới đây thị trường lại xuất hiện “tân binh” như ví điện tử MobiFone Pay. Việc ngày càng nhiều ví điện tử có mặt trên thị trường với những ưu đãi để thu hút khách hàng, làm cuộc đua ví điện tử trở nên sôi động. Trong bối cảnh hạn chế đi lại do dịch bệnh Covid-19 đã khiến người dùng đã chuyển từ hình thức mua sắm trực tiếp qua các kênh online. Các cổng thanh toán, ví điện tử cũng nắm bắt cơ hội chạy rất mạnh các chương trình ưu đãi khi thanh toán online khiến cho tỷ lệ thanh toán hình thức này tăng cao.
Hiện các ví điện tử đang hoạt động đều cung cấp đầy đủ các tiện ích cơ bản như thanh toán điện thoại, điện, nước, Internet, thanh toán, thanh toán các khoản vay, phí bảo hiểm, phí dịch vụ chung cư, dịch vụ công, học phí, mua vé (tàu xe, máy bay)… Ngoài việc xây dựng cho mình các trò chơi, chương trình ưu đãi riêng, các ví còn liên kết với các sàn thương mại điện tử để gia tăng trải nghiệm, tiện ích cho khách hàng. Ví điện tử nào có nhiều tiện ích, phù hợp với tập khách hàng của mình sẽ có được lợi thế trong cuộc đua thu hút khách hàng.
Thực tế, dịch vụ ví điện tử do các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (TGTT) cung ứng mang lại nhiều tiện ích, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.Tuy nhiên, như bất kỳ dịch vụ nào khác, dịch vụ ví điện tử cũng có thể bị lợi dụng cho hoạt động bất hợp pháp, trong đó có hoạt động đánh bạc.
Tích cực giám sát các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT
Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành (Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông,NHNN…) luôn phối hợp chặt chẽ để xử lý tình trạng lợi dụng dịch vụ ví điện tử để cá độ, đánh bạc và cung cấp trò chơi điện tử trên mạng bất hợp pháp.
Theo đó, NHNN cũng thường xuyên theo dõi, kịp thời cảnh báo, chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán về phương thức thủ đoạn tội phạm và các biện pháp phòng ngừa.
Đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT, tại Công văn số 4347/NHNN-TT ngày 17/6/2021 về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn; phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến cờ bạc, cá độ bóng đá, NHNNcũng yêu cầu tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn, ngăn ngừa hành vi lợi dụng dịch vụ TGTT cho các hoạt động bất hợp pháp.
Rà soát các tiêu chí giám sát, các hạn mức giao dịch; tăng cường các biện pháp giám sát giao dịch ví điện tử; giám sát chặt chẽ các tài khoản ví điện tử có số lượng và doanh số giao dịch lớn, đặc biệt là các giao dịch trực tuyến để phát hiện các giao dịch đáng ngờ, bất thường và có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp với quy định của pháp luật; ngăn ngừa sử dụng dịch vụ TGTT để thực hiện các giao dịch chuyển tiền liên quan đến hoạt động cờ bạc, cá độ bóng đá và các mục đích bất hợp pháp.
Đặc biệt, trước đó, NHNN đã ban hành Thông tư 23/2019/TT-NHNN (Thông tư 23) sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ TGTT, với nhiều điểm mới tạo thuận lợi cho các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT ví điện tử, tăng cường an ninh, an toàn và bảo vệ quyền lợi khách hàng sử dụng ví. Quy định tại Thông tư cho phép khách hàng được kết nối ví đã xác minh danh tính với nhiều tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ của khách hàng, cho phép khách hàng duy trì nhiều tài khoản ví...
Để đảm bảo hoạt động ví điện tử an toàn, lành mạnh, phòng chống rửa tiền, phòng ngừa gian lận và bảo vệ quyền lợi khách hàng, Thông tư đã có những quy định đối với tổ chức ví điện tử về mở và duy trì số dư tài khoản đảm bảo cho các ví điện tử tại ngân hàng thương mại, về cung cấp công cụ để phục vụ việc giám sát của NHNN; các quy định về định danh khách hàng mở ví, những hành vi không được phép, bị cấm khi cung ứng, sử dụng dịch vụ ví điện tử, quy định mục đích sử dụng ví chỉ cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp, giới hạn phạm vi nạp, rút tiền vào/ra ví đã liên kết tài khoản…
Đảm bảo an ninh, an toàn khi cung ứng và sử dụng ví điện tử
Để đảm bảo an toàn, hiệu quả khi giao dịch qua ví điện tử, ngăn ngừa, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật khi giao dịch qua ví điện tử (như cờ bạc, cá độ, rửa tiền…), NHNN đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cũng như phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong cung ứng và sử dụng dịch vụ ví điện tử.
Theo đó, NHNN không ngừng hoàn thiện quy định pháp luật về việc đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT nói chung và dịch vụ ví điện tử nói riêng, như: quy định về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố phù hợp với mô hình, quy mô hoạt động của các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT; quy định về giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT; quy định chế tài xử phạt vi phạm pháp luật trong cung ứng và sử dụng dịch vụ ví điện tử…
Bên cạnh đó, NHNN chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT tăng cường tuyên truyền, cảnh báo cho người sử dụng ví điện tử không thực hiện các hành vi bị cấm như: thuê, cho thuê, mượn, cho mượn ví điện tử hoặc mua, bán thông tin ví điện tử; không sử dụng hoặc tạo điều kiện cho các đối tượng sử dụng ví điện tử vào mục đích vi phạm pháp luật. Đồng thời, tăng cường triển khai giám sát, kiểm soát, phát hiện các giao dịch đáng ngờ nhằm ngăn chặn sử dụng ví điện tử để chuyển tiền, thanh toán cho các hoạt động bất hợp pháp.
Ngoài ra, triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT; tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) của các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT.Tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với các cơ quan, đơn vị liên quan về các phương thức, thủ đoạn tội phạm để nhận biết kịp thời các nguy cơ rủi ro, từ đó có biện pháp ngăn chặn và phòng ngừa hiệu quả.
Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan triển khai các giải pháp ngăn ngừa những hành vi vi phạm pháp luật như đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an… ngăn chặn việc truy cập vào các website cờ bạc cũng như xử lý các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam.
Đề xuất Bộ Công an sớm có hướng dẫn về phương án kết nối cho phép các TGTT có thể được khai thác, chia sẻ, đói chiếu xác thực thông tin căn cước công dân (CCCD) có yếu tố sinh trắc học từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong quá trình nhận diện khách hàng khi mở và sử dụng ví điện tử.
Về phía các tổ chức TGTT, các tổ chức này cần tiếp tục tích cực rà soát phát hiện nhiều trường hợp lợi dụng thương hiệu và hoạt động ví điện tử để thực hiện các hoạt động bất hợp pháp (cờ bạc, lừa đảo…) và cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo quy định pháp luật. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, khuyến cáo tới khách hàng về những quy định khi mở và sử dụng ví điện tử đảm bảo an toàn, hiệu quả, đúng quy định pháp luật.
Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 đã được ban hành và tới đây Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox Regulatory) đối với Fintech trong lĩnh vực ngân hàng sẽ được ban hành, các ngân hàng và các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT cần tập trung triển khai quy định mới về TTKDTM và sẵn sàng các điều kiện, hạ tầng công nghệ, sản phẩm và nhân lực cho việc triển khai Sandbox.
Để đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, chuyển tiền, người sử dụng dịch vụ cần lưu ý tuân thủ theo các hướng dẫn của tổ chức cung ứng dịch vụ, đặc biệt cần nâng cao cảnh giác với những thủ đoạn của tội phạm trên mạng. Ngoài ra, khách hàng cần bảo mật thông tin cá nhân, thông tin tài khoản… để tránh bị đánh cắp, lợi dụng (không cung cấp tài khoản đăng nhập, mật khẩu, mã OTP trong bất kỳ trường hợp nào yêu cầu để nhận/nạp tiền; không sử dụng mã PIN gắn liền với các thông tin cá nhân như số di động, số chứng minh thư, ngày sinh, ghi số PIN bỏ vào ví; không nạp/chuyển tiền theo yêu cầu của người lạ khi nhận được các cuộc gọi lạ...). Khách hàng không mở hộ thẻ/tài khoản cho người khác, kể cả cho mượn hoặc bán; không sử dụng ví điện tử vào những hoạt động bất hợp pháp như đánh bạc, rửa tiền, tài trợ khủng bố…